| Hotline: 0983.970.780

Hành trình đào tẩu của người đàn ông Triều Tiên mất cả tay chân

Thứ Sáu 02/03/2018 , 13:05 (GMT+7)

Dù mất cả tay và chân trái, tinh thần “không bao giờ từ bỏ” vẫn luôn cháy trong Ji Seong-ho, là động lực để anh quyết định rời khỏi Triều Tiên để đi tìm cuộc sống mới.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng chỉ trích Bình Nhưỡng trong thông điệp liên bang hồi cuối tháng 1, ông chủ Nhà Trắng đã mời tới hội trường lớn một người đào tẩu khỏi Triều Tiên tên Ji Seong-ho để anh kể lại câu chuyện cuộc đời mình.
 

Trộm than

Năm 1996, Ji, lúc bấy giờ 13 tuổi, là con trai cả trong gia đình, sống tại một ngôi làng khai thác mỏ gần thành phố Hoeryong, phía bắc Triều Tiên. Ji tả nhà anh rất nghèo, phải ăn rễ cây và lõi ngô để sống. Có những lúc, họ đói đến nỗi rơi vào ảo giác, theo New York Times.

10-13-37_seong-ho
Ji Seong-ho giơ cao cây nạng khi được Tổng thống Mỹ Donald Trump giới thiệu. Ảnh: AP.

Vì cuộc sống quá khó khăn, anh bắt đầu đi ăn trộm than từ các đoàn tàu chở hàng, đổi chúng lấy ngô. “Chúng tôi có khoảng 100 người. Khi đoàn tàu rời ga vào ban đêm, chúng tôi rời khỏi chỗ trốn và bò lên những toa tàu, trông không khác gì thây ma”, Ji nhớ lại. Nếu chúng tôi bỏ lỡ chuyến tàu, gia đình chúng tôi sẽ không có gì ăn trong vài ngày sau đó”.

Theo như lời Ji, dân làng chỉ có thể trộm than từ 1 đến 5 giờ sáng, thời điểm cảnh sát không canh gác tàu. Họ không có đèn pin.

Vào đêm 7/3/1996, Ji đang ném cho em gái các bao tải than lấy từ tàu chở hàng thì ngất đi vì đói, anh ngã xuống khoảng giữa hai toa tàu và bị tàu kéo đứt lìa tay trái cùng chân trái. Em gái Ji hoảng loạn kêu gào nhờ mọi người giúp đỡ nhưng những người xung quanh chỉ quay mặt bỏ đi, mang theo cả số than hai anh em vừa kiếm.

Ji được chuyển tới trạm xá địa phương. Bác sĩ phẫu thuật cho anh mà không gây tê hay truyền máu. “Tôi có thể cảm thấy xương sống của mình kêu lách cách lúc bác sĩ cưa xương”, Ji nói. “Tôi có thể nghe thấy tiếng máu chảy xuống chiếc xô đặt bên dưới. Bác sĩ liên tục nói chuyện để giữ cho tôi không bị ngất đi”.

Hồi phục, Ji phải đi ăn xin tại các khu chợ hay ga tàu trên đôi nạng. Nhưng Ji khẳng định đến tận lúc đó, anh không hề có ý định rời khỏi Triều Tiên. Nhưng vào năm 2000, khi Ji vượt biên trái phép sang Trung Quốc, suy nghĩ của anh đã thay đổi. Ji được cho ăn tại nhà thờ và anh thấy “động vật ở Trung Quốc còn ăn ngon hơn người ở Triều Tiên”. Một tháng sau, Ji trở về nhà, mang theo chút đồ ăn cho gia đình. Cảnh sát ngầm bắt anh và đánh đập anh trong suốt 20 ngày.

“Việc bị đánh không khiến tôi tổn thương”, Ji chia sẻ. “Một trong số họ nói với tôi rằng: ‘Tên què quặt, đi ăn xin ở Trung Quốc trước camera người nước ngoài! Mày là nỗi xấu hổ đối với lãnh đạo đất nước”.

“Đó là lúc tôi nhận ra mình không có tương lai ở Triều Tiên”, anh quả quyết.
 

Chống nạng vượt biên

Ji liên hệ với một người bạn cùng quê đã tới được Hàn Quốc. Anh nói chuyện với cậu bạn bằng điện thoại di động bắt sóng từ Trung Quốc vì ở gần biên giới. Ji nhận ra điều kiện tại Hàn Quốc tốt hơn ở Triều Tiên đến mức nào. “Họ không đánh người tàn tật”, người bạn nói với Ji.

Tháng 4/2006, Ji vượt sông Đồ Môn vào Trung Quốc nhưng suýt chết đuối. Em trai, người cùng Ji đào tẩu khỏi Triều Tiên, đã cứu anh. Hai anh em chia tay ở Trung Quốc bởi Ji sợ anh sẽ trở thành gánh nặng cho em trên hành trình đầy rủi ro và khó khăn tới Hàn Quốc. “Chúng tôi khi ấy nghĩ rằng ít nhất một trong hai đứa phải đến được Hàn Quốc và kiếm tiền để đưa bố mẹ, em gái sang”, Ji cho hay.

10-13-37_78bd0331df7f34671818501e07b23
Ji Seong-ho tại Đại học Dongguk ở Seoul hồi năm 2012. Ảnh: News.com.au.

Không có bất kỳ chỉ dẫn nào trong tay, Ji cùng ba người đào tẩu khác cứ thế đi bộ qua những cánh rừng rậm của Lào. Đến Thái Lan, Ji được chỉ dẫn rằng các nhà ngoại giao Hàn Quốc có thể giúp anh.

Tại Đại sứ quán Hàn Quốc ở Bangkok, các nhà ngoại giao không khỏi bất ngờ vì nhìn thấy người đào tẩu Triều Tiên đầu tiên chống nạng. Họ nhanh chóng đưa Ji tới Seoul. Chính phủ Hàn Quốc lắp cho anh tay và chân giả. Ji đoàn tụ với em trai tại Hàn Quốc. Một năm sau, mẹ và em gái cũng tới. Nhưng cha anh bị bắt trên đường đào tẩu và qua đời trong tù ở Triều Tiên.

Tại Seoul, Ji theo học ngành luật và thành lập một tổ chức chuyên giúp đỡ người Triều Tiên đào tẩu. Anh thường xuyên xuất hiện tại các hội thảo quốc tế để kể về hành trình rời khỏi Triều Tiên của mình.

Ji bộc bạch anh không bao giờ bỏ đôi nạng cũ kỹ mà cha đã làm cho anh bởi đối với Ji, chúng là biểu tượng cho thấy rằng “bạn có thể làm bất cứ điều gì nếu không bao giờ từ bỏ”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.