| Hotline: 0983.970.780

Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ:

Hành xử lạm quyền, trái pháp luật sẽ kéo kinh tế tư nhân tụt hậu

Thứ Sáu 23/06/2017 , 09:39 (GMT+7)

"Doanh nhân chúng tôi không sợ năng lực quản trị yếu kém, không sợ thiếu vốn, không sợ cạnh tranh mà sợ những rào cản từ cơ chế, chính sách..." - doanh nhân Nguyễn Văn Đệ chia sẻ.

Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam

Ông Đệ chia sẻ thêm: "Loạn “giấy phép con” với những quy định không dựa trên thực tiễn cuộc sống đang là lực cản phát triển của DN, thậm chí có thể làm tiêu tan sự nghiệp của một doanh nhân. Những lúc như thế DN rất cần báo chí vào cuộc đi đến tận cùng vấn đề để tiếng nói của DN đến được với cơ quan có thẩm quyền".

Ông Đệ cho rằng, đôi khi một DN theo đuổi dự án 4-5 năm đang rất thuận lợi bỗng nhiên có một sự thay đổi đột ngột về cơ chế, chính sách theo kiểu “lợi ích nhóm” thì DN thiệt hại nặng nề. Một cái đơn gửi đi, nếu doanh nhân không có vị thế, vấn đề có thể bị chìm xuồng. Nhưng khi báo chí đã phản ánh, thì một tay thường khó che lấp được bầu trời.

Ông có thể nói rõ hơn điều này?

Đó là vụ việc liên quan đến bến xe Thượng Lý được chính quyền kêu gọi đầu tư thay thế cho bến xe Tam Bạc nhằm giải quyết ùn tắc. Một DN đã bỏ hơn 50 tỷ đồng xây dựng bến xe khang trang, sạch đẹp nhưng 2 năm nay vẫn bỏ hoang vì chính quyền Hải Phòng không thực hiện như cam kết ban đầu khiến DN có nguy cơ phá sản.

Trong Hội nghị Thủ tướng đối thoại với DN mới đây, tôi đã bày tỏ với người đứng đầu Chính phủ về những “nỗi thống khổ” của DN trước rào cản thủ tục hành chính nhiêu khê hiện nay.

Tôi nhìn thấy Thủ tướng và cả hội trường vỗ tay tán thành ý kiến của mình. Một Chỉ thị của Thủ tướng đã được ký ban hành ngay tại Hội nghị hôm đó với nội hàm tạo mọi điều kiện tốt nhất cho DN phát triển, nhấn mạnh thanh tra DN chỉ tiến hành 1 lần/năm. Chúng tôi rất xúc động về quyết định đó của Thủ tướng.

Tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện ổn định, bảo đảm thượng tôn pháp luật, chuyển biến thực thi công vụ nghiêm túc, không được gây nhũng nhiễu, khó khăn cho DN. Cải cách thể chế theo hướng trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế đóng góp và hưởng lợi một cách bình đẳng, công bằng từ những thành quả tăng trưởng thương mại. Mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công hay tư”, trích phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với DN.

Sau phát biểu của tôi, lãnh đạo Hải Phòng có lên tiếng nhưng trước những bằng chứng đầy sức thuyết phục, dư luận và báo chí đều bảo vệ DN. Nội dung này, tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng đã đặt ra cho Tổng thanh tra Chính phủ.

Đại biểu Nhưỡng cho hay, vụ việc này Thủ tướng Chính phủ đã ba lần chỉ đạo, trong đó có một lần từ khi đồng chí còn là Phó Thủ tướng. Thanh tra Chính phủ không đôn đốc, cũng không có động tác gì cả, đến bây giờ DN rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn.

Chúng tôi cảm thấy được an ủi từ sự chia sẻ của báo chí, dư luận xã hội và của ĐBQH. Với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, chúng tôi mong chính quyền các cấp, ngành sẽ thay đổi theo hướng phục vụ chứ không còn hành là chính nữa.

Tại Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra nhiều chất vấn của ĐBQH đối với Bộ trưởng Bộ Y tế liên quan đến chính sách khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT). Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, theo ông chính sách y tế đang có những bất cập hạn chế gì?

Tôi thấy rằng, Nghị quyết 93 ngày 15/12/2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế khi triển khai nảy sinh bất cập, đó là việc kết hợp công tư trong đầu tư cơ sở KCB như xây bệnh viện tư trong khuôn viên bệnh viện công dẫn đến những hệ lụy: kinh nghiệm, uy tín, nhân lực, kỹ thuật, máy móc, đất đai, vốn và các ưu đãi khác của bệnh viện công được sử dụng vào mục đích tư.

Nếu quản lý, giám sát không tốt, đây sẽ là mầm mống nảy sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, trở thành nơi làm giàu cho một nhóm người.

Có địa phương không muốn cho y tế tư nhân phát triển. Mặc dù nhà đầu tư đề nghị xây dựng bệnh viện bằng 100% vốn tư nhân nhưng chính quyền vẫn một mực nhà nước làm bằng 100% tiền thuế của dân. Rõ ràng, trong câu chuyện này, người ta có quyền hoài nghi về động cơ đầu tư xây dựng bệnh viện công, không đúng với tinh thần của Chính phủ kiến tạo, phục vụ; không đúng với tinh thần “nhà nước chỉ đầu tư những lĩnh vực mà tư nhân không làm”.

Hay việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật trong KCB BHYT của Bộ Y tế và việc vận dụng máy móc định mức này của cơ quan BHXH đã khiến các bệnh viện lao đao. Ví dụ: việc quy định mỗi bác sỹ chỉ được khám 35 bệnh nhân/ngày, 1 thủ thuật đông y là 20 phút... như là cái “rọ” nhốt sự sáng tạo của thầy thuốc, kìm hãm năng suất lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bệnh nhân.

Vậy theo ông biện pháp để khắc phục điều này là gì?

Nhà nước cần tập trung xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư y tế theo hướng công ra công, tư ra tư, tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng. Khuyến khích đầu tư y tế tư nhân cũng là biện pháp để giảm gánh nặng ngân sách, giảm tải cho bệnh viện công.

Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam đề nghị, BHXH tỉnh Bình Phước thu hồi lại văn nói trên, tiếp tục thực hiện hợp đồng KCB BHYT đối với Phòng khám đa khoa Tâm Đức. Kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của Phòng khám đa khoa Tâm Đức đúng với tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020.

Đề nghị cho phép bệnh viện tư nhân được thanh toán chi phí ăn, đi lại cho người nghèo đến KCB BHYT; được giám định dị tật, dị dạng cho đối tượng nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh. Y tế tư nhân  được tiếp cận vốn ODA, được đầu tư nghiên cứu khoa học và đào tạo.

Luật BHYT quy định đến năm 2021 mới thông tuyến tỉnh trong KCB BHYT là quá chậm so với yêu cầu. Đề nghị cho thông tuyến tỉnh sớm hơn.

Việc giám định BHYT còn nhiều cảm tính, văn bản quy định chồng chéo, cơ quan BHXH vừa “đá bóng, vừa thổi còi”. Tôi đề nghị phải sớm có bộ công cụ giám định BHYT, có bộ phận giám định BHYT độc lập để khách quan, công bằng.

Một vấn đề khác đang được dư luận quan tâm đó là việc BHXH có văn bản tạm dừng hợp đồng KCB BHYT đối với Phòng khám đa khoa Tâm Đức tỉnh Bình Phước. Phòng khám đã có văn bản mời BHXH Việt Nam và cơ quan chức năng đến thanh tra. Vụ việc tưởng nhỏ nhưng đang gây nên bức xúc lớn. Xin hỏi quan điểm của Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam?

Chúng tôi đã nhận được đơn kêu cứu của Phòng khám đa khoa Tâm Đức. Tôi đặt lá đơn này bên cạnh Chỉ thị của Thủ tướng và Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ DN phát triển. Tôi cũng đọc kỹ hai lần Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân.

Tôi không hiểu cách hành xử của cơ quan BHXH đối với Phòng khám Tâm Đức, trong khi Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang nỗ lực hết mình để kích cầu kinh tế phát triển, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho kinh tế tư nhân tăng tốc làm giàu đất nước.

Phía Hiệp hội cho rằng, việc tạm dừng hợp đồng KCB BHYT đối với cơ sở KCB phải căn cứ vào nội dung các điều khoản của hợp đồng đã ký giữa cơ quan BHXH với cơ sở KCB và quy định tại Phụ lục 03 Mẫu hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT, ban hành kèm theo Thông tư liên tịch  41 ngày  24/11/2014 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính.

Tham chiếu hợp đồng được ký giữa BHXH tỉnh Bình Phước với Cty TNHH MTV Phòng khám đa khoa Tâm Đức thì việc BHXH tỉnh Bình Phước đơn phương tạm dừng hợp đồng KCB BHYT đối với Phòng khám đa khoa Tâm Đức là vi phạm hợp đồng đã ký giữa 2 bên, trái với quy định tại Thông tư 41.

Cơ quan BHXH chưa tiến hành thanh tra, kiểm tra, làm việc chính thức với Phòng khám đa khoa Tâm Đức (không có biên bản ghi nhận điều này) đã ban hành công văn chỉ đạo và tạm dừng hợp đồng đối với cơ sở KCB trước 7 ngày là cách làm việc tùy tiện, không có căn cứ pháp lý thuyết phục.

Tôi cho rằng, những hành xử lạm quyền, trái pháp luật sẽ kéo kinh tế tư nhân tụt hậu.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm