| Hotline: 0983.970.780

Hậu Vedan: Rối như canh hẹ

Thứ Sáu 17/12/2010 , 09:37 (GMT+7)

Tìm hiểu thêm tình hình ở Đồng Nai và TP.HCM, PV được biết, đã qua 4 tháng nhưng tiền vẫn nằm trong kho bạc và việc chia số tiền này không đơn giản.

Một cuộc họp bàn về phương án đền bù cho dân bị thiệt hại do Vedan gây ra tại tỉnh Đồng Nai

NNVN số ra hôm qua trong bài viết "Hậu Vedan ở Bà Rịa - Vũng Tàu" đã phản ánh việc chia tiền đền bù ở tỉnh này đang rất khó khăn vì người dân khiếu kiện, cho rằng cách chia thiếu công bằng. Tìm hiểu thêm tình hình ở Đồng Nai và TP.HCM được biết, đã qua 4 tháng nhưng tiền vẫn nằm trong kho bạc và việc chia số tiền này không đơn giản.

>> Hậu Vedan: ''Nắn'' danh sách đền bù!

Như NNVN đã nêu, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, trước khi đạt được thỏa thuận với Vedan tỉnh này cũng đã chốt danh sách đền bù chi tiết 1.255 hộ dân bị thiệt hại. Thế nhưng, tại huyện Tân Thành bất ngờ xảy ra rắc rối khi người dân ở xã Mỹ Xuân khiếu nại không đồng ý với cách chia cào bằng kiểu “vùng ô nhiễm nào cũng giống nhau”. Tại sao như vậy?

 Tài liệu của chúng tôi cho thấy, như cách tính toán trước đây của Viện Môi Trường-Tài Nguyên (MT-TN), lẽ ra số tiền đền bù thiệt hại của 1.255 hộ dân ở đây phải là 216 tỉ đồng, trong đó xã Mỹ Xuân bị thiệt hại lên đến 77%, nhưng qua thẩm định của Vedan mà số tiền bồi thường được “bù qua sớt lại” cuối cùng là 53,6 tỉ đồng. Điều này  buộc chính quyền địa phương phải “bóp” lại về cách tính tỉ lệ ô nhiễm, ngành nghề bị thiệt hại, có nơi phải cào bằng để chia cho “đủ” số tiền nói trên. Thậm chí, theo cách áp giá 3 vùng thiệt hại của Viện MT-TN thì vị trí ở gần nhau mà có xã được nhận bồi thường gấp 9 lần xã bên cạnh. Ngạc nhiên chưa?

Thế nên, hôm qua (16/12) trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Thới-PCT UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu một lần nữa thừa nhận, việc chia tiền đền bù cho dân bây giờ khó trăm bề, do khiếu nại phát sinh với 29 đơn cá nhân và 13 đơn tập thể với thắc mắc chính là tỉ lệ phân chia giữa các địa phương đã “có sự chênh lệch”.

Tuy vậy, UBND các xã, thị trấn của huyện Tân Thành vẫn sẽ niêm yết danh sách và lập các tổ công tác quyết tâm chi trả dứt điểm tiền bồi thường thiệt hại đợt I trước Tết Nguyên đán. “Bây giờ, địa phương chỉ biết giải quyết bằng cách dựa vào cách tính toán bồi thường theo tỉ lệ ô nhiễm do Viện MT-TN cung cấp, hộ nào không chịu thì gửi tiền lại ngân hàng, còn nếu cứ khiếu nại tiếp tục mà không nhận tiền thì chỉ còn cách trả lại tiền cho Vedan rồi đề nghị họ đến Vedan mà nhận!”-ông Thới nói.

Tại TPHCM cũng vấp phải tình cảnh “dở khóc, dở cười” tương tự. Sau khi công khai niêm yết danh sách 839 hộ dân ở xã Thạnh An được nhận tiền đến bù đợt 1 từ ngày 25/8, nhưng sau 3 tháng vẫn cứ “tắc” do phát sinh nhiều khiếu nại, trong đó không chỉ người dân tại chỗ mà có hàng chục hộ dân xã Tam Thôn Hiệp. Lý do, trước đó dân Tam Thôn Hiệp đến Thạnh An “xâm canh” khai thác đánh bắt thủy sản, nhưng lại không có tên trong danh sách đền bù.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch HND TP.HCM thừa nhận: “Chúng tôi không tiên liệu được hết, trước đây có hơn 1.000 hộ dân yêu cầu đền bù nhưng khi làm việc với Viện MT-TN chốt lại có 839 hộ, số còn lại coi như không nằm trong vùng bị ô nhiễm. Bây giờ chúng tôi chỉ dựa vào số liệu của Viện mà giải thích thêm cho họ hiểu mà thôi”.

Cũng theo ông Phụng, từ ngày 14/12, đây là lần thứ 3 mà Ban chi trả tiền bồi thường thiệt hại của huyện Cần Giờ niêm yết danh sách các hộ bị thiệt hại tại xã Tam Thôn Hiệp, sau đó sẽ tới xã Thạnh An. Sau 5 ngày niêm yết (gồm vị trí, diện tích, loại hình SX được đền bù), nếu không có ý kiến khiếu nại nữa, Ban chi trả cùng các hộ dân bị thiệt hại có tên trong danh sách sẽ tiến hành bàn bạc và thống nhất phương án chi trả, cố gắng thực hiện dứt điểm trước Tết Dương lịch 2011.

Hôm qua 16/12, tại ba xã Mỹ Xuân, Phước Hòa, Tân Phước và thị trấn Phú Mỹ của huyện Tân Thành đã bắt đầu tiến hành chi trả tiền đền bù. Theo ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh BR – VT, tỉnh đã chọn phương lấy 24,7% nhân với số tiền người dân tự kê khai thiệt hại trước đây để ra số tiền chi trả cụ thể cho từng hộ. "Nếu trong quá trình chi trả, hộ nông dân nào không đồng ý với mức đền bù trên sẽ được tạm ngưng phát tiền và làm hồ sơ xem xét lại" -ông Thống cho hay.
Riêng tại Đồng Nai, tình hình khiếu kiện lại có vẻ “yên ả” hơn do chính quyền địa phương vẫn “chậm như rùa”, chưa thực hiện áp giá đền bù như BR-VT và TPHCM, mà việc này chỉ được thực hiện bắt đầu vào tuần tới ( từ ngày 20/12). Vì vậy, trên 5.000 hộ nằm trong danh sách đền bù đang mỏi cổ ngóng! Ông Lê Tấn Bảy ( Phước An, Nhơn Trạch) nói: “ Nhiều người đã sốt ruột lắm, mấy tháng rồi mà chưa nghe mấy ổng nói mỗi mẫu (ha) được áp giá đền bù bao nhiêu tiền, mỗi dạng (nuôi thâm canh, quảng canh, thiên nhiên hay công nghiệp, rồi ao, đùm..) được đền bù bao nhiêu. Theo hướng dẫn, tụi tui khai báo thiệt hại theo từng năm thu hoạch, riêng gia đình tui bị ô nhiễm 14 năm tính hơn 500 triệu, không biết sẽ nhận được bao nhiêu (?!)”.

Bà Văn Thị Tuyết (Phước Thái, Long Thành) cũng nói: “Tui có hơn 3 ha nuôi tôm bị thiệt hại do Vedan gây ra nhưng cũng chưa biết được bồi thường bao nhiêu. Lên hỏi xã, xã bảo cố gắng chờ vì chưa nghe tỉnh, huyện nói gì!”

Hôm qua, ông Trần Văn Quang- PCT Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai khẳng định với NNVN, đến hôm nay phương án đền bù cho hơn 5.000 dân đã hoàn tất và cơ bản đã được các hộ dân đồng ý, tuần sau sẽ đưa xuống 4 xã (thuộc huyện Long Thành và Nhơn Trạch) niêm yết công khai. Nếu dân có ý kiến thắc mắc gì sẽ giải quyết ngay tại chỗ. Trong vòng 15 ngày sau khi niêm yết danh sách, nếu không phát sinh hộ nào khiếu nại thì sẽ tiến hành chi trả tiền cho người dân.

Trong khi TPHCM niêm yết công khai danh sách chi trả tiền đền bù của Vedan cách đây gần 4 tháng mà vẫn còn rối như canh hẹ, còn Đồng Nai mới gọi niêm yết lần đầu mà hy vọng sẽ giải quyết dứt điểm, không hiểu có quá “tự tin” không?.

Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN-MT: “Chính quyền làm vậy là sai”

Xung quanh câu chuyện hàng trăm hộ dân gửi đơn đến NNVN khiếu kiện việc chính quyền huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu “cào bằng” tiền hỗ trợ đền bù của Vedan làm ô nhiễm sông Thị Vải, trao đổi với NNVN chiều qua (16/12), Thứ trưởng Bộ TN-MT, ông Bùi Cách Tuyến, cho biết: Bộ TN-MT đã làm hết trách nhiệm trong việc hỗ trợ nông dân đòi lại công bằng và kết quả là Vedan đã đền bù một cách thỏa đáng. Tuy nhiên, đến nay, do khúc mắc về việc đền bù nên dân mới khiếu kiện.

Theo quan điểm của ông Tuyến, không thể chia đều quyền lợi của những hộ dân ô nhiễm nặng và những hộ ô nhiễm nhẹ, bán kính xa tính từ vùng ô nhiễm, như vậy là trái với lẽ tự nhiên và trái với các văn bản pháp luật. “Nếu địa phương làm theo kiểu cào bằng, thì địa phương sai, cần phải sửa ngay”, ông Tuyến bày tỏ.

Văn Nguyễn

 

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất