| Hotline: 0983.970.780

Hãy để con gái chị tự thu xếp

Thứ Sáu 17/05/2013 , 14:44 (GMT+7)

Hãy để vợ chồng con gái bạn tự suy nghĩ và thu xếp. Có ở trong chăn mới biết chăn ra sao. Với thông gia, nên im lặng, đừng nói qua nói lại coi chừng cả hai bên đều sai.

Chị kính mến!

Trước kia tôi hay đọc NNVN báo giấy nhờ chồng đi làm việc mang về. Anh ấy đã nghỉ hưu mấy năm nay nhưng tôi tiếp tục theo trang TVGĐ của chị trên Internet. Đây là lần đầu tiên tôi chia sẻ với chị khi con trai bày cho một hòm thư và cách sử dụng. Mong chị lắng nghe.

Chúng tôi có cả thảy 3 đứa con, hai gái một trai. Vợ chồng cũng từng nghèo như bao người thời lấy nhau trong bao cấp. May mắn lớn nhất của tôi là chồng rất tháo vát, mẫu mực, thương vợ chăm con. Về sức khỏe tôi luôn yếu đuối trong mắt anh, lại hay có bệnh say xe nên chồng bao biện lắm. Nhiều người tấm tắc tôi số đỏ, chồng cưng, chồng chiều.

Đứa con gái lớn của tôi, vì duyên số, theo chồng vào Nam ngay khi cưới. Vợ chồng đứa con trai hiện đang sống với chúng tôi. Con gái út thì gả đi xa, nhưng không xa bằng con chị, tháng nào cũng gặp nhau được. Chưa nói thì chắc chị cũng biết, nỗi niềm của tôi nằm ở cả đứa con gái đầu ấy đấy. Cũng tại nó đèo bòng, đi thực tập trong đó rồi quen cậu này, rồi dính luôn, mẹ khóc thế nào cũng không tách được.

Những năm đầu chúng nó có vẻ ổn. Nhưng gần đây thì chồng nó làm ăn trục trặc, việc ấy cũng không ảnh hưởng đến hạnh phúc mấy khi vợ chồng vẫn yêu nhau để vượt qua, đúng không chị? Cái khó của con gái tôi là nó sống cảnh làm dâu, vì chồng nó là con một mà hai cách sống và nhiều thứ của con dâu với mẹ chồng quá khác nhau. Ví như theo gia đình nhà ấy, đàn ông là phải bao bọc tiền nong, vợ có làm được bao nhiêu, mặc vợ. Ba chồng của con gái tôi là như vậy đấy, chồng của đứa em gái của rể tôi cũng như thế luôn. Nếu công việc suôn sẻ không nói làm chi, khi làm ăn đi xuống thì có phải gia đình sinh ra hục hặc không? Chi tiêu vẫn không đổi, chồng nó phải đi mượn nợ nhưng vì trước nay đã bao tiêu cho ba mẹ và vợ thế nên nợ cũng cắn răng chịu. Hiện nay thì tình trạng nợ của rể tôi cũng đã nhiều.

Nếu việc chỉ có vậy, tôi cũng chưa tìm đến chị. Thú thật là con gái tôi đi làm thu nhập cũng khá, tiền nhàn rỗi ấy nó có đưa ra đầu tư chỗ em trai nó đây. Thế là mẹ chồng nó biết và bắt đầu phản ứng, bà ấy không biết quỹ của vợ quỹ của chồng là do con trai bà ấy đầu têu. Bỗng dưng bà ấy gọi điện cho tôi, nói vòng vo rồi thì như là chê trách con gái tôi không chia sẻ, không đóng góp, có ý gì mà đi đầu tư tiền ngoài này cho em trai? Đúng là thông gia trước sau gì mâu thuẫn cũng có ngày lộ ra, tôi bảo chúng nó tự khắc thu xếp, tiền của chúng, mình không nên ý kiến ý cò. Bà ấy giận dỗi, con gái tôi nói lại là nó thấy không khí ngột ngạt, khó sống.

Con tôi đã nghĩ tới việc ly hôn và trở ra Bắc. Cơ sư đến mức ấy thì chuyện đã đi quá xa. Chồng tôi không chấp nhận giải pháp ấy. Hiện tôi rất bối rối, mong chị cho tôi lời khuyên với.

Tôi mong chị giấu hòm thư cho.

Bạn thân mến!

Việc vợ chồng là duyên với nợ, thời nay tình duyên Bắc - Nam cũng lẽ thường, đã khác gì nhiều so với người Việt và người ngoại quốc. Tôi hiểu sự khác biệt vùng miền chứ, cách ăn xài, cách đối xử, ngay cả ẩm thực cũng nhiều khó khăn ban đầu. Ví như người Nam thì chồng cày và vợ thu vén (như con rể chị đó), ví như vợ thì phải giỏi nội trợ vì chồng đã đi làm và bao tiêu (mô hình xã hội người miền Nam cũ, hay người Nhật, người Hàn hiện nay); ví như con trai một thì phải gánh lấy việc chăm nuôi ba mẹ và không ở riêng…

Thế nhưng, có lẽ cái mô hình quỹ chồng là chính, quỹ vợ tùy ý vợ là không bền vững. Có thể ba chồng của con gái bạn như thế được, khi mẹ chồng nó thuần túy nội trợ, tiền chồng rót mỗi tuần, mỗi tháng. Nói chính xác, mô hình ấy không ổn, mà đã rõ là bất ổn, khi chồng trục trặc công việc mà vợ cứ tỉnh bơ đưa tiền ra Bắc cho em mình, như vậy là bất công, thiếu uyển chuyển và chia xẻ. Chồng nó cắn răng vượt qua nhưng chủ nợ thì không cắn răng đâu và mẹ chồng của nó cũng không cắn răng chịu đựng. Bà ấy thấy ấm ức và thế là động tới thông gia, rất phiền.

Việc con bạn đòi ly hôn, có thể còn nhiều nguyên do khác. Sao ngay từ đầu không đặt vấn đề ở riêng, thời tự do cá nhân, mấy ai chịu làm dâu suốt đời? Gốc vấn đề có thể là chỗ đó. Vì làm dâu nên mẹ chồng biết hết chuyện tiền nong và những chuyện khác nữa nên hay can thiệp. Việc điện thoại cho bạn là do bà xót con trai, tức mình, nói cho bõ. Không nên chút nào, trừ phi con rể bạn lên tiếng.

Hãy để chúng nó tự suy nghĩ và thu xếp. Có ở trong chăn mới biết chăn ra sao. Với thông gia, nên im lặng, đừng nói qua nói lại coi chừng cả hai bên đều sai. Chồng bạn rất đúng và hãy để anh ấy cầm trịch chuyện này, nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm