| Hotline: 0983.970.780

Hàng vạn người dân được hưởng lợi từ việc Thanh Hóa 'xé rào'

Thứ Hai 11/09/2017 , 13:15 (GMT+7)

Trong bối cảnh người dân “khát” đất rừng sản xuất đến cùng cực, thì việc tỉnh Thanh Hóa quyết định “xé rào” bằng cách chuyển đổi gần 21.000 ha diện tích rừng phòng hộ kém xung yếu sang rừng sản xuất được ví như trận mưa rào giữa mùa nắng hạn...

Quy hoạch không phù hợp

Kết quả rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2007 kỳ vọng mang tín hiệu khả quan, vừa đáp ứng được nhu cầu phòng hộ, làm đẹp cảnh quan môi trường, đồng thời khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao giá trị đất lâm nghiệp.

10-17-34_1
Chuyển đổi đất rừng phòng hộ kém xung yếu sang rừng sản xuất sẽ giúp người dân cải thiện sinh kế

Tuy nhiên sau 10 năm, cùng với sự phát triển chung, nhu cầu đất sản xuất của các hộ gia đình sinh sống địa bàn miền núi ngày càng cấp thiết. Mặc dù sống chủ yếu dựa vào rừng nhưng bản thân họ lại thiếu đất trầm trọng, đây được xem là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng đốt nương làm rẫy và khai thác lâm sản trái phép diễn ra liên miên.

Đi sâu vào tìm hiểu, PV nhận thấy việc quy hoạch 3 loại rừng năm 2007 bộc lộ nhiều vấn đề hạn chế như: Tiêu chí rà soát rừng phòng hộ mới đề cập đến các yếu tố về điều kiện tự nhiên (lượng mưa, độ cao, độ dốc, thành phần cơ giới, độ dày tầng đất), quy mô diện tích để tiến hành rà soát, đánh giá, xác định cấp xung yếu; các nhân tố tham gia phân cấp phòng hộ là khoảnh (tương đương 100 ha); tiêu chí rà soát chưa đề cập đến yếu tố về trạng thái rung...

Những yếu tố trên khiến cho việc xác lập các lâm phận rừng phòng hộ chưa có độ chính xác cao. Cụ thể, tại một số huyện miền núi (Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành) khoảnh được xếp cấp ít xung yếu và quy hoạch là rừng sản xuất, tuy nhiên trạng thái rừng là rừng tự nhiên trên núi đá, không phù hợp cho quá trình sản xuất nên cần chuyển đổi sang rừng phòng hộ.

Mặt khác việc quy hoạch chưa xem xét tới thời gian giao đất, giao rừng trước khi rà soát mà chỉ căn cứ chủ yếu vào yếu tố kỹ thuật, xây dựng bản đồ lý thuyết để chia tách các loại rừng, điều này dẫn đến tình trạng các lô rừng đã giao cho các chủ thể quản lý vẫn được khoanh gộp vào rừng phòng hộ, từ đó nảy sinh những vướng mắc trong quản lý đất đai và lợi ích của các chủ rừng.
 

Thêm 21.000 ha rừng sản xuất

Căn cứ Quyết định số 845/QĐ-BNN-TCLN ngày 16/3/2016 của Bộ NN-PTNT về việc ban hành Bộ tiêu chí rà soát diện tích quy hoạch đất rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu chuyển sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất, ngày 12/7/2017, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã có Nghị quyết số 55/2017/NQ-HĐND “Quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2016 – 2025”.

10-17-34_3
Cán bộ chuyên ngành tiến hành kiểm tra trồng rừng gỗ lớn tại cơ sở

Qua kiểm đếm, tổng diện tích đất rừng hiện tại trên địa bàn là 647.677,11 ha. Sau quy hoạch, diện tích rừng đặc dụng gần như được giữ nguyên với 82.123,44 ha, trong khi đó rừng phòng hộ sẽ giảm xuống còn 163.538,25 ha, ngược lại rừng sản xuất sẽ tăng thêm gần 21.000 ha (từ 380.362,45 ha lên 402.015,42 ha), chiếm đến 62,07% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh.

Khu vực chuyển đổi bao gồm những diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu với những yếu tố như như lượng mưa ít, độ dốc thấp (nhỏ hơn 23 độ), tầng đất dày trên 50cm, thuộc diện rừng nghèo kiệt hoặc không có khả năng phục hồi. Kết quả rà soát cho thấy, các huyện Quan Sơn (5.486,39 ha), Thường Xuân (4.895,24 ha), Mường Lát (3.718,28 ha), Bá Thước (2.332,37 ha) hay Lang Chánh (2.426,53 ha) là những địa phương đi đầu trong quá trình chuyển đổi.

Theo đánh giá chung, chủ trương quy hoạch 3 loại rừng mà trọng tâm hướng đến việc chuyển đổi những diện tích rừng phòng hộ kém xung yếu sang rừng sản xuất là chủ trương đúng đắn, gắn liền với nhu cầu thực tiễn. Khi áp dụng sẽ hình thành lâm phận rừng ổn định, đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển, đồng thời mở ra cơ hội thúc đẩy quá trình xã hội hóa ngành lâm nghiệp trên địa bàn. 

Khi được hỏi, một cán bộ ngành nông nghiệp bộc bạch: “Rừng phòng hộ dù có nghèo kiệt đến đâu thì chức năng giữ đất, bảo vệ sinh thủy vẫn hiệu quả. Tuy nhiên phải xét trên nhiều khía cạnh, nếu khu vực nào không thực sự xung yếu thì vấn đề chuyển đổi là việc nên làm. Nói gì thì nói, một khi cái bụng chưa no thì rất khó đòi hỏi bà con dân bản chuyên tâm vào việc giữ rừng”.

Ông Lê Thế Long, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa khẳng định: “Rà soát quy hoạch 3 loại rừng lần này dựa trên 2 nguyên tắc, thứ nhất là giữ ổn định diện tích rừng đặc dụng hiện có, đáp ứng tiêu chí bảo tồn sinh học. Hai là chỉ giữ lại những diện tích rừng phòng hộ cực xung yếu, còn lại tập trung chuyển đổi để lấy đất cho người dân sản xuất lâm nghiệp. Một khi quyền lợi của bà con được đảm bảo thì vấn đề an ninh rừng chắc chắn sẽ được cải thiện”.
 

Tập trung trồng rừng gỗ lớn

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sản phẩm gỗ chế biến, hướng đến tạo vùng nguyên liệu tập trung cho chế biến đồ gỗ nội địa và xuất khẩu, giảm dần nhập khẩu gỗ nguyên liệu, Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai Đề án “Phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn đến năm 2020”.

10-17-34_2
Trồng rừng gỗ lớn là hướng đi trọng tâm mà tỉnh Thanh Hóa hướng đến

Chủ trương sâu sát nhưng quá trình thực hiện đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Trên thực tế những nơi có điều kiện đất tốt đều đã tiến hành trồng rừng, diện tích sót lại chủ yếu nằm ở vùng cao, xa, điều kiện lập địa khó khăn, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, do đó khó thu hút doanh nghiệp liên doanh, liên kết đầu tư.

Quy mô diện tích đất lâm nghiệp của mỗi hộ gia đình còn nhỏ lẻ, dao động bình quân từ 1-2ha/hộ, số hộ có diện tích trên 10ha rất ít. Các hộ đa phần sinh sống ở khu vực miền núi, đời sống khó khăn, thiếu vốn sản xuất nên chủ yếu chọn phương án trồng rừng quảng canh, chu kỳ ngắn để nhanh cho sản phẩm, thu nhập.

Vốn và tín dụng cũng là rào cản. Kinh doanh gỗ lớn có chu kỳ dài, đồng nghĩa với chi phí đầu tư lớn, nhận thấy rủi ro cao nên các ngân hàng thường từ chối giao dịch, thành thử các hộ gia đình, cá nhân rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Mặc dù còn nhiều rào cản nhất định, nhưng nhìn nhận một cách khách quan, chủ trương trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn đạt được những kết quả nhất định. Trong đó, các Hạt kiểm lâm (HKL) địa bàn với vai trò tham mưu, giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp, đồng thời thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra đảm bảo thực thi pháp luật về QLBVR và QLLS đã phát huy dấu ấn rõ nét.

Đơn cử, huyện Lang Chánh có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp lên đến 58.562,80 ha, được phân bố trên địa giới hành chính của 11 xã, thị trấn, độ che phủ rừng chiếm 80,61%. Song song với việc thực hiện tốt công tác khảo sát, thiết kế tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, HKL huyện còn chủ động trong quá trình gieo, ươm cây giống nhằm cung cấp đủ số lượng, chất lượng cây giống cho người dân bản địa tiến hành trồng rừng đúng thời vụ.

10-17-34_4
Cán bộ chuyên ngành tiến hành kiểm tra trồng rừng gỗ lớn tại cơ sở

Hàng năm, HKL Lang Chánh cấp cho các hộ gia đình tham gia dự án từ 50-60 vạn cây giống, tỷ lệ sống đạt trên 95%. Chi tiết hơn, giai đoạn 2014 - 2017, đơn vị đã triển khai trồng được 2.005 ha rừng, chủ yếu là rừng gỗ lớn (keo tai tượng Úc) với sự tham gia của hàng ngàn hộ dân. Rừng trồng phát triển tương đối đồng đều, mang lại lợi ích về môi trường, hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương cũng như giảm thiểu áp lực đối với bảo vệ rừng tự nhiên…

Trong kế hoạch chuyển đổi 21.000 ha rừng phòng hộ kém xung yếu sang đất rừng sản xuất, khoảng 70-80% diện tích sẽ thuộc quyền quản lý của người dân, còn lại là các đối tượng chủ rừng khác. Đây được coi là một chủ trương lớn hợp lòng dân...

 

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm