| Hotline: 0983.970.780

Hàng chục tỷ đồng chôn theo rác?

Thứ Hai 24/09/2012 , 10:06 (GMT+7)

Với nguồn vốn đầu tư xây dựng lên đến hơn 35 tỷ đồng nhưng công trình Nhà máy Xử lý và Tái chế rác thải Tân Quang mới vận hành được một thời gian ngắn đã “đắp chiếu”.

Sản phẩm của NM có chất lượng thấp

Với nguồn vốn đầu tư xây dựng lên đến hơn 35 tỷ đồng nhưng công trình Nhà máy Xử lý và Tái chế rác thải Tân Quang (TX Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) mới vận hành được một thời gian ngắn đã “đắp chiếu”.

Thuyết minh hay

Ông Đào Quý Trọng, Trưởng BQL Đô thị thị xã Sông Công - đơn vị được giao nhiệm vụ vận hành nhà máy, cho biết Nhà máy Xử lý và Tái chế rác thải Tân Quang (viết tắt là NM Tân Quang) được xây dựng bằng công nghệ MBT - CD.08 do Cty TNHH Thủy lực - Máy Việt Nam hoàn thiện và thi công.

Theo thuyết minh, đây là công nghệ xử lý và tái chế chất thải rắn sinh hoạt thành nhiên liệu dạng viên đốt và gạch không nung, không chôn lấp. Hàng loạt tính chất ưu việt nổi trội của công nghệ trên được mô tả là công nghệ xanh thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm thứ cấp, không chiếm nhiều đất, không phát tán bụi và mùi, tất cả rác thải phải được xử lý theo hướng năng lượng tái tạo.

Cụ thể, đối với các loại rác dạng nhiên liệu (vải, giấy, xơ sợi…) sẽ được trộn thêm 30% than cám để chế biến thành các viên đốt công nghiệp, sử dụng cho các lò hơi, lò nung công nghiệp hoặc đốt phát điện. Các loại rác cứng như gạch, đá, thủy tinh… được nghiền nhỏ rồi trộn thêm xi măng để ép thành gạch không nung. Đặc biệt, các loại ni lông được tách lọc ra để bán hoặc tái chế thành dầu đốt.

Với tổng mức đầu tư lên đến 35,2 tỷ đồng, Dự án NM Tân Quang nhận được nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Đan Mạch với con số 18,45 tỷ đồng (52,4%); vốn góp của Cty TNHH Thủy lực - Máy Việt Nam là 5,4 tỷ (15,3%) và vốn đối ứng từ ngân sách của địa phương là 11,35 tỷ đồng (32,3 %).

Để thực hiện dự án, UBND TX Sông Công đã tiến hành GPMB để mở rộng, xây dựng tuyến đường dài 7km với kinh phí gần 20 tỷ đồng đi vào nhà máy. Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên được giao là đơn vị làm chủ đầu tư thực hiện dự án. Tháng 5/2011, công trình được xây dựng hoàn thiện và được chủ đầu tư bàn giao cho UBND TX Sông Công quản lý.

Nhà máy “đắp chiếu”

Sau khi nhận bàn giao, UBND TX Sông Công đã giao cho BQL Đô thị thị xã là đơn vị thực hiện việc quản lý vận hành NM. Chính thức đi vào hoạt động, NM đã đón hàng chục đoàn khách từ khắp cả nước đến để nghiên cứu và học tập. Tuy nhiên, sau một thời gian chạy thử, NM chỉ hoạt động cầm chừng, rồi thỉnh thoảng lại khởi động để phục vụ các đoàn khách đến tham quan.

Không thể “cự” thêm được, đến cuối năm 2011, NM chính thức bị đóng cửa. Toàn bộ khu vực công trình rộng hàng chục ha nằm im lìm, vắng lặng. Cỏ mọc xanh ngút xung quanh khuôn viên và khu nhà xưởng chính.

Đưa chúng tôi đi thăm NM, ông Dương Mạnh Hùng (người được giao trực tiếp quản lý, vận hành NM) cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc phải đóng cửa là do 2 sản phẩm chính của NM gồm viên đốt và gạch không nung không thể tiêu thụ được. Mặc dù BQL Đô thị TX Sông Công đã chào hàng khắp nơi song cũng chỉ có một vài đơn vị sử dụng thử sản phẩm của NM rồi “cao chạy xa bay”.

 Lý giải thực tế trên, lãnh đạo BQL Đô thị TX Sông Công đã thẳng thắn, viên đốt thì đạt nhiệt lượng quá thấp, cháy không lâu lại còn “nặng mùi”, còn gạch không nung vì lẫn bùn đất nên độ kết dính không cao, mủn rất nhanh và cũng có “mùi”.

Không chỉ “đẻ” ra những sản phẩm như “rác”, việc NM hoạt động không đạt công suất theo thiết kế (50 tấn rác/ngày) khiến cho lượng rác và cả các sản phẩm của NM bị tồn ứ ngày càng nhiều. Ông Trần Trọng Nghĩa, Tổ trưởng quản lý công nhân tại NM, cho biết, đơn vị đã phải sử dụng lực lượng 23 công nhân mới được tuyển thay vì vận hành NM thì lại đi thu gom rác ngay trong khu vực NM mang đi chôn lấp và làm những công việc lặt vặt khác.

Việc làm trên đã bị Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường phát hiện và kết luận là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Cụ thể là chôn lấp chất thải rắn không đúng quy định về bảo vệ môi trường, đốt rác thải sinh hoạt tại bãi chôn lấp, chôn lấp rác thải y tế lẫn với rác thải sinh hoạt.

Ông Đào Qúy Trọng, Trưởng BQL Đô thị thị xã Sông Công, cho biết, qua đề xuất của BQL, sắp tới, phía Cty TNHH Thủy lực - Máy Việt Nam sẽ triển khai việc lắp đặt một lò đốt rác với công suất từ 1.000 - 1.500 kg/giờ để xử lý triệt để lượng rác tồn đọng.

Rõ ràng, đó chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, ông Trọng cho rằng, khi tỉnh và TX thống nhất chuyển BQL Đô thị thành Cty và bàn giao NM để sử dụng (thay vì giao nhiệm vụ quản lý vận hành như hiện nay) thì đơn vị sẽ chịu trách nhiệm khâu nối các bên liên quan để tìm ra giải pháp hữu hiệu.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.