| Hotline: 0983.970.780

Hào hứng trồng lúa sạch

Thứ Hai 13/03/2017 , 16:05 (GMT+7)

Mô hình trồng lúa hữu cơ ở xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình (Vĩnh Long) đang được cộng đồng rất quan tâm. Đây là mô hình đầu tiên ở địa phương này sản xuất lúa theo quy trình sạch và được bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch.

Cơ hội làm giàu

Chúng tôi tìm đến Mỹ Lộc đúng thời điểm bà con trong xã vừa thu hoạch xong mô hình lúa hữu cơ (vụ ĐX 2016 - 2017). Đi đến đâu cũng nghe bà con hào hứng bàn tán về việc sản xuất lúa hữu cơ theo quy trình. Thậm chí có nhiều hộ đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng diện tích làm lúa hữu cơ trong vụ tới vì sản phẩm sau thu hoạch được ký hợp đồng bao tiêu với giá cao.

10-24-28_nh-3-thu-hoch-lu-huu-co-tren-cnh-dong-my-loc
Thu hoạch lúa hữu cơ
 

Nông dân Nguyễn Phước Thành (ấp 11, xã Mỹ Lộc) phấn khởi khoe: “Đây là vụ đầu tiên bà con chúng tôi trồng thử nghiệm mô hình lúa hữu cơ theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ. Tuy mới bắt tay vào sản xuất lúa theo quy trình nhưng bà con đã bước đầu thay đổi được tư duy và ý thức sản xuất, không còn phun xịt bừa bãi như trước nữa sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, môi trường và chất lượng lúa gạo”.

Theo ông Thành, gia đình ông đã đăng ký tham gia mô hình sản xuất thử nghiệm lúa hữu cơ (giống lúa thơm Jasmine 85) trên diện tích 4.000m2. Sau khoảng 100 ngày cho thu hoạch được 1,8 tấn, Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Sài gòn Co.op) xuống thu mua với giá 9.700 đ/kg. Như vậy, với diện tích lúa hữu cơ này gia đình ông đã thu được 17,5 triệu đồng.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Được (Bảy Được), cùng ấp cũng tham gia mô hình trồng lúa hữu cơ ngay từ những ngày đầu với diện tích 5.000m2, sau khi thu hoạch cân “tươi” cho Sài Gòn Co.op cũng thu về được hơn 21 triệu đồng. Tính ra, sau khi trừ hết mọi chi phí sản xuất cho lãi ròng hơn phân nửa số tiền trên.

“Canh tác lúa hữu cơ theo quy trình cũng không khó, lại có lợi cho sức khỏe, môi trường và nhất là được bao tiêu sản phẩm với giá cao nên bà con phấn khởi. Đặc biệt, từ khi đi vào sản xuất lúa sạch thấy tôm, cá về đầy trên đồng rộng, kênh mương, chứ không bị chết sạch như thời còn phun thuốc trước đây nữa, nhìn sướng mắt!”, ông Bảy Được chia sẻ.

Với kinh nghiệm sau 2 vụ sản xuất lúa hữu cơ, nhiều nông dân ở ấp 9, xã Mỹ Lộc càng thêm hào hứng tiếp tục bước vào vụ lúa thứ 3 và mở rộng diện tích lên hơn 40ha (vụ ĐX 2016 - 2017). Chị Nguyễn Thị Sang có 6 công ruộng canh tác theo quy trình lúa hữu cơ ngay từ vụ đầu tiên cho biết, do 2 vụ đầu chưa có nhiều kinh nghiệm và thời thiết bất lợi nên gần như không có lời. Tuy nhiên, bà con không nản vẫn tích cực tham gia tất cả những buổi hội thảo đầu bờ để áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, với hy vọng sẽ cải thiện được năng suất lúa và sản xuất thành công lúa hữu cơ sạch.

Gặp chúng tôi, chị Sang bộc bạch: “Theo thói quen như trước đây cứ thấy lúa có sâu bệnh là đem phân, thuốc hóa học ra phun xịt vô tội vạ, vừa tốn tiền nhiều lại gây ô nhiễm. Còn hiện nay sản xuất lúa hữu cơ, toàn bộ phải bón bằng phân hữu cơ vi sinh và phải đúng quy trình nữa mới đảm bảo chất lượng gạo sạch đáp ứng theo nhu cầu của đơn vị hợp đồng bao tiêu”.

Theo chị Sang, bà con trong xã Mỹ Lộc đang rất hào hứng canh tác lúa hữu cơ theo quy trình vì không phải lo đầu ra sản phẩm. Ngay từ đầu vụ đã được đơn vị thu mua ký hợp đồng bao tiêu, các công ty cũng xuống hỗ trợ kỹ thuật và cung ứng vật tư phân bón, thuốc hữu cơ vi sinh cho thanh toán trả chậm vào cuối vụ khi thu hoạch lúa xong. Do vậy, nhiều hộ dân sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất trong vụ sắp tới; thậm chí có nông dân còn thuê thêm ruộng để sản xuất lúa hữu cơ theo quy trình.
 

Quy hoạch cánh đồng lúa hữu cơ

Để hoạt động hiệu quả ngay từ vụ lúa đầu tiên, địa phương đã thành lập HTX Tân Tiến để điều hành. Cán bộ Phòng NN-PTNT và đơn vị cung ứng phân hữu cơ và các kỹ sư sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật cho bà con thực hiện mô hình. Giống lúa được sử dụng trong mô hình là lúa thơm Jasmine 85. Sài Gòn Co.op đứng ra hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá cao. Cty TNHH Phát triển nông nghiệp Phương Nam (PADCO) được chọn cung ứng phân, thuốc hữu cơ vi sinh và tư vấn kỹ thuật sản xuất cho bà con nông dân tham gia mô hình.

Ông Dương Văn Thành, GĐ HTX Tân Tiến (xã Mỹ Lộc) cho biết, qua mấy vụ sản xuất lúa hữu cơ, nhiều hộ dân tham gia mô hình vẫn còn băn khoăn vì năng suất lúa và lợi nhuận còn thấp, trong khi chi phí phân, thuốc hữu cơ lại cao. Nguyên nhân do trước đây bà con làm lúa sử dụng phân, thuốc hóa học, nay chuyển sang làm lúa hữu cơ nên chưa nắm bắt kịp.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong vụ TĐ bà con lúc đầu chưa có nhiều kinh nghiệm cộng với thời tiết bất lợi nên năng suất lúa không cao, chỉ khoảng 3,8 tấn/ha. Tuy nhiên, bù lại lúa thu hoạch bán được giá 11.000 đ/kg, cao hơn lúa thường cùng loại từ 3.000 - 4.000 đ/kg và được bao tiêu toàn bộ. Do vậy, đến vụ ĐX 2016 - 2017 diện tích lúa trong mô hình ở xã Mỹ Lộc đã tăng lên đến hơn 40ha, với trên 70 hộ tham gia.

+ Theo ông Lê Tiến Dũng, Bí thư Huyện ủy Tam Bình, việc áp dụng KHKT đã tác động không nhỏ đến nhận thức của người dân, thể hiện qua việc sử dụng giống xác nhận, áp dụng quy trình “3 giảm 3 tăng”, xuống giống đúng lịch thời vụ, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Điều quan trọng là thay đổi dần tập quán sản xuất của nông dân như sử dụng thuốc sinh học, bón phân hữu cơ, sử dụng giống được thị trường ưa chuộng. Nông dân cũng đã nhận thức được ý nghĩa và hiệu quả kinh tế tiến đến sản xuất lúa theo hướng VietGAP.

+ Ông Nguyễn Văn Phinh, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ ấp 11 cho biết, sau khi xã phát động mô hình làm lúa hữu cơ, vụ đầu tiên (ĐX 2016 - 2017) đã có 22 hộ dân trong ấp tham gia, với diện tích 10,8ha.

Hiện các đơn vị thu mua đã đặt vấn đề bao tiêu với diện tích lên đến 100ha, vì vậy HTX và THT sẽ tiếp tục vận động nông dân trong xã cùng tham gia mô hình, xây dựng cánh đồng lớn làm theo quy trình để đáp ứng nhu cầu đơn vị thu mua.

Chỉ cần năng suất đạt 5 tấn/ha, với giá bao tiêu khoảng 11.000 đồng/kg thì tổng thu đạt 55 triệu đồng, trừ chi phí còn lời 25 triệu. Trong khi sản xuất ngoài mô hình năng suất có thể đạt 7 - 8 tấn/ha nhưng ngược lại giá cả có thể chỉ bằng một nửa nên sản xuất lúa hữu cơ vẫn đạt hiệu quả…

+ “Đây là mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Mỹ Lộc là mô hình thứ 3 của công ty chúng tôi phối hợp với Co.op Mart thực hiện sau Long An, Cà Mau. Chúng tôi đã tập huấn, hỗ trợ cho nông dân về bón hữu cơ vi sinh các loại và các chế phẩm hữu cơ vi sinh có khả năng phòng chống sâu bệnh hại và cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa. Đồng thời cùng nông dân bám đồng ruộng, giám sát thăm đồng thường xuyên để xử lý về dinh dưỡng, sâu bệnh hại.

Vụ HT 2017 sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Coop Mart triển khai thêm mô hình 50ha lúa theo hướng hữu cơ và phục tráng giống lúa Jasmine nhằm nâng cao năng suất, chất lượng giúp nông dân canh tác hiệu quả”, ông Phạm Xuân Hưng, GĐ Cty PADCO.

 

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất