| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm người nghèo mắc bẫy

Thứ Tư 23/01/2013 , 09:59 (GMT+7)

Chỉ dùng những lời có cánh mà đường dây lừa đảo Đức - Dương - Hạnh đã lôi kéo hàng trăm người nghèo cống nộp tiền cho chúng.

Chỉ dùng những lời có cánh mà đường dây lừa đảo do bà Trần Thị Đức (mẹ vợ) và vợ chồng Nguyễn Chiêu Dương (con rể) - Nguyễn Bảo Hạnh đã lôi kéo hằng trăm người nghèo tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải bán hết những gì có thể để cống nộp cho chúng từ 14 đến 20 triệu trong 8 tháng qua và đang có nguy cơ mất trắng sau những lời hứa hão cùng sự tráo trở.

LỜI KỂ CỦA NHỮNG NGƯỜI TRONG CUỘC

Anh Phạm Xuân Hải (SN 1990) trú tại xóm 11, xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu - Nghệ An) kể: Tôi nghe người cô ở TP Vinh gọi điện về khoe: “Đang làm thủ tục cho 2 đứa con chuẩn bị XKLĐ tại Đài Loan”.

Sướng quá, liền hỏi: “Còn có suất nào nữa không cô, xin cho cháu đi với!”. Cô tôi liền đọc số điện thoại của một người bà con tên Dương bảo gọi điện trực tiếp mà hỏi. Tôi gọi cho Dương thì anh ta đáp ứng ngay: “Đoàn tối nay ra Hà Nội khám sức khỏe, chú là em họ ngoại, để tôi đưa thêm vào danh sách” (!?). Mừng quá, tôi rủ thêm 6 người đều có họ hàng với Dương cùng đi. Đêm hôm đó (6/6/2012), khoảng 0 giờ, 7 người chúng tôi hào hứng lên ngã tư thị trấn Cầu Giát đón xe để ra Hà Nội khám sức khỏe.

Vừa lên xe thì nghe bà Trần Thị Đức (mẹ vợ Dương) yêu cầu mỗi người nộp cho bà 5.000.000 đồng tiền mặt để làm các thủ tục tại Hà Nội mà không có giấy tờ biên nhận nào. Đến bến xe nước ngầm, cả đoàn 25 người vội vã lên tắc xi đến Bệnh viện đa khoa Tràng An và được một cô gái đưa tất cả vào khám sức khỏe. Xong việc cô ta bảo “mọi người cứ về quê chờ, công ty sẽ trực tiếp… nhận kết quả tại bệnh viện”.


Những người bị lừa gạt tố cáo với CA xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu

Trên đường về, bà Trần Thị Đức dặn: 3 ngày nữa cả 25 người mang 9.000.000 đồng vào Vinh nộp cho “công ty” và làm hộ chiếu. Chúng tôi tìm đến dãy phòng trọ số nhà 58, đường Trần Quang Diệu, phường Trường Thi, TP Vinh để nộp tiền. Anh Dương trực tiếp thu tiền nhưng trên phiếu thu (được bán đầy ở các hiệu sách báo) lại ký tên người nhận là Trần Thị Đức. Mọi người chúng tôi được đưa sang Phòng xuất nhập cảnh nộp 200.000 đồng, chụp ảnh và làm hộ chiếu. Dương dặn: “Các anh chị cứ về chờ, công ty sẽ lấy hộ chiếu, ngày 27/7/2012 sẽ xuất cảnh” (!?).

Thông tin đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan mà chỉ mất 14 triệu trong thời buổi này là quá rẻ lan rộng làm bao nhiêu người ao ước. Anh Đậu Văn Kiều, trú tại xóm 7, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu tuy không họ hàng gì với Dương nhưng được anh bạn nối khố cho điện thoại Dương cũng mon men gọi vào xin một suất để được đổi đời. Anh Kiều mừng như bắt được vàng khi nghe Dương cho biết: “Công ty đang lấy đợt 2, bay vào 27/8/2012.

Muốn đi luôn thì ngày mai vào Vinh ngay để chồng tiền đi Hà Nội khám luôn”. Vốn nhà nghèo lại cẩn thận, anh Kiều buộc phải hỏi cặn kẽ thì Dương giải thích: Đây là chương trình XKLĐ xóa đói giảm nghèo Bộ LĐ-TB&XH giành ưu tiên cho người nghèo. Tổng chi phí xuất cảnh 120 triệu. Bộ chỉ thu trước 14 triệu, còn lại cho lao động nợ sau đó thu 3 triệu/tháng, trả trong 3 năm. Sang Đài Loan chỉ đóng cơm hộp hoặc làm bánh kẹo nhưng lương 17.000.000 đồng/tháng. Bị anh Kiều hỏi: “Chú lấy gì làm chứng?”, Dương nói ngay: “Em là con nhà Dũng - Linh có đại lý bán hàng điện tử cực lớn ở Cầu Giát đây”.

Tin những điều Dương nói, sáng 20/6/2012, anh Kiều cùng 25 người nữa đã vào TP Vinh nộp cho Dương 9 triệu/người, làm hộ chiếu 200.000 đồng, làm CMND lấy nhanh 1.000.000 đồng/người, sau đó gửi thêm 100 ngàn để Dương lấy giúp hộ chiếu. Tối hôm đó, họ lại được bà Trần Thị Đức trực tiếp đưa ra Hà Nội. Vừa gặp một người đàn ông mặc quần xoóc lửng đang ngồi xổm bên vỉa hè, họ lại phải móc hầu bao nộp thêm cho người này 5 triệu đồng nữa sau đó theo bà Đức sang Bệnh viện đa khoa Tràng An khám sức khỏe.

Anh Hồ Sỹ Triều, trú tại xóm 3, xã Sơn Hải là một trong số hàng chục người thuộc các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên cũng được Dương tiếp nhận tiền để bay vào đợt cuối ngày 28/9/2012 cho biết: Khi tôi vào nộp tiền thì thấy có hai người từ xã Hưng Yên (Hưng Nguyên), xuống nộp tiền cho Dương. Họ tỏ vẻ hoài nghi nên đã hỏi thẳng Dương: “Anh lấy gì để làm bằng không?”. Dương liền chỉ vào cô vợ trắng trẻo (Nguyễn Bảo Hạnh) đang ẵm ngửa đứa con trên tay và nói: “Có vợ con tôi đây, nhà tôi đó làm bằng” (!?). Anh Triều vẫn không mấy tin tưởng, nhất là khi tận mắt nhìn thấy việc ở TP Vinh cũng như ở ngoài Thủ đô Hà Nội họ đều thu tiền của người lao động ở... vỉa hè nên hỏi thêm: Thế công ty tuyển người nằm ở đâu? Không trả lời thẳng vào câu hỏi, Dương nói: “Hôm sau lấy visa sẽ biết, không đi thì về xua gà cho vợ”!

Chỉ thủ đoạn ấy mà hằng trăm lao động nghèo đang ao ước được đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài để đổi đời bị cuốn vào vòng xoáy ma quỷ của 3 mẹ con Đức – Dương - Hạnh. Đa phần trong số họ đều đã “cống nộp” cho đường dây XKLĐ ma này bình quân 14 triệu đồng/người. Cá biệt có người đã phải nộp cho các đối tượng trên từ 17 đến 19 triệu đồng...

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.