| Hotline: 0983.970.780

Hào hùng thủy lợi Việt Nam: Trị tận gốc thủy quái sông Hồng

Thứ Năm 13/11/2014 , 09:49 (GMT+7)

Với ba bậc thang hồ chứa Thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, ước mơ ngàn đời trị thủy tận gốc sông Hồng của dân Việt đã thành hiện thực./ Kỳ tích trong gian khó

Trị thủy sông Hồng, mơ ước ngàn đời của người Việt từ thời phong kiến, đến thực dân vẫn không thành hiện thực. Trọng trách lịch sử đặt lên vai Hồ Chí Minh, Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

NHỮNG KHỞI ĐỘNG

Bằng dự cảm cao độ, ngày 22/5/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh 70SL thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê có nhiệm vụ “nghiên cứu, đề xuất mọi kế hoạch chống hạn, chống lụt và kiểm soát đê điều”. Đến năm 1961, nhiệm vụ trên được giao sang cho Ủy ban Trị thủy và Khai thác sông Hồng (Ủy ban Sông Hồng), một “siêu bộ” trực thuộc Trung ương Đảng và Chính phủ.

Ngoài đại diện là lãnh đạo của các bộ ngành, Ủy ban sông Hồng còn được bố trí nhân sự thuộc “hàng khủng” gồm các cán bộ khoa học được đào tạo từ nhiều nguồn Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, lớp kỹ sư khóa đầu của Đại học Bách khoa cùng hơn 100 cán bộ trung cấp thủy lợi.

Trước đó, ngày 28/9/1959, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 164 CT/TW về việc thành lập Ủy ban trên và đánh giá: Trị thủy sông Hồng là một vấn đề trọng yếu, cấp bách nhưng cũng là vấn đề chính trị, kinh tế, khoa học phức tạp vượt qua khả năng của ta nên cần được tiến hành khẩn trương nhưng không nóng vội, cần có sự phối hợp chặt giữa quy hoạch và kế hoạch dài hạn, cần sự giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô.

Mỗi nước đã cử một đoàn chuyên gia sang giúp nhưng họ không hợp tác với nhau, đoàn chuyên gia Liên Xô chủ yếu thiết kế thủy điện Thác Bà, đoàn Trung Quốc làm cố vấn cho ủy ban trong việc quy hoạch.

TIẾN ĐỘ VÀ THAY ĐỔI BẤT NGỜ

Cuối năm 1962 “Báo cáo Phương hướng quy hoạch trị thủy và khai thác sông Hồng” được trình lên Bộ Chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc trước rất kỹ bản báo cáo này, cùng các ủy viên Bộ Chính trị thảo luận sâu sắc và ngày 2/1/1963 ra Nghị quyết số 65 NQTW đưa ra một số việc làm chính cho 10 năm trước mắt cho công tác trị thủy sông Hồng.

- Tăng cường hệ thống đê chống được lũ ở mức 13,3 m.

- Xây dựng các khu chứa lũ tạm thời ở Tam Nông, Thanh Thủy (Phú Thọ), Vân Cốc (Sơn Tây, Hà Đông).

- Bảo vệ rừng, trồng rừng, định cư đồng bào dân tộc miền núi.

- Tiếp tục khảo sát thêm địa chất, tranh thủ thêm ý kiến các chuyên gia Liên Xô.

Đầu năm 1970, Bộ Thủy lợi trình Chính phủ báo cáo “Tổng quan về quy hoạch trị thủy và khai thác sông Đà”, chi lưu quan trọng nhất của hệ thống sông Hồng, đề nghị duyệt phương án xây dựng 3 hồ chứa kiêm thủy điện lớn là Hòa Bình, Tạ Pú - Pa Vinh và Hát Hin (còn gọi là phương án Tạ Pú cao).

Tháng 3/1971, báo cáo được thông qua, Bộ Thủy lợi gấp rút tổ chức đoàn khảo sát sông Đà với hàng vạn mét khoan độ sâu 100 - 193m, đào hàng nghìn mét hầm thăm dò. Đầu năm 1972, Liên Xô chính thức nhận giúp về luận chứng kinh tế kỹ thuật cho hồ Hòa Bình.

Tháng 5/1973, dưới sự chủ tọa của GS Trần Đại Nghĩa, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước, hội đồng thẩm định cấp chuyên gia gồm 35 các bộ khoa học đầu ngành đã họp 3 ngày để nghe và thảo luận luận chứng kinh tế kỹ thuật hồ Hòa Bình được đoàn chuyên gia Liên Xô báo cáo.

Ngày 4/7/1973, Chủ tịch Hội đồng thẩm định cấp nhà nước, GS Trần Đại Nghĩa đã ký văn bản thẩm định trình Bộ Chính trị và Chính phủ với các chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu:

- Mực nước dâng bình thường: 115m

- Dung tích làm việc: 6,1 tỷ m3

- Dung tích chống lũ: 4,9 m3

- Công suất phát điện: 1,644 MW

Khi triển khai dự án, công suất điện được điều chỉnh lên 1,900 MW và có sự thay đổi bất ngờ về vị trí đặt nhà máy điện.

Trước đây, trong khi thảo luận Luận chứng kinh tế kỹ thuật (tháng 5/1973), đã có ý kiến nên đặt nhà máy trong ruột núi đá phía tả ngạn nhưng bị đa số, kể cả chủ nhiệm đề án, phản đối. Bộ Sông Đà, tiền thân của Ban Quản lý, phải mời hơn 100 chuyên gia do KTS Huỳnh Tấn Phát, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chủ trì cùng nghiên cứu ý kiến trên trong 2 tháng và đi đến kết luận chọn phương án nhà máy hở. Văn bản trình Bộ Chính trị cũng đề nghị nhà máy hở nhưng không hiểu sao khi duyệt, Bộ Chính trị lại chọn phương án ngầm trong lòng núi đá? Hóa ra, ông Nguyễn Đình Tranh, Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật của Ban Quản lý đã vận động ông Huỳnh Tấn Phát, để ông Phát vận động lại một số vị trong Bộ Chính trị ủng hộ phương án ngầm.

Sự thay đổi vị trí nhà máy kéo theo nhiều thay đổi về thiết kế và tiến độ.

- Đồ án thiết kế chậm 2 năm, phải trả thêm 2 triệu rúp thiết kế phí.

- Thi công kéo dài mất 6 năm. Nếu theo phương án nhà máy hở thì sẽ phát điện cả 8 tổ máy vào năm 1986 và toàn bộ viện trợ là của Liên Xô, nay đặt nhà máy ngầm nên đến đầu năm 1994 cả 8 tổ máy mới phát điện. Không may, năm 1991, Liên Xô sụp đổ, toàn bộ máy móc phải mua của liên bang Nga.

- Tuổi thọ nhà máy giảm vì độ ẩm cao của hầm ngầm.

- Đội giá đầu tư lên 50%, chưa kể tổn thất 45 tỷ Kwh điện do chậm tiến độ.

VÀ HẠT SẠN VÂN CỐC

Lịch sử chưa có tổ chức nào mà được chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt tổ chức, nhân sự cũng như hiệu quả mang lại như Ủy ban sông Hồng. Tuy nhiên vẫn có những hạt sạn mà tiêu biểu là khu chậm lũ Vân Cốc.

Với Vân Cốc, các nhà quy hoạch tính toán rằng sẽ giảm áp lực phân lũ cho sông Đáy, bảo vệ mùa màng tốt hơn cho Ninh Bình, Nam Định. Công trình khởi công năm 1963 hoàn thành năm 1965 với kinh phí rất lớn nhưng thực tế lại không như kỳ vọng, các trận lũ 1969, 1971 đã vô hiệu hóa công trình này một cách dễ dàng.

Tiếc rằng vấn đề Vân Cốc đã được các kỹ sư người Pháp kết luận từ hơn 30 năm trước nhưng lại không được tham khảo. Mãi đến ngày 7/10/2014 vừa qua, Chính phủ mới có quyết định chính thức xóa bỏ khu chậm lũ Vân Cốc “vô tích sự” trong phân lũ nhưng lại gây khổ cho hàng vạn hộ nông dân do không được xây dựng, chỉnh trang.

Với ba bậc thang hồ chứa Thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, ước mơ ngàn đời trị thủy tận gốc sông Hồng của dân Việt đã thành hiện thực, chỉ tiếc rằng người khởi xướng thành tựu vĩ đại này lại không được chứng kiến. Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh mất trong lúc cơn lũ năm 1969, một trong những con lũ lịch sử, còn đỉnh cao đạt mức 12,3m tại Hà Nội.

(lược trích)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.