| Hotline: 0983.970.780

Hãy nối lại tình xưa

Thứ Hai 03/10/2011 , 12:25 (GMT+7)

Li dị cô vợ kém 20 tuổi, cả tôi và Liên (người yêu cũ) đều trở thành người tự do. Liệu tôi có nên đến với cô ấy?

Ảnh minh họa
Bọn tôi học cùng một lớp ở phổ thông, thân nhau suốt 3 năm học cấp 3 (ngày ấy, phổ thông chỉ có 10 năm, từ lớp 8 đến hết lớp 10 là cấp 3).

Tôi và Chiến gắn bó với nhau như keo với sơn. Sáng nào cũng gặp nhau ở lớp rồi, vậy mà đến chiều hoặc tối lại đến nhà nhau nữa. Trong nhóm bạn tôi còn có cả Dung và Liên là hai đứa nữ vào loại xinh nhất lớp. Đến học kỳ 2 lớp 10 thì tôi và Liên yêu nhau, nhưng Dung và Chiến thì không, chỉ chơi vô tư. Cặp chúng tôi rất muốn vun vào cho hai đứa kia nên duyên, nhưng không hiểu sao, không thành.

Nếu tình duyên có số thì với bọn học sinh chúng tôi, cũng “học tài thi phận”. Hè năm ấy, Dung và Liên đỗ đại học. Liên vào đại học sư phạm Hà Nội, còn Dung học Đại học Kinh tế quốc dân. Tôi và Chiến học giỏi hơn nhưng đều thi trượt. Sau đó, hai chúng tôi trúng nghĩa vụ quận sự. Thật thú vị, cái số chúng tôi không thể rời xa nhau: Cùng đi tập một nơi, cùng lên đường vào Nam chiến đấu một ngày và lại cùng ở cùng một đơn vị. Tình bạn của chúng tôi trong lửa đạn lại càng trở nên sâu sắc hơn. Lên đường cuối năm 1973 thì chỉ hơn một năm sau, giải phóng miền Nam...

Sau khi tốt nghiệp đại học, do cả gia đình chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh nên Liên cũng vào theo. Từ khi chúng tôi lên đường vào Nam, tôi và Liên cũng không còn liên hệ được với nhau. Khi trở ra Bắc, nghe tin Liên đã vào Sài Gòn, tôi buồn, nhớ da diết. Thời gian chiến đấu tuy ngắn ngủi nhưng tôi có cảm giác đã xa Liên, xa Hà Nội lâu lắm. Hình ảnh cô bạn gái rồi trở thành người yêu có mái tóc dày, đen mượt với khuôn mặt bầu bĩnh luôn ám ảnh tôi, trở thành nguồn động viên lớn lao những ngày tôi chiến đấu ở chiến trường.

Sau khi xuất ngũ, tôi thi đỗ đại học, trở thành sinh viên khi đã 25 tuổi. Vì từng là bộ đội, lại đảng viên nên tôi được bầu làm lớp trưởng, đến khi tốt nghiệp ra trường, tuy lực học chỉ trên mức trung bình, tôi vẫn được nhà trường giữ lại, công tác ở phòng đào tạo. Mấy năm sau, tôi được đề bạt làm phó, rồi trưởng phòng. Đường công danh thế là được, nhưng chuyện gia đình thì không thể yên tâm vì tuy được nhiều cô gái để ý - cả sinh viên lẫn các nữ giáo viên trẻ - nhưng hình ảnh của Liên vẫn ám ảnh, không thể phai nhòa, khiến tôi không sao có thể để tâm đến bất cứ ai khác. Tôi tìm mọi cách để cuối cùng đã biết được địa chỉ của Liên ở Sài Gòn. Tôi lập tức gửi thư nhưng không thấy Liên trả lời. Nghĩ khả năng thư thất lạc có thể xảy ra, lần thứ hai, tôi lại viết và gửi hình thức bảo đảm. Vài tuần, rồi cả tháng trôi đi, tôi vẫn không thấy Liên hồi âm. Linh tính cho tôi biết Liên không còn là cô học sinh lớp 10 ngày trước yêu tôi chân thành, trong sáng và thánh thiện.

Một lần kia, vào một sáng chủ nhật, tôi đưa đứa cháu nhỏ, con đứa em gái vào công viên Lê Nin chơi (công viên Thống Nhất bây giờ). Hai bác cháu đang vui trong công viên thì tôi giật mình nhìn thấy Chiến đi cùng một bé gái chừng 5 tuổi. Chúng tôi nhanh chóng nhận ngay ra nhau. Tay bắt mặt mừng, tôi ôm chầm lấy Chiến giữa vườn hoa, không sao ghìm được những giọt nước mắt. Nhưng tôi nhận thấy Chiến không có những biểu hiện như tôi. Thay vì sự cảm động, bồi hồi trong giây phút gặp lại sau bao năm xa cách, là một cái gì đó có phần gượng gạo...

Sau đó tôi được biết: Liên của tôi ngày xưa chính là vợ của Chiến. Thảo nào mà đứa bé giống cô nàng như tạc. Sau khi Chiến vào làm việc ở một ủy ban quân quản khi giải phóng, rồi được cất nhắc chức chánh văn phòng, đúng lúc Liên cùng gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Không rõ tình cờ, hay có hẹn hò, họ đã gặp lại nhau. Chiến đã giúp đỡ Liên về dạy ở một trường nội thành, thay vì phải đi xa nếu muốn có công việc ngay. Và họ trở thành vợ chồng sau đó một thời gian ngắn.

Câu chuyện đến đây chắc không còn gì để kể. Nhưng thưa các anh chị, vẫn chưa hết vì thật rắc rối. Sau cái lần gặp lại Chiến ở công viên Lê Nin như đã kể chừng một năm, tôi nghe tin bạn tôi và Liên đã ly hôn. Tôi cũng biết rõ hơn: Liên đến với Chiến không từ tình yêu, mà từ sự biết ơn vì lúc đó đang rất cần sự giúp đỡ của Chiến trong công việc. Cũng từ khi có chút chức vụ, Chiến trở nên gia trưởng khiến Liên bất hạnh. Tình hình ngày càng tồi tệ khiến cuối cùng cô phải ly hôn và quyết định trở ra Bắc học cao học. Nhưng cô đã không tìm gặp lại tôi. Có lẽ cô tự trọng, lại cảm thấy đã không giữ được thủy chung với tôi và cũng có thể nghĩ tôi đã “yên ổn” nên để kỷ niệm ngủ yên, không kiếm tìm.

Số phận đưa đẩy để sau đó tôi kết hôn với một cô gái kém tôi 20 tuổi, tên Diệu Linh. Lúc này tôi đã là hiệu phó. Tuy nhiên, qua nhiều năm vẫn không có con. Đi khám, người ta bảo cả hai chúng tôi “máy móc” chẳng ai bị sao. Cuộc sống vợ chồng trở nên tẻ nhạt, tôi thì bận công việc của nhà trường, Linh cũng lao vào kinh doanh. Và đầu năm nay, Linh bỗng dưng đề xuất với tôi việc ly hôn. Cô ấy rất thẳng thắn để nói thật: Đã yêu một Việt kiều, muốn sang Mỹ để sống với họ, xin tạ lỗi và mong tôi chấp nhận. Một chút tự ái không đủ để níu kéo, tôi đã nhanh chóng ký đơn ly hôn.

Vậy là đến phút này, cả tôi và Liên đều tự do. Tôi yêu cô đến mức trở nên độ lượng, không nặng nề, giận dỗi chuyện Liên lấy Chiến. Xin hỏi các anh chị: Liệu Liên có còn tình cảm với tôi như tôi còn với cô ấy? Tôi có nên tìm Liên để nối lại duyên xưa. Và cô có chấp nhận?

(Trần Duy Quang – Đống Đa, Hà Nội)

Trao đổi của chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình San:

Anh quả là một người đàn ông sâu sắc và nhân hậu, độ lượng. Ở hoàn cảnh hiện tại của hai người, việc anh tìm lại chị Liên là rất nên. Anh đã biết rõ hoàn cảnh đẩy tới việc Liên đến với Chiến để rồi dẫn tới bất hạnh. Nếu biết rõ sự thật, tình cảm và cuộc đời của anh trong thời gian qua, chắc chắn chị ấy sẽ rất cảm kích và thương anh. Hãy sống đúng với lương tâm, tình cảm cao đẹp của mình, đừng ngần ngại chủ động tìm chị ấy. Tin rằng một kết thúc đẹp sẽ đến với anh.

 Đấy là tư vấn của chuyên gia tâm lý, bạn có thể chia sẻ với anh Quang qua địa chỉ nongnghiep.vn

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất