| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm héc-ta cây trồng xứ Nghệ đang mong mưa từng ngày

Thứ Tư 27/07/2016 , 13:30 (GMT+7)

Ba tháng liền khô khốc, những cánh đồng bỏ hoang, nhiều đồi chanh chết rũ. Nước trên các kênh mương cạn kiệt, ruộng đồng nứt nẻ, khô trắng, hàng trăm ha lúa có nguy cơ không thể cứu vãn.

Đã đến cuối tháng 7 nhưng vẫn chưa có mưa ở hai xã Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam (huyện Hưng Nguyên) và một số xã thuộc huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Nếu dăm ngày nữa không mưa, toàn bộ diện tích lúa gieo cấy sẽ cháy khô. Nông dân chỉ còn cách ngửa mặt than trời!

Nhiệm vụ bất khả thi

Như một thói quen, ngày nào ông Phạm Bá Cảnh ở xóm 2b, xã Hưng Yên Bắc cũng chạy xe ra cánh đồng Cửa Đền đón nước tưới cho 5 sào lúa đang khô khát. Gần chục miệng ăn nhà ông chỉ trông vào chừng ấy lúa, vậy mà chỉ sau 20 ngày bén đất, chúng có nguy cơ chết cháy vì thiếu nước.

Khuôn mặt nhăn nheo, đen đúa của lão nông này vẫn trân trân nhìn vào ruộng lúa đã gần chết khô. “Nếu có nước, tôi sẽ dùng máy bơm Cole loại nhỏ, chắt từng hạt, cứu được cây nào hay cây nấy. Nhưng nửa tháng nay không có mưa, nước trên các dòng sông, kênh mương cũng cạn kiệt, ruộng nứt nẻ, đất khô cong, trắng cả cánh đồng. Cây lúa sắp không chịu nổi cái nắng của vùng đất khắc nghiệt này rồi”, ông Cảnh chua xót.

08-34-07_1
Đập Khe Ngang trơ đáy

 

Ruộng nhà ông Cảnh và nhiều hộ dân xóm 2b nằm ở cuối kênh 17, lấy nước từ kênh nhà Lê. Tuy nhiên, nguồn nước từ kênh nhà Lê đã cạn kiệt, trạm bơm treo hông từ nửa tháng nay khiến hàng trăm ha lúa rơi vào cảnh chờ trời, đợi nước.

Ông Nguyễn Đình Hữu, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Bắc gần như tuyệt vọng: “Theo kế hoạch, xã gieo trồng 260ha lúa nhưng chỉ hoàn thành khoảng 200ha. Số còn lại bỏ đang hoang đã đành nhưng số gieo cấy được cũng đã có 120 ha héo queo, héo quắt. Khoảng gần 100ha ven các tuyến kênh còn có màu xanh nhưng dưới chân ruộng đã nứt nẻ hết rồi.

Năm trước, xã đã bỏ ra hơn 100 triệu hỗ trợ nông dân cứu lúa. Thời điểm này năm trước, chiến dịch cứu lúa coi như đã hoàn tất mặc dù diện tích lúa bị chết tương đối nhiều. Nhưng năm nay, hạn kéo dài quá, không có nước thì chỉ có cách… bó tay nhìn lúa chết, lực bất tòng tâm”.

Chanh là cây trồng chịu hạn sống trên vùng đất này từ hàng chục năm nay. Nhưng năm nay, những đồi chanh xem ra cũng đã kiệt sức. Theo thống kê, toàn xã hiện có 180ha chanh thì có 30ha đã chết hẳn, nông dân phải chặt bỏ; gần 100ha héo rũ. Nguồn nước tưới cho cây trồng trong vườn chủ yếu dựa vào các giếng khoan nhưng năm nay, hầu hết giếng khoan trong xã đều kiệt nước. Nhà nhà chia nhau từng giọt nước đi xin từ các xã bên về sinh hoạt.

08-34-07_4
Những vườn chanh chết khô vì nắng nóng

 

Ông Nguyễn Doãn Hiệp, xóm 2b nhìn trân trân vào vườn chanh còn trơ gốc chua xót: “Vài năm lại đây, thời tiết khắc nghiệt quá! Năm 2015, nắng hạn kéo dài, cây chanh chưa chết nhưng năng suất giảm đáng kể, 400 gốc chanh chỉ được trên 1 tấn. Năm nay thì mất trắng, gần 300 gốc chanh 7 - 8 năm tuổi phải chặt bỏ, xếp dọc bờ rào. Bỏ tiền hàng chục triệu đồng khoan giếng nhưng nước cũng không đáng kể, tưới được vài bữa lại hết sạch. Số chanh 3 - 4 năm tuổi được vài chục gốc nữa, quả rất sai nhưng cũng đang héo hon dần”.

Hạn hán khốc liệt trên diện rộng

Do nằm ở vị trí cuối hệ thống bara Nam Đàn nên đến thời điểm này, hầu hết các sông, kênh trên địa bàn huyện Hưng Nguyên đều đã ở dưới mực nước chết. Hơn 90% các máy bơm trên địa bàn không thể hoạt động khiến 1.800ha lúa gặp hạn, trong đó có 800ha hạn nặng.

Riêng tại 2 xã Hưng Yên Bắc và Hưng Yên Nam hiện có gần 300ha lúa mùa vùng cao cưỡng không có nước để sản xuất.

Theo thống kê, vụ hè thu - mùa năm nay, huyện Hưng Nguyên đã gieo cấy được 4.600ha lúa và dự định chuyển 800ha đất lúa cao cưỡng sang trồng ngô. Tuy nhiên, hạn hán khốc liệt, trời không mưa, nước tưới không có khiến toàn bộ diện tích đất màu và đất lúa chuyển đổi không thể xuống giống.

Ông Hoàng Đức Ân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hưng Nguyên cho biết: “UBND huyện đã đồng ý trích 300 triệu đồng hỗ trợ các xã chống hạn. Nhưng căn bản vẫn phải chờ trời. Nếu trời không mưa, nước tại các hồ đập, sông không dâng cao thì muốn cứu lúa cũng chịu. Chưa năm nào hạn như năm nay. Năm 2015 được coi là đỉnh điểm nhưng đến cuối tháng 6 cũng đã có nhiều trận mưa, lúa được giải cứu. Năm nay, cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc cùng nhà nông chống hạn nhưng xem ra rất khó khăn!”.

08-34-07_2
Trạm bơm dã chiến không thể hoạt động do không còn nguồn nước

 

Huyện Nghi Lộc, vụ hè thu - mùa 2016 phấn đấu gieo cấy 7.500ha lúa. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ gieo cấy được 4.816ha. Số diện tích còn lại cơ bản chưa có nước sản xuất. Hơn 1.600ha lúa trông chờ vào nguồn nước tưới từ 40 hồ đập đang ngắc ngoải vì thiếu nước. 60 trạm bơm tưới cho 4.300ha trong đó các trạm bơm trên hệ thống kênh Khe Cái, thuộc các xã Nghi Công Nam, Nghi Công bắc, Nghi Lâm và Nghi Kiều đều treo hông; các trạm bơm vùng nông giang thuộc kênh Gai, mực nước xuống thấp phải bơm luân phiên do nước không đủ để bơm và thường xuyên bị nhiễm mặn.

Trên 2.8000ha lúa hè thu đã gieo cấy ở Nghi Lộc đang vào kỳ đẻ nhánh thiếu nước gay gắt, nếu vài ngày tới tiếp tục không có mưa, hơn 1.000ha lúa nhiều nguy cơ bị chết.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Nghệ An, toàn huyện có 625 hồ chứa, mực nước các hồ đang xuống thấp thua so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt, các hồ do địa phương quản lý dung tích chỉ còn từ 20 - 50%, nhiều hồ tại các huyện Tân Kỳ, Nghi Lộc, Yên Thành, Quỳnh Lưu đã trơ đáy …

Theo kế hoạch, vụ hè thu - mùa 2016, Nghệ An gieo cấy 94.000ha, hiện đã khép kín được trên 84.000ha, số còn lại chưa được gieo cấy do thiếu nước. Trước tình hình hạn hán khốc liệt, ngành nông nghiệp địa phương tiếp tục chỉ đạo nông dân gieo, chờ mưa làm lúa mùa; chuyển đổi trên 4.600 ha đất lúa sang trồng ngô và hoa màu.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, PGĐ Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết: “Trong số diện tích lúa đã gieo trồng hiện có khoảng 10.000ha không chủ động được nước. Sở NN-PTNT chỉ đạo các Phòng Nông nghiệp huyện “chắt” nước từ các kênh mương để đảm bảo duy trì cho cây lúa, chờ mưa.
Sở NN-PTNT cũng đã trình xin UBND tỉnh cấp thêm kinh phí nạo vét một số tuyến kênh; chuyển đổi 4.600ha đất lúa sang trồng ngô và hoa màu. Với diện tích chuyển đổi, các huyện cần có cơ chế hỗ trợ, đồng thời Sở cũng đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ để khuyến khích nông dân”.

 

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất