| Hotline: 0983.970.780

Hạnh phúc vì biết Hy Vọng

Thứ Ba 13/11/2012 , 10:12 (GMT+7)

Trung tâm Hy Vọng được thành lập từ năm 1.999 do hai người phụ nữ là bà Nguyễn Thị Hồng và Lê Thị Hương đứng ra quản lý.

Bà Hồng luôn tận tình, chỉ bảo các em học nghề

Nằm thu mình giữa con phố nhộn nhịp, cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, trẻ khó khăn Hy Vọng (gọi tắt Trung tâm Hy Vọng ở số 20 Nhật Lệ, TP Huế, tỉnh TT-Huế) là điểm đến của những mảnh đời bất hạnh, nơi gieo niềm hy vọng cho những đứa trẻ không may mắn giữa cuộc đời…

Sống lại những phận đời

Trung tâm Hy Vọng được thành lập từ năm 1.999 do hai người phụ nữ là bà Nguyễn Thị Hồng và Lê Thị Hương đứng ra quản lý. Trải qua bao nhiều năm xây dựng, vượt khó, từ những khóa học đầu tiên, nay trung tâm đã trang bị khá đầy đủ cơ sở vật chất dạy nghề, tạo công ăn việc làm, dạy kỹ năng sống và kiến thức cho hàng trăm học viên đến từ trong và ngoài tỉnh.

Có dịp ghé thăm gian hàng trưng bày hàng lưu niệm của trung tâm Hy Vọng du khách ắt hẳn sẽ ngỡ ngàng trước sự độc đáo, mới lạ của hàng trăm món hàng được bày bán ở đây. Trong gian hàng chưa đến 10 m2, gần 200 mặt hàng với đầy đủ chủng loại, kiểu dáng được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của các em khuyết tật.

Độc đáo và gây ấn tượng nhất là các sản phẩm trang trí đầy màu sắc được làm từ những sợi dây điện. Qua bàn tay khéo léo, những sợi dây điện khô cứng, đồ phế liệu đã được đan kết thành những sản phẩm trang trí mới lạ, được các du khách đánh giá cao về tính thẩm mỹ cũng như giá trị sử dụng từ những đôi tay không lành lặn.

Bên cạnh đó, những chiếc hoa tai, vòng đeo tay xinh xắn, hay các hộp đựng trang sức bằng vải lụa với đa dạng các chủng loại, mẫu mã là những mặt hàng được các du khách phương tây rất ưa chuộng vì tính thẩm mỹ cũng như giá trị lao động cần mẫn trên mỗi sản phẩm. Nhìn những đường nét tinh xảo trên sản phẩm cho thấy sự chuyên nghiệp trong tay nghề của các em.

Đang loáy hoáy ngồi đan dây điện, sắp hoàn thành một sản phẩm, em Quách Võ Thành Long (trú tại phường Xuân Phú, TP. Huế) tâm sự: “Em vào đây được 6 tháng, được học nghề, được vui chơi cùng các bạn nên rất vui. Trước đây em ở nhà, chỉ biết trong chờ vào gia đình, giờ em đã có việc làm, nuôi được bản thân rồi.”

Long bị tật một chân từ nhỏ, cơ thể em lại phát triển không bình thường, nhưng may mắn hơn các em ở đây là Long còn nói, trò chuyện được. Hiện mỗi tháng Long được nhận 1,2 triệu tiền lương, số tiền này em đã tích cóp để chuẩn bị mua xe đạp đi làm.

Tại trung tâm Hy vọng, có lẽ hạnh phúc nhất là những em bị câm điếc bẩm sinh. Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Giám đốc trung tâm chia sẻ: “Mình giờ đã trở thành “bà ngoại” của cả một bầy cháu rồi. Ở trung tâm thấy hạnh phúc nhất là những em làm việc, sinh sống tại đây rồi mến nhau, nên nghĩa vợ chồng. Nhiều cặp đôi dù còn làm việc ở đây hay vì mưu sinh mà đi làm nghề ở các nơi khác mỗi dịp tết lễ đều bồng con về thăm “bà ngoại”.

Đào tạo nghề bền vững

Bà Hồng cho biết thêm, Trung tâm Hy Vọng hiện là mái nhà chung của hơn gần 100 trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, đến đây còn là điểm tựa của các em nhiễm chất độc màu da cam. Các sản phẩm do các em làm ra vừa cung ứng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ cho ngành du lịch TT- Huế, vừa đủ sức cạnh tranh để xuất khẩu sang các nước như Canada, Hồng Kông, Nhật Bản.

Vừa qua Trung tâm Hy Vọng đã tổ chức thêm chương trình đào tạo nghề sơn mài mỹ nghệ cho 30 em khuyết tật và người dân tộc miền núi. Đây là dự án do Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại tỉnh TT- Huế hỗ trợ với số tiền 45 triệu đồng. Các em được đào tạo các kỹ năng về làm hàng sơn mài mỹ nghệ lưu niệm do giáo viên Trường Đại học Mỹ thuật Huế hướng dẫn giúp đỡ.

Ngoài ra các mặt hàng như may mặc, đồ mỹ nghệ được các công ty, doanh nghiệp, các trường học trong tỉnh đón nhận. Bởi hầu hết các sản phẩm được làm từ nguyên liệu tái chế nên rất thân thiện với môi trường, được đông đảo du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài ưa chuộng.

Và trong hàng trăm quầy hàng lưu niệm khác nhau ở TP. Huế, các sản phẩm ở shop hàng Hy Vọng vẫn chiếm ưu thế và tạo được thương hiệu riêng cho mình. Bởi ở đây, mỗi một sản phẩm do các em làm ra đều được du khách đón nhận như một món quà du lịch độc đáo và trên hết là sự trân trọng, ghi nhận những giá trị lao động của những phận đời kém may mắn.

Ngoài ra, các mặt hàng may mặc, túi sách cũng đang dần tạo được thương hiệu, góp phần tạo thu nhập hàng tháng đã bảo đảm ăn uống, sinh hoạt của các em tại trung tâm, giúp các em cải thiện thêm trong cuộc sống hàng ngày và có thể dành dụm gửi về cho gia đình.

Không chỉ dạy các kỹ năng sống cần thiết cho các em vốn đã thiệt thòi, mục đích của trung tâm là đào tạo nghề bền vững, các em có thể ở lại trung tâm hoặc ra giữa đời vẫn sống được với nghề, phát triển tay nghề từ những kinh nghiệm của mình.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất