| Hotline: 0983.970.780

Hậu "cơn bão" cây cảnh tràn đồng

Thứ Năm 11/07/2013 , 10:27 (GMT+7)

Bắt đầu từ giữa năm 2012 thị trường cây cảnh chết dần. Một cái chết dù được cảnh báo trước nhưng cũng khiến cho nhiều người bàng hoàng đến ngơ ngẩn. Không phải là tuột dốc thông thường nữa, cỗ xe thị trường cây cảnh đâm đầu lao thẳng xuống vực...

Đang bỡ ngỡ tìm chỗ len vào giữa khu “rừng” sanh cành lá xùm xòa, cỏ dại, dây leo chằng chịt, chợt tôi thấy nhột nhột, lành lạnh dưới chân. Nhìn xuống, một con rắn đen bóng, dài cả mét trườn vội ngay dưới chân mình. Chắc vô tình tôi đã xâm phạm vào nơi lãnh địa của nó.

>> Phận yểu của một ''nữ hoàng''
>> Chuyện độc trên đất Thành Nam

Nếu không nói ra, ít ai ngờ chốn hoang vu đó là khu vườn cây cảnh rộng cả mẫu ngoài đồng của anh Chỉnh ở đội 9 xã Hải Minh (Hải Hậu),một người từng có tiếng là bạo dạn trong công cuộc cải hoán ruộng lúa thành vườn.

Cái cảnh trái ngược hẳn cách đây chỉ chừng hai năm, trên bất cứ trục đường nào ở Hải Hậu (Nam Định) người ta đều thấy rầm rập bước chân, đều cay xè mắt vì khói xe của đội quân săn tìm cây cảnh, mà chủ yếu là sanh.

Cây cảnh mọc chật kín các sân, vườn, ban công, tum tầng thượng. Cây cảnh bò lan ra hai mép quốc lộ, tỉnh lộ, xã lộ, hương lộ. Cây cảnh dàn hàng ngang trên các bờ mương, bờ sông. Cây cảnh tầng tầng, lớp lớp trên các cánh đồng, chạm lá, giao cành cùng ngô, lúa, đỗ, lạc. Cả tỉnh Nam Định có cả ngàn héc ta cây cảnh tràn ra đồng như vậy.

Có hai loài sanh chính, một loại xuất xứ từ vùng cây cảnh nổi tiếng Nam Điền (Nghĩa Hưng, Nam Định), lá nhỏ, chậm lớn; một loài khác di thực từ trong Nam, mau lớn, lá to. Giống lớn nhanh được chấm cho giấc mộng làm giàu của người dân Hải Hậu.

Để hoán cải ruộng lúa, những chủ vườn ồ ạt đổ đất xuống, đánh thành luống, đào hố rồi cứ thế dâm cành bón phân gà, thúc phân xanh sao cho bốc. Khi cây đã lớn ở mức nhất định, người ta cắt thân, thay lá, cấy mầm sanh Nam Điền vào để cho ra một thế hệ lá nhỏ.


Một vườn cây cảnh bị bỏ hoang ngoài đồng

Công đoạn tiếp theo là rạch cào, cưa cắt, bôi vôi lên thân để thành hình cây phôi. Từ cây phôi, người ta cắt, uốn, bẻ vin cành lá để thành hình cây thế.

Nghệ thuật bonsai xuất phát từ Nhật Bản theo đúng nghĩa là thu nhỏ các cây cổ thụ vào trong chậu, ang theo một phong cách tự nhiên còn hơn cả tự nhiên, một đời cây tốn đến vài đời người cắt tỉa, chăm sóc.

Ở Việt Nam thì ngược lại đa số là bê nguyên cây cổ thụ vào chậu, có những cây kích thước khổng lồ đến mức phải di chuyển bằng cần cẩu với hàng chục trai tráng đi phía trước để đồng loạt… nâng dây điện cho ngọn cây khỏi chạm vào.

Cái cây được coi là đắt giá nhất đất Nam Định của Bí thư Đảng ủy xã Hải Lý, ông Vũ Viết Văn tiêu biểu cho quá trình lột xác từ dặt dẹo bờ ao lên ngôi thống soái.

Cách đây chừng chục năm, ông Văn mua một cây sanh ở bờ ao nhà hàng xóm với giá chỉ vài triệu. Thân cây được ông Bí thư cắt khúc ra làm hai rồi chăm sóc, tạo tán. Được vài năm, cái khúc đầu thừa, đuôi thẹo ngày nào được ông chuyển nhượng với giá vài trăm triệu mà chỉ vài ngày sau, người ta đã suýt xoa là bán hớ.

Cái khúc cây long giáng còn lại, cao sừng sững bốn năm mét, nặng ngót nghét cả tấn mới làm nên tên tuổi độc nhất vô nhị cho ông Văn ở đất Thành Nam.

Đúng dịp, nước lên, thuyền lên, cơn sốt cây cảnh ùa về, làm cho những làng quê miền duyên hải một phen náo động thiên cung. Từ cái lò luyện cây này ùn ùn những dãy xe tải về ăn hàng chở đi các tỉnh.

Lắm chủ vườn, trên đường chở cây về đã có khách nằng nặc bám theo xe, chồng cả bao tải tiền gạ mua. Gật đầu, sang tay là có ngay vài chục đến cả trăm triệu đồng lãi ròng. Lại có cây, từ lúc rời chủ đi lòng vòng chuyển nhượng qua vài ba vườn trong mươi mười lăm ngày đã đội giá lên cả chục lần. Tiền lãi nhiều khiến cho lắm kẻ dụi mắt mãi mà vẫn ngỡ như chiêm bao.

Cây cảnh “đẻ” ra lãi còn nhanh hơn cả giống gà siêu trứng, lãi tăng từng giờ, từng ngày, từng tuần chứ chưa nói từng tháng, từng năm. Làng xóm tưng bừng với những cuộc giết chó, mổ bò khoản đãi vui quên bờ bến.

Trong xu thế ấy, cây sanh của ông Văn được một khách trả giá 18,4 tỉ đồng nhưng cũng không mua nổi cái gật đầu của chủ nhân. Ông Bí thư xã muốn bán cái cây ấy với giá tròn 1 triệu USD, tức 21 tỉ đồng.

Ông Lê Văn Định, Phó trưởng phòng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Hải Hậu phải mất một lúc lâu cộng trừ mới cho ra thống kê trên 1.000 ha cây cảnh, chủ yếu nằm trong khu dân cư và khoảng 200 ha đất chuyển đổi từ lúa: “Lúc đầu người dân chỉ định chuyển đổi từ lúa sang trồng màu, khi thời điểm cây cảnh sốt sình sịch họ đã vội chuyển màu sang cây cảnh”.

Bắt đầu từ giữa năm 2012 thị trường cây cảnh chết dần. Một cái chết dù được cảnh báo trước nhưng cũng khiến cho nhiều người bàng hoàng đến ngơ ngẩn. Không phải là tuột dốc thông thường nữa bởi tuột còn có phanh, còn chèn đá, chèn chướng ngại vào hãm được đằng này cỗ xe thị trường cây cảnh đâm đầu lao thẳng xuống vực.


Cây cảnh xuống giá, sự chăm tỉa cũng ít đi

Những hộ giàu kinh nghiệm, đi lên từ nghề dính “thương tích” nhè nhẹ còn những hộ ăn theo phong trào, thấy người ta kiếm chác cũng đổ xô đi vay mượn đầu tư thì “trọng thương” thậm chí phá sản.

 

 

Cây cảnh tiêu thụ được hiện nay chỉ là loại vài triệu đồng còn cây tiền trăm, tiền tỉ như bị đổ bê tông, không thể giao dịch, dời vườn được. Có nhiều trường hợp đã đặt cọc rồi nhưng thấy thị trường rơi theo chiều thẳng đứng, rơi mãi mà chẳng thấy đáy đâu, liền chấp nhận bỏ cả cọc, chạy tháo thân.

Nghề cây cảnh Hải Hậu từ đỉnh cao năm 2011 với giao dịch kỷ lục 542 tỉ, tương đương với giá trị 700 triệu/ha, đến năm 2012 sụt xuống còn 72 tỉ và dự báo cả năm 2013 ngoi ngóp chỉ khoảng 10-15 tỉ.

Hải Lý, Hải Hòa, Hải Sơn, Hải Minh là những tọa độ ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão tụt giá. Ông Nguyễn Thành An, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Sơn, nơi có tới 5 làng nghề cây cảnh với 90 ha trong đó diện tích ngoài đồng chiếm cỡ 50 ha nói: “Khi có chuyện chuyển đổi từ lúa sang cây cảnh của dân, chúng tôi không phản đối mà có cơ chế thoáng cho họ tự lựa chọn đối tượng cây trồng.

 

Đã có lúc nghề cây cảnh của xã thu hút trên 1.000 lao động và doanh thu cao điểm nhất 2011 đạt trên 90 tỉ với cây kỷ lục 3,2 tỉ của ông Trần Văn Trung được chuyển nhượng. Giờ đây, giá giảm, giao dịch ít nhưng chúng tôi vẫn tin nghề này cho thu nhập khá hơn lúa”.

Khác với Hải Sơn tự sản xuất cây, Hải Minh buôn cây là chính. Năm 2011 cái vườn cây rộng 5 sào của anh Nguyễn Văn Hưởng của xã được định giá 10 tỉ, giờ giỏi chỉ còn cỡ 2 tỉ. Dạo bước cùng tôi trong cái khu vườn xanh um ấy, chủ nhân gượng cười thú thực: “Từ đầu năm đến nay tôi chưa xuất được một cái cây tiền trăm triệu nào”.

Nhưng cũng theo anh Hưởng, sự xuống giá của vườn nhà mình chưa thấm vào đâu bằng chuyện một đại gia ở Thái Bình sang đất Hải Hậu xỉa tiền ra mua một cây sanh giá 1,6 tỉ. Đúng hai năm sau, vị đại gia đất lúa sạt nghiệp phải đẩy cái cây ấy đi với giá vỏn vẹn chỉ 70 triệu đồng.

Nam Định, lác đác một số nhà vườn đã bắt đầu nhổ những cây sanh mới ươm để chuẩn bị trồng lại lạc, đỗ cho kịp thời vụ. Âu cũng là sự đời hoán cải, bãi biển, nương dâu hệt như thời phong trào nhà nhà đua nhau nuôi chó Nhật, đua nhau nuôi nhím.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm