| Hotline: 0983.970.780

Hào hứng trồng nấm

Thứ Sáu 04/07/2014 , 08:14 (GMT+7)

Tỉnh Quảng Nam chủ trương đầu tư phát triển nấm trở thành một trong những loại cây trồng mang tầm chiến lược. 

Tại xã Đại Nghĩa (Đại Lộc, Quảng Nam), Trung tâm Giống cây nông lâm nghiệp Quảng Nam vừa tổ chức hội thảo mô hình trồng nấm năm 2014 nhằm đánh giá hiệu quả và giải quyết khó khăn đầu ra của sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Tú Oanh, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Trung tâm Giống cây NLN Quảng Nam cho biết: "Nuôi trồng, chế biến nấm ăn, nấm dược liệu là một nghề mới, đã phát triển ở Quảng Nam hơn 10 năm qua. Từ năm 2007, được sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT và Bộ KH-CN thông qua các dự án thuộc “Chương trình nông thôn - miền núi” cùng sự quan tâm đầu tư của tỉnh nên nghề trồng nấm phát triển khá nhanh.

Tỉnh Quảng Nam chủ trương đầu tư phát triển nấm trở thành một trong những loại cây trồng mang tầm chiến lược. Sản lượng nấm tươi của Quản Nam đạt khoảng 2.000 tấn/năm thu về hàng chục tỷ đồng. Trồng nấm giải quyết công ăn việc ổn định, có thu nhập cao cho hàng ngàn hộ. Nhưng do đầu tư chưa đồng bộ, quy mô còn nhỏ, nên nghề trồng nấm còn nhỏ lẻ và manh mún".

Từ tháng 3 - 7/2014, Trung tâm Giống cây NLN Quảng Nam triển khai 12 mô hình trồng nấm sò, nấm linh chi và nấm mộc nhĩ ở các xã Tam Xuân 1, Tam An, Tam Thái (huyện Núi Thành); Bình An, Quế Xuân 1 (huyện Thăng Bình); Đại Nghĩa, Bình Lâm (huyện Hiệp Đức) và Quế Lộc (huyện Quế Sơn).

Chương trình đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng nấm cho 720 lượt người tham gia. Trong đó, 600 lượt người được tập huấn trồng nấm sò, nấm linh chi, 120 lượt người được tập huấn trồng nấm mộc nhĩ. Sau khi được cán bộ kỹ thuật truyền tải kiến thức, hầu hết bà con tham gia học tập đều nắm được quy trình và áp dụng kiến thức vào thực tế.

Mặc dù trong thời gian 3 tháng gặp phải thời tiết có nhiều biến động, nắng nóng kéo dài, thời điểm xây dựng mô hình đang vào mùa gặt nên việc triển khai không ít khó khăn. Thế nhưng với sự ham muốn học hỏi cao và được cán bộ kỹ thuật cầm tay chỉ việc, các hộ trồng nấm đều đạt kết quả cao.

Các hộ tham gia được Trung tâm Giống cây NLN Quảng Nam hỗ trợ 100% giống nấm; 30% vật tư đi kèm như mùn cưa, bao, bông, dây treo, giàn giá… Kết quả cho thấy, đối với 1 hộ làm nấm sò chỉ cần 2 người lao động bình thường tận dụng thời gian nông nhàn, sau 3 tháng thu hoạch 800 kg nấm tươi với giá bán 20.000 đ/kg sẽ thu 16 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 13 triệu.

“Trồng nấm linh chi khó hơn nấm rơm, nấm sò rất nhiều, tuy nhiên khi nắm được kỹ thuật thì rất đơn giản. Chúng tôi đã trồng thành công nhưng chưa dám đầu tư lớn. Bởi số lượng ít thì trung tâm có thể thu mua, nhưng đến lúc nhiều thì không biết bán cho ai. Vì thế chúng tôi còn do dự, chưa dám đầu tư lớn”, ông Đây nói.

Đối với mô hình nấm linh chi, bình quân 1 tấn nguyên liệu cho năng suất khoảng 30 kg nấm khô x 700.000 đ/kg = 21 triệu đồng; mô hình nấm mộc nhĩ thì có giá trị kinh tế thấp hơn, năng suất 48 kg khô/tấn nguyên liệu x 100.000 đ = 4,8 triệu đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm, thôn Mỹ Liên, xã Đại Nghĩa (Đại Lộc) tham gia mô hình cho biết: "Ngoài sự giúp đỡ của nhà nước, ông bỏ thêm vào SX 400 bịch nấm sò và 120 bịch nấm linh chi. Nắm đầy đủ kỹ thuật nên số bịch nấm cho hiệu quả đạt trên 95%.

“Trồng nấm mùa lạnh không khó khăn lắm, nhưng mùa nắng phải thường xuyên tưới nước, tránh tình trạng cây nấm thiếu nước là được. 1 bịch nấm bỏ ra chi phí 5.000 đồng mua meo, bột cưa, bao, dây… trong thời gian 3 tháng sẽ cho thu hoạch 1 kg nấm tươi/bịch, với giá bán 20.000 đ/kg, còn vào dịp ngày rằm, mùng một thì 30.000 - 50.000 đ/kg. Như vậy sẽ có lãi 15.000 đ/bịch".

Cũng tham gia mô hình trồng nấm nhưng ông Nguyễn Đây, thôn An Thái, xã Bình An, huyện Thăng Bình có 20 năm trồng nấm rơm. Thế nhưng hiện nguồn nguyên liệu SX nấm rơm khan hiếm do chăn nuôi nhiều. Khi biết có lớp học trồng nấm linh chi, ông đăng ký tham gia ngay.

Sau khi được trang bị kỹ thuật, ông Đây trồng thử 100 bịch nấm linh chi thì có đến 96 bịch phát triển tốt. Mỗi bịch cho năng suất 100 gram nấm linh chi khô. Hiện với giá bán 700.000 đ/kg (Trung tâm Giống cây NLN Quảng Nam đứng ra tiêu thụ), tính ra mỗi bịch linh chi giá trị cao hơn nấm rơm rất nhiều.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.