| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 19/12/2016 , 06:35 (GMT+7)

06:35 - 19/12/2016

Hành động cao thượng của ông chủ tịch... treo ấn

Ông Toàn từ chức vì trong xã có 16 hộ dân mua đất, đã được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhưng lại... không có đất, nghĩa là cấp sổ đỏ khống. 

Mấy ngày nay, bên cạnh những sự kiện gây sốt trên các diễn đàn như chuyện lũ chồng lũ ở miền Trung, chuyện các cô giáo trường mầm non An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, vật lộn trong lũ suốt 2 tiếng đồng hồ để cứu 15 cháu học trò mầm non, hay chuyện “ông hoàng nhạc Việt” Đàm Vĩnh Hưng lên mạng khóc lóc tố việc phải trả nợ thay cho mẹ 20 tỷ vì cờ bạc... còn có một sự việc cũng được dư luận xã hội quan tâm không kém. Đó là lá đơn từ chức của ông Bùi Văn Toàn, chủ tịch UBND xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.


Ông Bùi Văn Toàn (bên trái) xin từ chức chủ tịch xã vì thấy mình “không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín với dân” (Ảnh: Báo Người lao động)
 

Ông Toàn từ chức vì trong xã có 16 hộ dân mua đất, đã được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhưng lại... không có đất, nghĩa là cấp sổ đỏ khống. Năm 2010, khi mới lên làm chủ tịch, ông đã hứa với 16 hộ là ông sẽ giải quyết chuyện này, đòi được đất cho họ. Nhưng đến nay, vẫn còn 4 hộ chưa giải quyết xong. Ông cảm thấy có lỗi với họ, vì đã hứa mà chưa làm được. Vì vậy, ông xin từ chức.

Xin từ chức vì đã hứa với dân mà không làm được. Trong 16 hộ dân bị cấp sổ đỏ khống, thì ông đã giải quyết được 12 hộ rồi, chỉ còn lại 4 hộ. Việc cấp sổ đỏ cho dân đâu phải là thẩm quyền của cấp xã, vì vậy, kể cả không giải quyết được trường hợp nào, thì lỗi cũng không phải của ông. Ông có thể viện rất nhiều lý do để phủi lời hứa của mình. Thế nhưng ông vẫn quyết tâm từ chức, vì “Mình hứa với dân nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Vì vậy mình thấy mất uy tín, nên mình xin từ chức, để người khác có năng lực hơn thay thế" - trích lời ông Bùi Văn Toàn.

Việc từ chức của ông mới cao thượng làm sao. Lòng tự trọng, tính liêm sỉ trong con người ông mới lớn làm sao. Nhìn lên, chúng ta thấy không ít những “ông quan” có địa vị lớn hơn ông chủ tịch xã Bùi Văn Toàn, lúc chuẩn bị nhận chức hay mới nhận chức thì toàn dùng những lời “có cánh” để hứa với dân, những là tôi sẽ thế này, tôi sẽ thế kia...

Nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn, thì những lời hứa đó đã bị gió thổi bay. Có những vị, thậm chí còn gây nên những việc “động trời”, khiến dư luận phẫn nộ. Nhưng vẫn nhơn nhơn không một lời nhận lỗi, và khi được chất vấn về việc tại sao không từ chức, thì lại đổ lỗi cho hết lý do này đến lý do nọ, để lẩn tránh trách nhiệm, quyết tâm “bám ghế” đến cùng. Trong khi ở nước khác, thì chỉ cần sự việc xẩy ra hôm trước, thì hôm sau người đứng đầu đã lên truyền hình cúi đầu xin lỗi nhân dân, và sau đó từ chức.

Bộ Nội vụ vừa được giao phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương, đề xuất xây dựng quy định về từ chức của cán bộ, công chức. Nhưng, dư luận cho rằng xây dựng quy định về từ chức không bằng xây dựng văn hóa từ chức. Bởi nếu không có văn hóa từ chức, nghĩa là không có lòng tự trọng và tính liêm sỉ, thì dù có bao nhiêu quy định chăng nữa, cũng bị người ta “hóa giải” hết.