| Hotline: 0983.970.780

Hạn vụ hè thu

Thứ Tư 22/05/2013 , 13:55 (GMT+7)

Ông Phạm Hữu Thủ, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, tổng lượng nước tại các hồ thủy lợi trên địa bàn chỉ còn khoảng 69 triệu m3.

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, vụ HT năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 37.000 ha, 12.500 ha ngô, ước tổng sản lượng 270.000 tấn. Sở đã chỉ đạo tập trung xuống giống từ 15/4. Tuy nhiên thời điểm này vẫn còn diện tích lớn chưa thể xuống giống do nguồn nước khan hiếm.

Ông Phạm Hữu Thủ, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, tổng lượng nước tại các hồ thủy lợi trên địa bàn chỉ còn khoảng 69 triệu m3, giảm rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều hồ đã xuống dưới mực nước chết như Sông Phan (Hàm Tân), Tân Lập, Đu Đủ, Tà Mòn (Hàm Thuận Nam); chưa kể các hồ nhỏ đã cạn nước.

Điều lo ngại là thời tiết năm nay thất thường, nếu như năm ngoái đã xuất hiện nhiều cơn mưa lớn, vậy mà năm nay lượng mưa ít, chỉ có vài cơn lác đác tại các huyện Đức Linh, Tánh Linh. Để đảm bảo nước SX, vừa qua Tổng cục Thuỷ lợi, Sở NN-PTNT Bình Thuận đã làm việc với các nhà máy thuỷ điện Hàm Thuận - Đa Mi và Đại Ninh (Lâm Đồng) để thống nhất lưu lượng xả tối thiểu.


Một số diện tích lúa ở huyện Hàm Thuận Bắc thiếu nước nghiêm trọng

Ngay đầu vụ HT thuỷ điện Đại Ninh đã xả nước phát điện với lưu lượng từ 25 - 30 m3/s. Nguồn nước này được tận dụng triệt để, nước đến đâu người dân xuống giống đến đó. Nhờ vậy huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc chủ động xuống giống được nhiều diện tích, dự kiến cuối tháng 5 các huyện này sẽ hoàn thành gieo cấy. Cũng nhờ nguồn nước từ thuỷ điện, các huyện Đức Linh, Tánh Linh đang dồn lực tập trung SX.

Tại các huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi đến thời điểm này các hồ thuỷ lợi đã ở mực nước chết, do đó nông dân phải... chờ trời. Riêng huyện Tuy Phong, qua tính toán cân đối lượng nước từ công trình thuỷ lợi, chỉ đủ cung cấp nước sinh hoạt, nếu không có mưa sẽ không bố trí SX HT theo kế hoạch. Ông Nguyễn Văn Tuấn, xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân than vãn: “Hiện nay nguồn nước sinh hoạt cũng đã khan hiếm chứ nói gì đến nguồn nước phục vụ gieo cấy”.

Bình Thuận đã chỉ đạo các địa phương đồng loạt khơi thông dòng chảy; nạo vét kênh mương; nạo vét các cửa khẩu dẫn nước; sửa chữa các công trình bị hư hỏng; mua mới các thiết bị máy bơm, ống tưới để bơm tát, sửa chữa các giếng bơm... Đồng thời theo dõi, quản lý chặt chẽ nguồn nước và thực hiện biện pháp tưới tiết kiệm như tưới lúa “ướt khô xen kẽ”. Đối với cây trồng cạn thì tưới rãnh, tưới giải bằng cách dẫn nước và phân phối nước vào các rãnh, giải băng đường ống. Ứng dụng kỹ thuật tưới hiện đại, tiết kiệm nước như tưới phun mưa…

Điều đáng nói là nếu từ nay đến cuối tháng 5 trời không mưa, nhiều diện tích ở các huyện này sẽ không thể xuống giống đúng kế hoạch. Mặt khác số diện tích đã gieo cấy sẽ không có nước để cung cấp. Bởi theo quan sát chúng tôi tại một số vùng lúa đã gieo cấy, mặc dù cây đã lên 2 - 3 lá nhưng do nguồn nước khan hiếm, nên ruộng nứt nẻ, nếu không mưa thì sẽ bị nắng nóng thiêu rụi.

Cũng theo ông Thủ, căn cứ dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Bình Thuận về mùa khô 2013, Sở đã có kế hoạch triển khai cụ thể, đối với SX lúa phải thực hiện phương châm xuống giống đồng loạt, tập trung cho từng vùng, từng cánh đồng.

Bên cạnh đó Sở NN-PTNT Bình Thuận còn chỉ đạo các huyện phải chuẩn bị tốt các điều kiện về giống, đất đai và căn cứ tình hình thời tiết, nguồn nước để bố trí SX. Ngoài ra cần chủ động các phương án đối phó với thời tiết bất lợi, tình hình rầy nâu để bố trí, khoanh vùng SX, xuống đồng loạt, tập trung theo từng vùng, từng công trình đối với cây lương thực.

“Sở khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, sử dụng cây ngắn ngày. Theo đó SX theo phương châm 1 lúa, 1 ngô né hạn, tăng thu nhập. Những vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước cần đẩy mạnh phát triển cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày xuống giống vào đầu mùa mưa khi đất đủ ẩm”, ông Thủ nói.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Tạm thời không xuống giống lúa do xâm nhập mặn

BẠC LIÊU Do tình hình xâm nhập mặn, UBND huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) có công văn gửi các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đề nghị tạm thời không xuống giống lúa vụ hè thu.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.