| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 28/12/2017 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 28/12/2017

Hãy để tòa án 'phán xét' Uber và Grab nếu cơ quan quản lý chưa thống nhất được

Sau 2 năm thí điểm chương trình ứng dụng phần mềm vào kết nối và quản lý xe hợp đồng dưới 9 chỗ, các cơ quan quản lý vẫn chưa thống nhất được về việc xác định loại hình kinh doanh này, để đưa ra các chính sách quản lý phù hợp.

Việc kiện cãi giữa 2 loại hình taxi truyền thống và “taxi công nghệ” như Uber, Grab, vẫn tiếp tục chưa có hồi kết, dù chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc chương trình thí điểm đưa ứng dụng phần mềm vào kết nối và quản lý xe hợp đồng dưới 9 chỗ theo Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Hai “phe” vẫn “miệt mài” đưa ra những lý lẽ chứng minh cho luận điểm của mình, để trả lời cho câu hỏi mấu chốt: “Loại hình kinh doanh của Uber và Grab là dịch vụ taxi hay dịch vụ công nghệ?”.

Vẫn theo kiểu “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” (!).

Hiệp hội taxi 3 miền Hà Nội – Đà Nẵng – TP Hồ Chí Minh thì “kể” ra rất nhiều “tội” của Uber, Grab và cả Bộ GTVT: rằng Uber Việt Nam và GrabTaxi Việt Nam đều đang điều hành hoạt động vận tải, định đoạt giá thành vận tải, tuyển dụng lái xe, xử phạt lái xe, quyết định các chính sách quảng cáo, thưởng, khuyến mại liên quan đến dịch vụ vận tải. Vì vậy, hoạt động kinh doanh của Grab, Uber phải được coi là dịch vụ hỗ trợ vận tải (chịu thuế suất VAT 10% so với hiện tại là 0%).

Theo Hiệp hội taxi 3 miền, đến tháng 10/2017, tổng số phương tiện của cả Uber và Grab trên cả nước là gần 80.000 xe, chứ không phải như số liệu của Bộ GTVT - tổng số là 29.810 (số liệu do Uber và Grab cung cấp). Bộ GTVT không giới hạn được số lượng phương tiện tham gia thí điểm mặc dù UBND TP Hà Nội và UBND TP Hồ Chí Minh phản đối vì vượt quy hoạch vận tải của các địa phương. Bộ cũng không quản lý được logo nhận diện của các phương tiện tham gia thí điểm.

Trong khi đó, ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), đã đưa ra quan điểm rất đáng chú ý: “Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, vận tải đường bộ là hoạt động sử dụng phương tiện giao thông đường bộ để vận chuyển người và hàng hóa. Như vậy, muốn vận tải đường bộ phải có xe và lái xe theo tiêu chuẩn. Uber chỉ có phần mềm công nghệ, nên không thể “dịch chuyển” người từ điểm A đến điểm B. Nếu coi Uber là đơn vị kinh doanh vận tải thì không đúng với bản chất dịch vụ mà họ cung cấp".

Tòa án Tư pháp của Liên minh châu Âu (CJEU) ngày 20/12, đã ra phán quyết rằng: “Dịch vụ trung gian do Uber cung cấp kết nối giữa lái xe không chuyên nghiệp với khách hàng, phải được coi là một dịch vụ trong lĩnh vực vận tải”, nếu so sánh thì quan điểm của đại diện Bộ GTVT là sai. Ngay tại Đề án thí điểm theo Quyết định 24, Bộ GTVT cũng đã quy định các đơn vị dịch vụ cung cấp phần mềm chỉ được cung cấp dịch vụ đó cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có chức năng kinh doanh vận tải, lái xe có bằng cấp phù hợp, xe phải đăng ký, đăng kiểm, gắn phù hiệu. Tức là, đã có quy định về “lái xe chuyên nghiệp” với Uber và Grab hoạt động tại Việt Nam.

Sự mâu thuẫn tranh chấp do chưa xác định được loại hình kinh doanh của Uber và Grab, rất cần được giải quyết bằng một phiên tòa tại Việt Nam - tương tự như phiên tòa của CJEU ngày 20/12.

Đây là cách ứng xử văn minh trong một xã hội đang đề cao pháp quyền.