| Hotline: 0983.970.780

Hành xử kiểu thế dân khổ

Thứ Ba 18/05/2010 , 10:59 (GMT+7)

Huyện cấp sổ đỏ 1,2 ha cho dân rồi lại đòi thu hồi để điều chỉnh cấp cho người khác...

Ông Trương Văn Vui chỉ vào thửa đất 934 m2,dù đã được huyện cấp sổ đỏ nhưng vẫn còn tranh chấp kéo dài 5 năm giải quyết không xong

Huyện cấp sổ đỏ 1,2 ha cho dân rồi lại đòi thu hồi để điều chỉnh cấp cho người khác; một lô đất rộng 1 ha xảy ra tranh chấp, huyện xử một người thua, một người thắng. Sau đó, người thắng được cấp sổ đỏ, còn người thua lại không được cấp vì.. “đất công”!

GIAO 20 NGÀY, 2 NĂM VẪN KHÔNG THỰC HIỆN

Năm 1990, Nông trường quận 5 (TPHCM) có đất “cò bay thẳng cánh” nên hợp đồng với ông Trương Văn Vui (55 tuổi, ấp An Đông, xã An Thới Đông) khai hoang số diện tích khoảng 3 ha tại khu vực ấp Rạch Mút Bột để trồng lúa, đổi lại ông Vui phải giao nộp cho Nông trường 15 giạ lúa/vụ/năm. Năm 1993, Nông trường giao phần diện tích này cho huyện Cần Giờ quản lý. Là người có công khai phá, sử dụng ổn định nên ngày 21/6/2004 huyện cấp sổ đỏ 1,2 ha (lấy tròn) cho ông Vui, còn lại cấp cho 10 hộ dân khác, trong đó có ông Trần Văn Của được 295 m2. Tại đây, bất ngờ ông Của đâm đơn kiện đòi lấy phần đất 934 m2 tại thửa 7-103 thuộc tờ bản đồ số 7 mà huyện đã cấp sổ đỏ cho ông Vui trước đó. Điều đáng nói là, phần đất này lại đang “đắc địa” do nằm sát tuyến lộ chính.

Ngày 5/5/2006, huyện Cần Giờ có quyết định chấp nhận đơn khiếu nại của ông Của, đề nghị thu hồi sổ đỏ của ông Vui để điều chỉnh lại diện tích, cắt bớt 934 m2 giao về cho ông Của. 7 tháng sau, ngày 14/12/2006 huyện ra tiếp quyết định thu hồi và điều chỉnh giấy CNQSDĐ của ông Vui. Thấy quá vô lý, trong khi ông Của đã có hành vi lấn chiếm đất tư đã không bị xử lý mà còn được huyện bênh vực, xử ép nên ông Vui đâm đơn khiếu nại. Ngày 16/3/2007, huyện ra quyết định bác đơn vì cho rằng ông Vui kiện “không có cơ sở”.

Tưởng chừng ông Vui “bó tay” thì thanh tra huyện vào cuộc. Sau khi thanh tra báo cáo kết quả, ngày 26/8/2008, huyện có quyết định thu hồi và hủy bỏ tất cả các quyết định nêu trên vì cho rằng “chưa phù hợp với các qui định pháp luật”. Tuy nhiên lại thòng thêm câu “giao lại cho Tổ liên ngành thụ lý lại từ đầu đơn khiếu nại của ông Trần Văn Của và báo cáo kết quả đề xuất hướng giải quyết trong vòng 20 ngày”. Thế nên, tưởng chừng ông Vui có thể vui trở lại, nhưng không phải. “Đã gần 2 năm không thấy ai giải quyết, tôi làm đơn gửi Toà án huyện yêu cầu thụ lý, bà Nguyễn Lê Thiên Hương thẩm phán nói huyện đã huỷ các quyết định rồi thì coi như đất đang sản xuất có giấy đỏ là hợp pháp. Nhưng do câu thòng ấy mà ông Của vẫn còn ngăn cản, tranh chấp với tôi", ông Vui bức xúc.

LẠM DỤNG TỪ "ĐẤT CÔNG"

Trường hợp khác là ông Trần Văn Nô (63 tuổi, ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông). Vào năm 1979, ông Nô đến khu vực Móc Keo Lớn khai hoang 1 ha để trồng lúa. Năm 1982, thành phố giao đất cho Nông trường quận 3 để sản xuất, trong đó bao trùm luôn phần đất của ông Nô. Sau đó, Nông trường quận 3 giải thể, phần đất trên được giao về cho xã quản lý. Năm 1998, xã Tam Thôn Hiệp (tách ra từ xã An Thới Đông) có thông báo đất trước đây của ai thì về xã đăng ký lại. Vì vậy, mặc nhiên ông Nô được “trả lại” đất để canh tác dù chưa có sổ đỏ. Năm 2000, ông Nô phát hiện ông Ngô Tấn Đại (người cùng địa phương) lấn chiếm 3 công đất để trồng đước. Tức mình, ông Nô đâm đơn kiện. Năm 2002, cả hai lần ông Nô kiện lên huyện nhưng phần thắng luôn thuộc về ông Đại. Vẫn không chịu, năm 2003 ông Nô tiếp tục kiện quyết định hành chính của huyện ra tòa án để đòi lại sự thật, bởi ông cho rằng nhân chứng đứng về phía mình. Nhưng “phủ bênh huyện”, qua hai lần sơ và phúc thẩm, Tòa bác đơn kiện của ông Nô, giữ nguyên quyết định giải quyết của huyện. Thế là, ông Đại “toàn thắng” nên vào năm 2004 ông Đại được huyện cấp sổ đỏ cho 3 công đất nói trên.

Nhận thấy thưa kiện hoài không có kết quả, ông Nô đành chấp nhận số diện tích còn lại 7 công, đồng thời liên hệ với xã và huyện xin làm thủ tục cấp sổ đỏ nhưng thật oái ăm, lần này chính quyền địa phương đổi ý không cấp với lý do “đất công”. Ông Nô thắc mắc, vì sao ông Đại được cấp giấy thì nhận được một lời gợi ý của mấy “anh” bên huyện và xã rằng: “Nếu chú đồng ý lấy 3 công thì được, trong đó thu lại ông Đại một công để cấp lại cho chú, còn bằng không thì thôi”.

Tất nhiên, ông Nô không đồng ý, bởi 7 công đất mà huyện nói là đất công (tức đất hoang hóa - PV), thực ra gia đình ông đang sản xuất nuôi trồng thủy sản cả chục năm nay, và trên đó còn xây dựng 1 căn nhà cấp 4 đang là chỗ ăn ở, sinh hoạt cho cả đại gia đình gồm 7,8 nhân khẩu. Đặc biệt hơn, giá trị mỗi công đất tại đây vào thời điểm này có giá bán ít nhất là 350 triệu/công. Hóa ra, đất có giá nên người ta nhất mực “làm khổ” ông Nô cũng không có gì khó hiểu.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất