| Hotline: 0983.970.780

Hành trình phương Bắc

Thứ Tư 12/10/2011 , 10:36 (GMT+7)

Sau 2 chuyến bay từ Nam Ninh - Vũ Hán - Harbin chúng tôi bắt đầu chuyến thăm Hắc Long Giang, một tỉnh cực bắc Trung Quốc...

LTS: Nhiều người đã biết Trần Mạnh Báo là một doanh nhân ngành giống cây trồng. Nhưng ông cũng là người có tâm hồn bay bổng, thích đi, quan sát và suy ngẫm. Ông vừa gửi cho NNVN một ghi chép dọc đường trong những ngày ông sang Trung Quốc tìm mua giống khoai tây về phục vụ vụ Đông. Ông rất tâm niệm với một câu nói, vốn nhiều người đã biết: "Đọc vạn cuốn sách không bằng đi ngàn chặng đường. Bởi qua mỗi chặng đường sẽ dẫn đến nhiều chặng đường mới".

Sau 2 chuyến bay từ Nam Ninh - Vũ Hán - Harbin chúng tôi bắt đầu chuyến thăm Hắc Long Giang, một tỉnh cực bắc Trung Quốc. Hắc Long Giang có đường biên giới giáp Liên bang Nga và Triều Tiên.

Harbin (Cáp Nhĩ Tân) là một thành phố lớn của tỉnh Hắc Long Giang với dân số trên 10 triệu người. Đây là một thành phố công nghiệp phát triển rất nhanh nằm ở phía bắc Trung Quốc. Các sản phẩm công nghiệp nặng được sản xuất tại đây như: Máy bay, tàu hỏa...

Về nông nghiệp đây là một tỉnh có các vùng đồng bằng rộng lớn. Sản phẩm nông nghiệp của Hắc Long Giang chủ yếu là ngô, đậu tương, lúa, khoai tây, tiểu mạch... Đây là vùng có khí hậu ôn đới điển hình. Về mùa đông nhiệt độ có thể xuống đến âm 300C, tuyết phủ từ 4-5 tháng. Mùa hè bắt đầu từ tháng 5, nhiệt độ mùa hè cao nhất vào tháng 8 và tháng 9 vào khoảng 350C.

Khi chưa được đến đây, chúng tôi đã nghĩ, Hắc Long Giang thuộc vùng sâu vùng xa của Trung Quốc nên chắc kinh tế kém phát triển. Nhưng những điều chúng tôi đang được chứng kiến tận mắt đã cho tôi những suy nghĩ khác nhiều. 

Tác giả (phải) tới thăm vùng trồng khoai tây của Hắc Long Giang

Chúng tôi đang đi xe đến một vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp của tỉnh này. Từ trên đường cao tốc nhìn sang hai bên là những cánh đồng bạt ngàn ngô, và qua những ngôi làng có những dãy nhà được thiết kế giống nhau như các khu đô thị mới ở Việt Nam vậy. Điều này thể hiện tầm nhìn của người Trung Quốc trong vấn đề quy hoạch. Một tầm nhìn xa sẽ góp phần tiết kiệm nhiều chi phí cho quốc gia.

Sản xuất nông nghiệp ở  Hắc Long Giang hoàn toàn được cơ giới hóa. Hệ thống giao thông phát triển. Xe có thể chạy với vận tốc 120km/h. Hai bên đường là những cánh đồng ngô ngút tận chân trời. Xen kẽ là những băng rừng bạch dương, có lẽ trồng để chắn gió bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Sau hai giờ đi qua các cánh đồng trồng ngô bạt ngàn, bằng phẳng chúng tôi đến vùng đất trung du với những dải đất thoai thoải trồng bạt ngàn đậu tương. Vâng, đúng là những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn thật sự. Chúng tôi đã dừng xe và xuống tận ruộng để xem đậu tương.

Một điều bất ngờ đối với tôi là hàng vạn hecta đậu tương đều cùng giai đoạn sinh trưởng. Điều đó có nghĩa là chúng phải được trồng cùng một thời vụ và cùng một giống. Cả một cánh đồng rộng bao la nhưng sâu bệnh hầu như không có. Quả là trời phú cho nơi đây một điều kiện tự nhiên rất phù hợp với sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, thuận lợi trong việc áp dụng cơ giới hóa và cũng không thể không nhắc tới tầm nhìn quy hoạch của các nhà quản lý.

Dừng lại bên đường chúng tôi thấy những người nông dân bán dưa nên mua một quả ăn cho đỡ khát. Dưa ở đây quả rất to và ăn cực kỳ ngọt. Giá bán là 1 tệ/kg tương đương 3.300 đồng Việt Nam, như vậy giá bán buôn sẽ còn rẻ hơn trong khi giá bán lẻ một kg dưa ở Việt Nam thời điểm này chắc cũng phải gần 10 ngàn đồng. Ở đây đặt ra một vấn đề, Trung Quốc luôn sản xuất nhiều, rẻ nên trong cạnh tranh họ thường thắng thế hàng hóa của nhiều nước.

Tôi bắt gặp những gia đình nông dân chở dưa bằng ô tô và máy kéo để đi bán. Tôi hỏi một người nông dân thì được biết nơi đây diện tích đất bình quân 200 mẫu/người, tương đương với 13ha. Đó chính là cơ sở đầu tiên và quan trọng để tiến hành sản xuất hàng hóa. Tôi được biết có hộ có 1.000 mẫu đất tức là 70 ha, ngang với sở hữu đất đai của một nông dân Mỹ. Được tận mắt chứng kiến quy mô sản xuất nông nghiệp vùng này, tôi chợt nghĩ tới sản xuất nông nghiệp ở quê hương mình - ruộng đất manh mún chật hẹp, người nông dân canh tác trên thửa ruộng bé xíu không quay nổi đường bừa.

Trung Quốc là một quốc gia đất đai rộng lớn, điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh nền nông nghiệp hàng hóa. Ở Việt Nam chúng ta cũng đang bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với chính sách dồn điền đổi thửa. Dù hiện nay nhiều nơi đã đạt mỗi hộ dưới 2 mảnh ruộng nhưng xét trên quy mô hộ gia đình thì diện tích vẫn tính bằng sào. Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ lớn rồi.

Bây giờ là 12h, sau 4 tiếng rưỡi đi ôtô chúng tôi vẫn chưa tới vùng sản xuất khoai tây - nơi mà chúng tôi phải đến tìm hiểu khả năng nhập khẩu khoai tây về Việt Nam cho vụ đông sắp tới. Xe đang trên đường đến huyện Khắc Sơn thuộc tỉnh Hắc Long Giang. Người dẫn đường đưa chúng tôi đến Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Hắc Long Giang. Nhưng đã 12h30 rồi và hôm nay là thứ 7 nên không có ai làm việc. Để tiết kiệm thời gian chúng tôi xuống thẳng vùng trồng khoai tây. Từ đây đến đó còn 40km nữa. 

Trồng, chăm sóc khoai tây hoàn toàn được cơ giới hóa

Đã gần 13h chúng tôi lại phải đợi người dẫn đường khác đưa đi tiếp. Trong lúc chờ đợi tôi đi xem mấy quầy hàng tạp hóa bên đường. Hoa quả vùng này chủ yếu là dưa, chuối tiêu, táo và các loại mận. Sáng nay điểm tâm ở khách sạn chúng tôi được ăn mận. Mận ở đây có 2 loại vàng và đỏ. Ở Việt Nam mấy năm nay mận có vẻ hiếm dần.

Một điều thú vị là hàng ngàn km đường chúng tôi đi qua, hai bên vệ đường đều được trồng đồng loạt cây bạch dương. Chợt nhận ra tôi đang ở rất gần biên giới Trung - Nga. Đây là loài cây khi nhắc đến làm tôi lại nhớ tới một bài hát nói về tình hữu nghị Việt - Xô, trong đó có đoạn: "Ở Liên Xô bạn thích nhất cây gì/ Ở Liên Xô tôi thích nhất cây bạch dương/ Ở Việt Nam bạn thích nhất cây gì/ Ở Việt Nam tôi thích nhất cây tre".

Cây bạch dương biểu trưng cho tấm lòng cao thượng và tình yêu trong sáng của nhân dân Nga, còn cây tre lại biểu thị cho tinh thần kiên trung bất khuất, chịu thương chịu khó, tình đoàn kết của dân tộc Việt. Nhà văn Thép Mới từng viết: "Tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp... Tre xung phong ra trận. Tre giữ làng giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín,...". Nhưng bây giờ ở nhiều làng quê rất khó tìm được những khóm tre. (Còn nữa)

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.