| Hotline: 0983.970.780

Hàn - Trung bắt tay, Mỹ bị thách thức?

Thứ Sáu 03/11/2017 , 11:05 (GMT+7)

Mâu thuẫn giữa Hàn Quốc và Trung Quốc xung quanh vấn đề triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) đã được khép lại. 

Hai nước nhất trí khôi phục lại mối quan hệ hợp tác giao lưu trên mọi mặt. Điều này sẽ tác động thế nào với các nước khác?
 

Trở lại bình thường

Seoul và Bắc Kinh hôm thứ Ba (31/10) đã đồng thời công bố thông cáo báo chí chung về kết quả thảo luận liên quan đến vấn đề THAAD. Theo đó, hai bên nhất trí xúc tiến phát triển mối quan hệ hợp tác song phương chiến lược trên cơ sở coi trọng mối quan hệ song phương, tức là Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ quay trở lại mối quan hệ giao lưu, hợp tác như trước khi triển khai THAAD.

16-53-59_tong_thong_moon_je-in_v_chu_tich_trung_quoc_tp_cn_binh_se_gp_song_phuong_ben_le_pec
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp song phương bên lề APEC tuần tới tại Đà Nẵng (Ảnh: Yonhap)

Về vấn đề THAAD, hai nước đã xác định lại lập trường riêng của mỗi bên, và thống nhất trên cơ sở tôn trọng lập trường của nhau. Hàn Quốc khẳng định rõ ràng THAAD không nhắm vào một nước thứ ba nào khác, và không gây tổn hại tới lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc, đồng thời bày tỏ rằng Seoul nhận thức được quan điểm và những lo ngại của Bắc Kinh về THAAD. Trong khi đó, để bảo vệ an ninh quốc gia, Trung Quốc cũng tái khẳng định lập trường phản đối triển khai hệ thống THAAD trên bán đảo Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Bắc Kinh để ngỏ việc sẽ quan tâm đến lập trường của Seoul, và hy vọng phía Hàn Quốc sẽ xử lý vấn đề này một cách hợp lý. Ngoài ra, Seoul và Bắc Kinh cũng nhất trí sẽ trao đổi nhưng vấn đề liên quan đến THAAD thông qua kênh quân sự của hai nước. 

Như vậy, những mâu thuẫn giữa chính phủ hai nước liên quan đến việc Bắc Kinh “trả đũa” việc Seoul triển khai THAAD đã khép lại sau 13 tháng kể từ sau khi chính phủ Hàn Quốc công bố chính thức về việc triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn này vào tháng 7/2016.

Việc giải quyết vấn đề THAAD là một “điều kiện tiên quyết” để tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Trung trước thềm Hội đàm thượng đỉnh song phương sẽ diễn ra bên lề Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức từ ngày 10/11 đến ngày 11/11 tại Việt Nam.
 

Sẽ tác động đến Mỹ?

Động thái bất ngờ của Trung Quốc giải quyết bất đồng đầy rắc rối này, có thể sẽ gây tác động với các tính toán của Tổng thống Trump trong chính sách với các đồng minh và chiến lược ứng phó với Triều Tiên, ngay trước chuyến đi đầu tiên tới châu Á của ông. Tuy nó không làm rạn nứt quan hệ đồng minh của chính phủ Hàn Quốc với Washington, nhưng nó cũng có thể là một thách thức mới đối với ông Trump, khi ông cố gắng xây dựng sự ủng hộ trong khu vực, để gây áp lực lên Triều Tiên nhằm hạn chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của họ.

Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in, có thái độ ngoại giao mềm dẻo hơn với Triều Tiên, nếu so cùng ông Trump hay Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Các nhà phân tích nhận định, ông Moon gần gũi Bắc Kinh có thể tạo ra sự đổi mới trong các chính sách với Triều Tiên, với Trung Quốc và quan hệ của Hàn Quốc với Nhật Bản, Hoa Kỳ.

Michael J. Green, một chuyên gia châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) cho rằng, “điều đó sẽ làm giảm những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm xây dựng tình liên minh giữa các nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc để gây áp lực không chỉ với Triều Tiên, mà cả với Trung Quốc để Trung Quốc gây sức ép Triều Tiên”.

Ông Green cảnh báo: “Chi tiết về thỏa thuận không ai được biết và Trung Quốc có thể phóng đại ý nghĩa của thỏa thuận. Nhưng nó cho biết thêm một yếu tố cần quan tâm cho Tổng thống Trump, trong chuyến đi tới châu Á.

Một viên chức cấp cao của Nhà Trắng, người được yêu cầu giấu tên, thừa nhận thỏa thuận có thể làm phức tạp thêm vấn đề cho Mỹ, nhưng nói rằng không nên có thêm xung đột vốn đã có với Hàn Quốc.
 

Liệu có bền vững?

Trung Quốc đã không có một tiến bộ nào trong việc đạt được mục tiêu từng đề ra là ngừng triển khai THAAD. Quan điểm cứng rắn trước đây của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với Hàn Quốc là để đạt mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là thay thế Hoa Kỳ như là cường quốc nổi trội ở châu Á.

Ông Shi Yinhong, Giáo sư Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân Dân (Trung Quốc), nói: "Thỏa thuận này là sự đảo chiều một chính sách không hiệu quả và tốn kém của phía Trung Quốc. Với Tổng thống Hàn Quốc, thỏa thuận mới đạt được với Trung Quốc là một thành công so với người tiền nhiệm - bà Park Geun-hye, vì đây không chỉ là vấn đề quốc phòng mà còn là kinh tế. Thỏa thuận đã chấm dứt việc chính phủ Trung Quốc ngăn cản việc dân chúng mua hàng hoá Hàn Quốc, gây tác động xấu đến kinh tế Hàn Quốc. Vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, thương mại hai chiều còn lớn hơn thương mại của Hàn Quốc với Hoa Kỳ và Nhật Bản cộng lại".

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cảnh giác về những nhận định lạc quan vội vàng trong quan hệ Hàn - Trung. Mặc dù quan hệ hai nước đang cho thấy những dấu hiệu tích cực, nhưng hai bên vẫn chưa có sự thay đổi nào về lập trường liên quan đến việc triển khai THAAD. Do đó, dư luận hiện đang hết sức quan tâm tới việc Seoul và Bắc Kinh sẽ tháo gỡ được đến đâu những mâu thuẫn xung quanh vấn đề THAAD ngay trước và sau Hội nghị thượng đỉnh song phương. 

Những tín hiệu báo trước

Ngay từ sau khi nhậm chức, Tổng thống Moon Jae-in đã kêu gọi phía Trung Quốc giải quyết những mâu thuẫn về vấn đề triển khai THAAD, song Bắc Kinh vẫn không hề có một động thái nào. Tuy nhiên, trước và sau khi Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX bế mạc vào hôm 24/10, Trung Quốc đã cho thấy nhiều dấu hiệu thay đổi. Như việc các cơ quan ngôn luận nước này đã có nhận định nhẹ nhàng hơn về THAAD, gọi tổ hợp tên lửa đánh chặn này là “vật cản trở” thay vì là “khối u ác tính”. 

Ngoài ra, gần đây Seoul và Bắc Kinh đã nhất trí gia hạn Hiệp định hoán đổi tiền tệ song phương, cũng như nối lại Hội đàm cấp Bộ trưởng quốc phòng sau 2 năm bị gián đoạn. Bên cạnh đó, gói sản phẩm du lịch theo đoàn cho khách du lịch Trung Quốc đến Hàn Quốc cũng đã xuất hiện trở lại.

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.