| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm cơ sở sản xuất đồ gỗ ở Đồng Nai kêu cứu

Thứ Sáu 26/05/2017 , 09:15 (GMT+7)

Đã có 11 cơ sở bị niêm phong, buộc tạm dừng sản xuất từ 6 đến 9 tháng và hàng trăm cơ sở sản xuất đồ gỗ khác ở phường Long Bình (TP Biên Hòa) đang khẩn thiết kêu cứu.

15-54-32_2505173
Đại diện một số cơ sở sản xuất đồ gỗ với đơn khiếu nại

Nguyên nhân là thiếu “bản kế hoạch bảo vệ môi trường”, bị xử lý theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/2/2017.

Trong tháng 3 và 4, UBND thành phố Biên Hòa tổ chức kiểm tra 51 cơ sở sản xuất đồ gỗ ở 4 khu phố của phường Long Bình, về “lĩnh vực bảo vệ môi trường và hoạt động thương mại”. Đoàn kiểm tra do Phó phòng TN&MT Bùi Minh Quang làm trưởng đoàn, phát hiện cả 51 cơ sở “đều không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường”. Theo quy định, bản kế hoạch bảo vệ môi trường do cơ sở làm và UBND thành phố xác nhận.

Các cơ sở bị UBND thành phố Biên Hòa ra quyết định phạt vi phạm hành chính 788 triệu đồng. Trong đó, 11 cơ sở bị phạt bổ sung là niêm phong thiết bị, đình chỉ hoạt động từ 6 đến 9 tháng. Hầu hết các cơ sở còn lại “không bị áp dụng đình chỉ hoạt động với hình thức niêm phong” vì quy mô gia đình, theo công văn ngày 11/5 của UBND thành phố Biên Hòa. Các cơ sở bị phạt hành chính đã nộp 566 triệu đồng nhưng khiếu nại vì nơm nớp lo sợ bị đóng cửa, cùng hàng trăm cơ sở khác ở thành phố Biên Hòa chưa bị kiểm tra, khẩn thiết khiếu nại kêu cứu.

Các khiếu nại cho rằng, Nghị định 155 có hiệu lực từ ngày 1/2/2017, nhiều quy định chi tiết trong đó “chưa được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn” nên chưa biết. Nhất là việc “xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường”, khi các cơ sở chưa biết thì “nên cảnh cáo, nhắc nhở và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện”. Trong lúc, các cơ sở hoạt động lâu năm, đang giải quyết nhiều việc làm và kiểm tra chưa phát hiện gây ô nhiễm môi trường, chỉ đánh giá “có khả năng gây ô nhiễm môi trường”.

Trưởng đoàn kiểm tra Bùi Quang Minh cho biết cụ thể, 10/11 cơ sở bị đình chỉ hoạt động đang có đơn khiếu nại, đề nghị xem xét lại quyết định xử phạt với lý do chưa nắm rõ quy định mới. Việc niêm phong máy móc, thiết bị dẫn đến bức xúc, phản ứng gay gắt từ các hộ dân do có ảnh hưởng đến nguồn kinh tế và đời sống của người lao động.

Chi nhánh Long Bình của DNTN Đại Trường Thịnh bị phạt 60 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 6 tháng. Phụ trách chi nhánh là bà Phạm Thị Lệ Huyền nói, đang chịu thiệt hại rất lớn vì doanh thu mỗi ngày 50 triệu đồng. “Chúng tôi sản xuất theo đơn đặt hàng đã ký, nếu bị đình chỉ 6 tháng sẽ mất hết khách hàng, còn có thể phá sản”, bà Huyền lo lắng.

Một số cơ sở sản xuất hộ gia đình, không đăng ký doanh nghiệp cũng bị đình chỉ hoạt động. Cơ sở của ông Hoàng Văn Khương và ông Trịnh Phúc Diễn, mỗi cơ sở bị phạt 39 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 9 tháng. Quy định chỉ doanh nghiệp mới bị đình chỉ hoạt động, tuy nhiên, đoàn kiểm tra xác định cơ sở của ông Khương có 30 lao động, của ông Diễn có 15 lao động nên “quy mô doanh nghiệp”. Ông Khương khiếu nại là ông không ký vào biên bản vi phạm hành chính cho rằng ông có 30 lao động, vì thực tế chỉ có 5-7 lao động đều người trong gia đình. Ông Diễn cũng khiếu nại, xưởng sản xuất rộng 1.500 m2, gồm 2 cơ sở riêng biệt, cơ sở của ông chỉ quản lý một nửa với 7-9 lao động.

Khiếu nại đề nghị kiểm tra phải chính xác và trong xử lý cần tạo điều kiện cho các cơ sở chấp hành pháp luật, ổn định sản xuất. Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa, ông Nguyễn Tấn Long thừa nhận việc kiểm tra, xử lý đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Chỉ về đất đai, “hầu hết hoạt động trên nhà xưởng xây dựng trái phép (thuê lại nhà xưởng), không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Trong lúc, chính quyền cơ sở cũng nắm không chắc nên ông Long đang yêu cầu UBND phường Long Bình “khẩn trương kiểm tra, báo cáo” một số nội dung khiếu nại của các cơ sở.

Ngày 23/5, khiếu nại của các cơ sở còn gửi đến Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và nhiều cơ quan. Trong đó kiến nghị, khẩn trương tổ chức buổi đối thoại giữa lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước và đại diện các cơ sở sản xuất để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Nhất là “thu hồi quyết định áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động có thời hạn, để các cơ sở quay trở lại sản xuất, giải quyết tồn đọng các đơn hàng, giải quyết việc làm cho người lao động”.

Theo điểm d, Khoản 2, Điều 11 của Nghị định 155/NĐ-CP, các cơ sở chỉ bị phạt vi phạm hành chính khi có hành vi xả thải, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường mới bị đình chỉ hoạt động.

Thực tế, các cơ sở, doanh nghiệp này chỉ có vi phạm là không có kế hoạch bảo vệ môi trường được UBND thành phố Biên Hòa nêu rõ trong các quyết định xử phạt chứ không có bất cứ hành vi xả thải nào, gây hoặc có khả năng thực tế gây nên hậu quả nghiêm trọng như quy định pháp luật. Rõ ràng, cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng pháp luật xử lý vi phạm không chính xác, không phù hợp với quy định pháp luật và thực tế khách quan, gây nên hậu quả rất nặng nề cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp.

(Luật sư Nguyễn Văn Quynh, GĐ Hãng luật Hưng Yên, Đoàn Luật sư Hà Nội)

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.