| Hotline: 0983.970.780

Hàng nghìn người về Văn Miếu lấy may

Thứ Ba 16/02/2010 , 09:49 (GMT+7)

Mùng 2 Tết, Hà Nội se lạnh. Trong khi các tụ điểm vui chơi như: công viên Thống Nhất, vườn Thú Hà Nội ... vắng lặng thì tại Văn Miếu dòng người lại chen chân xin chữ, cầu khấn và sờ đầu rùa.

Mùng 2 Tết, Hà Nội se lạnh. Trong khi các tụ điểm vui chơi như: công viên Thống Nhất, vườn Thú Hà Nội ... vắng lặng thì tại Văn Miếu dòng người lại chen chân xin chữ, cầu khấn và sờ đầu rùa.

Sau một tiếng khai hội xuân Văn Miếu, dòng người vẫn háo hức chen nhau xếp hàng mua vé vào tham quan. Không chỉ có các gia đình người Việt đưa nhau đến, ngày đầu xuân năm nay cũng có khá nhiều đoàn du khách nước ngoài đặt chân đến đây để tìm hiểu phong tục đón Tết ở đất nước có dải hình chữ S.

10h, không khí giữa khuôn viên Văn Miếu diễn ra khá nhộn nhịp bởi hàng loạt các hoạt động như Lễ dâng hương khai mạc hội xuân, giải cờ tướng, các trận thi đấu cờ bỏi. Đặc biệt khu vực xin chữ đầu xuân năm nay hút khá nhiều giới trẻ.

Các thành viên trong đoàn Từ thiện tấm lòng vàng Thăng Long đang trổ tài hát trầu văn ngày khai hội

Diện bộ áo dài vàng lấp lánh ánh kim cương, bác Hoàng Hòa (60 tuổi) - thành viên trong đoàn Từ thiện tấm lòng vàng Thăng Long tham gia dâng hương háo hức khoe, năm nào ngày mùng 2 Tết đoàn cũng xuống Văn Miếu làm lễ dâng hương Khổng Tử để xin cho các con cháu ở khắp Việt Nam được học hành đỗ đạt. Trong thời gian gần 2 tiếng làm lễ, hàng trăm người (trong đó có nhiều gương mặt trẻ) vây quanh thắp hương khấn vái.

"Cháu đang cầu khấn năm nay sẽ đỗ vào một trường chuyên có tiếng ở Hà Nội. Còn em trai đang học lớp 3 cũng đã được mẹ dặn trước đó là xin cho học giỏi và hiếu thảo với ông bà, cha mẹ...", cô gái diện bộ váy đỏ rực đứng bên cạnh em tiết lộ sau khi làm lễ.

Nếu bên ngoài hàng nghìn người nhộn nhịp và say sưa sờ đầu rùa và thả những đồng tiền đỏ lên đây để lấy "hên" đầu năm thì bên trong gian điện Đại Thành thờ Đức Khổng Tử cùng 4 vị khác (Mạnh Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Nhan Tử) cũng không ngớt người qua lại. Nhiều gia đình đưa con đến đây để cầu khấn việc học hành, thi cử đỗ đạt.

Rút trong ví ra một sấp tiền mới coong để chuẩn bị cầu khấn, chị Phạm Thu Phượng cho biết, chị cùng gia đình ở ngoại thành Hà Nội bắt xe buýt sang đây từ lúc hơn 8h. "Qua mùng 1 Tết, tranh thủ đi hết họ hàng rồi. Nay sang đây cũng chỉ cầu khấn mong sao cho con được học hành tiến tới và chồng được thăng tiến trong sự nghiệp...".

Giới trẻ tâm đắc với chữ xin được đầu năm

Không khí về trưa tại khuôn viên Văn Miếu vẫn rộn rã bởi những giọng hát trầu văn, quan họ. Giọng ca mượt mà cùng điệu múa mềm mại của các thành viên trong Đoàn từ thiện tấm lòng vàng Thăng Long giữ chân được khá nhiều du khách, đặc biệt người nước ngoài.

"Thật tuyệt. Đây là lần đầu đến Việt Nam, tôi thấy không khí đón Tết của các bạn thật độc đáo, đặc biệt phong tục xin chữ đầu xuân của giới trẻ", vị khách đến từ Canada thổ lộ.

Để xin được các dòng chữ như: Thành, Đỗ, Phúc... nhiều người kiên trì phải xếp hàng đợi hàng giờ đồng hồ. 5 bàn được bố trí để phục vụ khách cùng gần chục ông đồ diện bộ đồ Tây cũng không đáp ứng kịp.

Sau khi len ra khỏi đám đông với dòng mực chưa khô trên hai tờ giấy điệp đỏ thẫm, anh Đoàn Hoàng Anh (25 tuổi) cho biết, do bạn gái mệnh Hỏa nên phải xin chữ Thủy để mong sao cân bằng. Ngoài ra, muốn người yêu trong năm Canh Dần gặp được nhiều điều may mắn, chàng thanh niên này không quên xin chữ Cát Tường.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong số những chữ được ông đồ cất bút viết, chữ Đỗ Đạt được giới trẻ đến xin dịp này nhiều nhất. Tất cả đều hy vọng sờ được đầu rùa, xin được chữ đầu năm và thành kính trước trước danh sư Chu Văn An sẽ gặp được nhiều điều "hên".

Nghệ thuật múa rối nước đặt tại Văn Miếu cũng thu hút được hàng nghìn lượt người đến xem

Khác với điểm du xuân tại Văn Miếu, gần trưa, các điểm vui chơi khác ở Hà Nội như công viên Thống Nhất, vườn Thú... có rất ít người lui đến. Trước đó, những ngày Lễ trong năm, những điểm này được xem là khá hút khách.

Ngồi bên những bàn vé, hàng chục nhân viên ở những điểm vui chơi lắc đầu ngao ngán. Họ cho biết, để phục vụ nhu cầu của các "thượng đế" ngay từ ngày mùng 1 Tết cửa đã mở nhưng người đến không nhiều.

"Lạnh quá nên chán lắm, chẳng ai muốn đến đây chơi. Từ sáng bọn chị chỉ bán ra được vài chục vé ...", vừa nói, nhân viên bán vé trước cổng công viên Thống Nhất đưa túi nilon hạt dưa ra cắn. Nữ nhân viên này cười hy vọng, ngày mùng 3 Tết trời sẽ hửng nắng để người dân đến đây vui chơi.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.