| Hotline: 0983.970.780

Hãy tự tin mở "cánh cửa" thế giới!

Thứ Ba 01/01/2013 , 15:04 (GMT+7)

Trong số hơn 3 tỷ USD ngành cà phê thu được từ XK trong năm 2012, thì người buôn cà phê số 1 VN đã bán được… 800 triệu USD!

Ông Đỗ Hà Nam
Trong số hơn 3 tỷ USD ngành cà phê thu được từ XK trong năm 2012, thì người buôn cà phê số 1 VN đã bán được… 800 triệu USD! Mặc cho sóng gió của thị trường làm thế giới điên đảo, vị này vẫn khẳng định: Năm 2013, các DN VN hãy tự tin hợp lực, cùng nhau mở toang “cánh cửa” thế giới án ngữ trước mặt. NNVN đã có cuộc trao đổi về bí quyết làm nên thành công…

Giới kinh doanh, XK cà phê VN từ lâu đã biết khả năng nắm bắt quy luật thị trường cà phê toàn cầu của ông Đỗ Hà Nam – Tổng Giám đốc Cty CP Tập đoàn Intimex TP.HCM, sau nhiều thương vụ kinh doanh đình đám, mang lại kim ngạch và lợi nhuận “khủng” cho tập đoàn này trong mấy năm qua. Nhưng phải tới năm 2012, khi hàng loạt DN “đại gia” trên vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên bạt ngàn nắng gió và cà phê bị rơi vào khủng hoảng; người ta vẫn thấy ông Nam mang cà phê Việt đi bán “phà phà” cho khách hàng khắp 5 châu, mang về tới 800 triệu USD và khoản lợi nhuận lớn cho tập đoàn. Nhiều người không khỏi ngỡ ngàng hỏi: Vì sao lại có hiện tượng “rất lạ” này?

Ngược dòng thời gian, năm 1996, ông Đỗ Hà Nam được điều từ Đà Nẵng vào tiếp quản Cty CP Tập đoàn Intimex TP.HCM khi tài sản và nhân lực tại đây còn trăm bề thiếu thốn. Sau hơn 15 năm cật lực gây dựng, giờ ông đã đưa Intimex trở thành nhà XK cà phê lớn nhất nước, đồng thời nuôi tham vọng liên kết các DN trong “Câu lạc bộ các DN cà phê XK hàng đầu VN” (hiện ông Nam làm Chủ tịch) để ra “đấu” với các tập đoàn thế giới, khẳng định vị thế cà phê Việt và dần nắm quyền điều phối giá cà phê toàn cầu.

PHÁ QUY LUẬT ĐỂ CHIẾM LĨNH

Người ta nói, cá nhân ông luôn dám phá vỡ quy luật bình thường, không kinh doanh theo tâm lý đám đông và biết xoay chuyển tình thế cực kỳ đúng lúc. Ông sẽ chia sẻ kinh nghiệm này thế nào?

Trước hết tôi muốn nói, ngành cà phê VN XK lớn nhưng DN có lợi nhuận thấp, dễ rủi ro vì chúng ta chưa thực sự có ảnh hưởng lớn và thường bị sàn giao dịch quốc tế (London) chi phối. Đặc biệt, các DN VN lại có thói quen mua bán theo cách kỳ hạn, trừ lùi, không giữ được mức giá ổn định và hay bị “tin đồn” gây hoang mang, mất cảnh giác.

Chúng ta phải thấy rằng, khi trên thị trường xuất hiện một thông tin mới (có thể do giới đầu cơ cà phê quốc tế, của sàn giao dịch London… đưa ra), DN phải đặt ngay câu hỏi: Mục đích của thông tin đó là để làm gì? Ví dụ như năm 2012, bỗng dưng có thông tin cho rằng, thị trường cà phê sẽ sụp đổ và giá sẽ rớt thảm hại, hậu quả đi theo là nông dân VN và DN rồi sẽ cùng bán tháo. Nhưng cũng trong điều kiện đó, chúng tôi lại nhận định ngược lại và đã thành công.

Vấn đề là tại sao lúc đó chúng tôi lại suy nghĩ ngược thế? Trước hết, hãy nhìn vào nông dân trồng cà phê, từ hai năm nay, họ đã biết học theo ngành hồ tiêu tập dượt trữ hàng rồi. Như thế, sẽ không xảy ra hiện tượng ồ ạt bán ra và mặc nhiên thế giới hụt hẫng và thiếu hàng, giá phải quay đầu lên thôi! Thứ hai, chúng tôi nhận thấy các Cty nước ngoài đã lỡ ký hợp đồng trước, mức bán trừ lùi cũng co hẹp thể hiện họ “khát” hàng. Và thứ ba, các DN nước ngoài cho rằng, thời vụ thu hoạch cà phê 2011 – 2012 tại VN sẽ sớm 1 tháng, nhưng thực tế sau đó lại muộn 1 tháng. Với 3 điều kiện trên cùng lúc xảy ra sẽ dẫn đến các hợp đồng giao hàng của DN nước ngoài không thể đúng hạn và họ sẽ bị vỡ hợp đồng. Cách duy nhất để họ có cà phê của VN là phải đẩy giá lên và ai nắm được điều này sẽ là người thành công.


Ông Nam: “Không ai làm tốt hơn nông dân khi họ được tạo điều kiện tạm trữ, điều phối giá bán toàn cầu!”

Tôi cũng cho rằng, trong quá trình kinh doanh, rủi ro sẽ không loại trừ bất kỳ DN nào, cái quan trọng là chúng ta phải biết hạn chế tối đa những yếu tố bất lợi. Kinh nghiệm của chúng tôi là triệt để áp dụng phương thức “mua ngay, bán ngay”; hạn chế tối đa hàng tồn kho; ký kết mua hàng với khách truyền thống, có uy tín. Chúng tôi cũng đi theo con đường đầu tư vào chiều sâu và lấy lợi nhuận từ khâu chế biến, không chỉ đơn thuần xuất hàng thô, lợi nhuận thấp. Đặc biệt, phải luôn đặt vấn đề uy tín với khách hàng lên hàng đầu để đảm bảo ổn định thị trường XK lâu dài, bền vững.

KHÔNG AI MẠNH BẰNG NÔNG DÂN ĐÂU

Ông có nói rằng, nông dân chính là lực lượng quan trọng nhất để nông sản VN có thể mở toang “cánh cửa” và điều phối giá bán trên thị trường thế giới. Với ngành cà phê có thể làm như vậy không?

Sự quan trọng hàng đầu của nông dân ở đây được hiểu theo nghĩa: Họ nắm được quyền phân phối hàng hóa của chính mình. Đến thời điểm này, mặt hàng đầu tiên nông dân đã nắm được quyền điều phối và làm cả thế giới “rúng động” chính là hồ tiêu. Bài học từ ngành hồ tiêu cho thấy, bất cứ nông sản nào muốn thành công thì phải từng bước đưa quyền phân phối đó cho người nông dân; lúc đó DN sẽ không bị mất một nguồn vốn quá lớn cho việc tạm trữ, tập trung sức để kinh doanh hiệu quả.

Muốn làm được điều này, người nông dân phải được cung cấp thông tin thật tốt, phải làm cho họ dần có của ăn của để và hàng hóa đó đem lại lợi nhuận bền vững (hiểu nôm na là có lợi hơn gửi tiền ngân hàng), lúc đó nông dân sẽ lựa chọn việc tạm trữ. Tuy nhiên, bản thân nông dân không thể tự làm mà đòi hỏi có vai trò dẫn dắt của nhà nước và tổ chức Hiệp hội. Hãy cung cấp cho họ thông tin thật tốt, hãy tạo cơ hội để người nông dân đóng vai trò làm chủ. Bản chất thành công của mọi cuộc cách mạng bao giờ cũng dựa trên sức mạnh của số đông, của quần chúng nhân dân. Nếu coi thành công của hồ tiêu mấy năm qua là một cuộc “cách mạng” trong cuộc chiến thương trường, thì người nông dân chính là lực lượng chính để làm nên thành công ấy.

Với ngành cà phê, khoảng 2 năm trở lại đây cũng đang đi theo con đường người nông dân trồng hồ tiêu đã làm. Đến giờ này, giới đầu cơ quốc tế còn tung thông tin: “Liệu nông dân trồng cà phê VN chịu đựng được bao lâu khi tập tành trữ hàng? Và ai sẽ chiến thắng trong “cuộc chiến” sinh tử này?”. Theo nhận định của nhiều DN (thậm chí cả DN nước ngoài), thì có vẻ nông dân VN sẽ chiến thắng nếu như vụ mùa 2013 nông dân đồng lòng quyết tâm giữ hàng để điều tiết lượng bán trải đều theo từng tháng.

BẮT ĐÚNG BỆNH, TRỊ TẬN GỐC

Ông nói rằng, trong kinh doanh, ai nắm được 30% thị trường trở lên thì sẽ có cơ hội chi phối. Nhưng tôi thấy, cà phê và một số mặt hàng nông sản XK của VN vượt chỉ tiêu này nhưng chưa nắm được cái quyền đó?

Hiện có tới 70% lượng cà phê Robusta giao dịch trên thế giới là của VN, cho nên điều kiện để chúng ta có thể điều phối thị trường thế giới (như hồ tiêu đã làm được) là có thể chứ. Vấn đề là cách làm thế nào thôi?

Ngoài yếu tố quan trọng là giúp nông dân tạm trữ, chúng ta phải hạn chế tác động của sàn giao dịch London. Tại đây có lúc giá lên cao tới 2.800 USD/tấn, lúc lại xuống thấp chỉ còn 300 USD/tấn và khoảng cách chênh lệch tới gần 10 lần như vậy đã làm cho nhà kinh doanh rủi ro rất cao. Tuy nhiên, từ niên vụ 2011 – 2012, các DN VN đang dần né tránh rủi ro trên sàn này bằng phương thức “mua ngay, bán ngay”; bán theo giá chính thức chứ không bán “trừ lùi” như trước đây. Dự báo năm nay cà phê VN sẽ mất mùa 20 – 30% nên người nông dân VN sẽ càng quyết tâm giữ hàng để có giá bán tốt. Hiệp hội cũng như Câu lạc bộ G20 đã phát huy vai trò, kêu gọi nông dân đồng lòng trữ hàng và đến nay đã vượt qua cả mong muốn. Ban đầu chúng tôi dự định kêu gọi trữ khoảng 300.000 tấn, nhưng đến giờ lượng hàng trữ trong dân đã lên tới 500.000 tấn. Nếu cứ duy trì được lượng hàng này, cơ hội giá lên từ đầu năm 2013 là chắc chắn xảy ra!

Ngoài cà phê, tôi cho rằng một số mặt hàng như cao su, gạo, hạt điều… cũng có điều kiện để làm thế nếu bắt “đúng bệnh” và khắc phục nó hiệu quả. Ví dụ như cao su, chẳng cây trồng nào có diện tích đại điền (do nhà nước quản lý) lại lớn và tập trung như vậy. Nhưng khổ nỗi, bất lợi lớn nhất là có tới 70 – 80% sản lượng lại phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên giá bán cũng rất phập phù…! 

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất