| Hotline: 0983.970.780

'Hành trình' làm người tâm thần

Thứ Tư 02/08/2017 , 14:30 (GMT+7)

Rất trùng hợp với thời điểm “nở rộ” bệnh nhân tâm thần của toàn tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2012 một số lãnh đạo của Bệnh viện tâm thần tỉnh này lần lượt bị công an bắt để điều tra các hành vi tham ô...

Diễn hay hơn cả diễn viên

Cứ mỗi lần có đoàn về kiểm tra giám định lại bệnh tâm thần ở Trạm y tế xã An Hòa (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) thì dù đã phát giấy mời đầy đủ nhưng vẫn có những người bỏ trốn, gọi thế nào không chịu lên vì sợ… lộ. Có người chịu lên thì lại diễn kịch hay hơn cả diễn viên chuyên nghiệp như lăn đùng, ngã ngửa, như co quắp kiểu điện giật khiến cho lắm kẻ quýnh quáng lo lắng nhưng chỉ có anh Trạm trưởng bình tĩnh tủm tỉm bảo: “Không sao đâu, chỉ tí là hết thôi mà”.

Quả đúng như thế, sau khi bị “bắt bài” họ liền đứng lên, phủi quần, phủi áo rồi lủi thủi ra về. Có người tiếc công tiếc sức như Nguyễn Thị Sờ (đã đổi tên) ở thôn Đô Lương còn hậm hực chửi với theo đoàn liên hồi kỳ trận để đòi chính sách hỗ trợ…Ngoài những bệnh nhân nặng thực sự mất khả lao động, cần được hỗ trợ thì cũng không ít người vẫn bình thường muốn có cái mác tâm thần để được hưởng “lương”.

Tại sao có một bộ phận dân chúng lại thích “chạy” làm người tâm thần? Anh Trần Thanh Sơn - Trạm trưởng Trạm y tế xã An Hòa không ngần ngại khẳng định: Duy nhất bởi lý do có chính sách hỗ trợ, nếu không chắc chắn sẽ không có chuyện “chạy” tâm thần. Họ không được học hành, không có công ăn việc làm nên khi có một vài cò mồi môi giới thế là cả tin nghe theo.

Anh Trần Thanh Sơn - Trạm trưởng Trạm y tế xã An Hòa: Một số người thích vào danh sách bệnh tâm thần bởi lý do có chế độ hỗ trợ

Lúc đầu chế độ hỗ trợ chỉ 200-300.000đ/tháng về sau mới nâng lên thành hơn 500.000đ/tháng với người trong độ tuổi lao động và hơn 700.000đ/tháng với người ngoài độ tuổi lao động như hiện nay. Cũng theo lời anh Sơn: Thời điểm rộ nhất của bệnh tâm thần trên địa bàn xã An Hòa là quãng thời gian tôi chưa về Trạm, tầm năm 2008-2010. Nhưng nay đã có những trường hợp phải xin hủy giấy xác nhận bệnh án tâm thần vì không lo được chế độ hỗ trợ hàng tháng. Thứ nữa là khi đi vay vốn ngân hàng hay bỏ phiếu bình bầu hộ nghèo hoặc bầu cử nếu là bệnh nhân tâm thần thì sẽ không được tham gia. Nhiều người dù được Bệnh viện tâm thần tỉnh xác nhận nhưng vì thiếu giấy xác nhận của Trung tâm Giám định sức khỏe tâm thần cũng không được nhận chế độ hỗ trợ...

Nếu tính cả số trong danh sách quản lý và ngoài danh sách nhưng có giấy chứng nhận của Bệnh viện tâm thần tỉnh thì An Hòa có khoảng trăm bệnh nhân tâm thần. Trong đó, nghi vấn khoảng 30% chưa chắc đã phải bệnh thật vì họ không lấy thuốc hay có cho thuốc ra ngoài cũng vứt bỏ trong khi bệnh tâm thần rất lệ thuộc vào thuốc.

Theo thống kê năm 2013 cả nước có khoảng 200.000 người tâm thần được nhận trợ cấp hàng tháng với mục tiêu giúp đỡ về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng để họ ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng, phòng ngừa những rối nhiễu.

Người ta cứ nghĩ là có giấy chứng nhận là có chế độ hỗ trợ nhưng không phải. Nếu không có giấy chứng nhận giám định sức khỏe tâm thần thì hội đồng xác định khuyết tật của xã gồm các ban ngành đoàn thể nhất định sẽ không chứng nhận cho. Năm 2013, Trạm y tế An Hòa cho gọi 3 người nghi không phải tâm thần đến gửi lên tuyến trên xác định lại, tất cả đều bị loại. Đến 2014, 2015 mỗi năm loại trên 10 người. Riêng năm 2016 xét 36 hồ sơ mà chỉ duyệt được có 14.

“Có ý kiến cấp hỗ trợ sai đối tượng cần phải xử lý, phải hủy hồ sơ đi nhưng có người lại bảo thôi người ta vất vả để cho họ hưởng một tí. Theo tôi trừ người già và trẻ em ra thì những người đang làm việc đang gánh quỹ an sinh xã hội cho cả những người được hưởng trợ cấp sai đó”, anh Trần Thanh Sơn khẳng định.
 

Giá cả rõ ràng?

Anh Doãn Văn Thơm - y sĩ Trạm y tế xã An Hòa thông tin với tôi rằng năm 2014 địa phương mình có 70 người bệnh nhân tâm thần, tất cả đều có giấy tờ của Bệnh viện tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc cấp nhưng 25 người trong đó không có bệnh án. Về sau, qua quá trình sàng lọc, trên cảm thấy nhiều đối tượng không đảm bảo về mặt pháp lý thì mới cắt giảm.

Tôi tìm đến nhà ông Ngọc Đoàn Bờ (đã đổi tên) 63 tuổi ở thôn Ngọc Thạch 1 - một đối tượng trong diện cắt giảm ấy để điều tra. Ông Bờ sức khỏe khá bình thường chỉ hiềm nỗi có chứng mồm miệng hay mấp máy. Theo như lời vợ ông kể thì: Có người ở Bệnh viện tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc đến nay tôi không còn nhớ tên nữa bảo đưa 6 triệu để chạy “tâm thần”. Đúng 20 ngày thì được cấp sổ, được cấp thuốc khoảng 3 tháng, đang đợi giám định để hưởng chế độ trợ cấp thì xảy ra việc Giám đốc Bệnh viện hồi đó bị tạm giữ nên phải dừng lại. Sổ sách chứng nhận cũ giờ tôi cũng vứt đi luôn rồi. Giờ có người bảo phải đưa chồng tôi đi điều trị 21 ngày để có bệnh án nhưng con cái tôi chúng không chịu. Có hướng nào “chạy” chế độ tâm thần mà không phải nằm điều trị thì cậu mách cho tôi với?

Một bệnh nhân tâm thần thật ở An Hòa đang chuẩn bị thuốc uống

Để làm một phép so sánh với 3 xã đang “lạm phát” người tâm thần của huyện Tam Dương, tôi tìm sang xã Bắc Bình của huyện Lập Thạch ngay kề bên. Với quy mô dân số xấp xỉ 7.000 người (bằng với xã An Hòa của huyện Tam Dương) nhưng tổng số bệnh nhân tâm thần của Bắc Bình chỉ có 30 người trong đó 12 người đang được cấp thuốc tại Trạm y tế. Số lượng ít đến nỗi nhân viên y tế thuộc vanh vách từng họ tên, từng hình dáng của bệnh nhân cũng như số điện thoại của người nhà.

Rất trùng hợp với thời điểm “nở rộ” bệnh nhân tâm thần của toàn tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2012 một số lãnh đạo của Bệnh viện tâm thần tỉnh này lần lượt bị công an bắt để điều tra các hành vi tham ô, tham nhũng, chạy việc cũng như làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần.

Có tháng người thân không kịp đi lấy thì họ mang thuốc đến tận nhà mà cấp phát. Có tháng vì trên cấp phát chậm, người nhà còn đến tận nơi đòi hỏi thuốc để uống. Điều đó chứng tỏ là nhu cầu điều trị là có thật.

Tại sao cùng quy mô dân số mà nhiều xã ở huyện Tam Dương lại gấp ba, gấp bốn lần số bệnh nhân tâm thần ở đây? Phải chăng Bắc Bình sàng lọc kém? Tôi đem câu hỏi đó đặt cho Trần Thanh Hải -Trạm trưởng Trạm y tế Bắc Bình thì anh bảo từ năm 2004 bắt đầu làm việc ở đây đến nay, số lượng bệnh nhân tâm thần không có nhiều biến động.

Mỗi đợt đoàn kiểm tra của tỉnh về khám, địa phương đều vận động đông đảo người đi. Ngay cả những đối tượng mất ngủ, căng thẳng thần kinh, bị kích thích khi xem ti vi đều được mời hết để không bỏ sót bất cứ một trường hợp nghi ngờ nào. Khi nhận hồ sơ từ trên về, xã thành lập hội đồng thẩm định thật chặt chẽ sao cho đúng người, đúng bệnh để rồi mới ra được con số 30 ấy…

Kinh nghiệm từ việc siết chặt quản lý người tâm thần ở Bắc Bình rất đáng để các cấp chính quyền vào cuộc rà soát lại thật chặt chẽ trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc. Số nào là số thực, số nào là số ảo, người nào đáng nhận được sự trợ cấp, người nào không, cơ quan nào, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về sự lạm phát tâm thần đó?

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất