| Hotline: 0983.970.780

Hệ lụy Ba Lai

Thứ Ba 05/10/2010 , 08:55 (GMT+7)

Cống đập Ba Lai được xây dựng tại cửa sông Ba Lai là 1 trong 9 hạng mục của Dự án ngọt hoá Bắc Bến Tre, với kinh phí 80 tỷ đồng. Tám năm hoạt động, cống đập vẫn chưa phát huy hết những tác dụng đặt ra ban đầu, ngược lại còn làm cho nhiều gia đình lao đao, sản xuất nông nghiệp khốn khó vì đôi dòng mặn ngọt.

Cống đập xả ngọt làm người nuôi tôm gặp khó
Cống đập Ba Lai được xây dựng tại cửa sông Ba Lai, thuộc địa bàn xã Thạnh Trị (huyện Bình Đại) và xã Tân Xuân (huyện Ba Tri), tỉnh Bến Tre, là 1 trong 9 hạng mục của Dự án ngọt hoá Bắc Bến Tre, với kinh phí 80 tỷ đồng. Tám năm hoạt động, cống đập vẫn chưa phát huy hết những tác dụng đặt ra ban đầu, ngược lại còn làm cho nhiều gia đình lao đao, sản xuất nông nghiệp khốn khó vì đôi dòng mặn ngọt.

Thượng nguồn khổ dừa, khổ mía

Từ khi có cống đập Ba Lai, sông Ba Lai thành 2 phần mặn, ngọt. Thượng nguồn cống là ngọt, còn hạ nguồn cống là mặn. Người dân sinh sống hai bên bờ thượng nguồn và hạ nguồn cũng chia theo con nước mưu sinh. Bên phần nước ngọt thì trồng lúa, trồng mía, còn nước mặn thì nuôi tôm, làm muối ...

Khi con đập được hoàn thành cũng chính là lúc chị Nguyễn Thị Chẳng, ấp 3, xã Thạnh Trị (Bình Đại) hoàn thành xong hệ thống mương nội đồng để đón dòng nước ngọt về vườn nhà, chuẩn bị cho vụ mía bội thu. Thế nhưng, không có dòng nước ngọt đầy ắp những con mương như chị nghĩ, đã thế, nước mặn vẫn xâm nhập vào, làm cây mía chỉ cho năng suất thấp. Chị đành phải chuyển sang trồng dừa, nhưng dừa gặp nước mặn, ra 10 trái thì chỉ đậu có 5, có lúc nước mặn quá trái dừa teo luôn, không thể phát triển được. Chị Chẳng lỗ nặng vì mỗi ha trồng từ 500- 700 cây dừa, giá mỗi cây giống là 10 ngàn đồng, mà phải 5 năm dừa mới bắt đầu ra trái. Chị Chẳng than vãn: “Có đập rồi mà không biết người dân chúng tôi còn chờ nước ngọt đến bao giờ nữa?”

Chị Nguyễn Thị Dưỡng, ấp 3, xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại cho biết “Trước kia khi chưa có đập thì một công mía có thể cho thu hoạch 10 tấn mía nhưng giờ thì giỏi lắm cũng chỉ được 5 tấn, có khi chỉ đạt 2,5 tấn”. Nhà chị Dưỡng có 7 công đất, chị chỉ có thể trồng mía vào tháng 5 để đến tháng 12 là thu hoạch, vì thời gian này có nước mưa để tưới. Nhưng cũng có năm nước mặn vẫn xâm nhập vào trong thời gian đó, làm mía chết hàng loạt, cây nào sống được thì phát triển rất chậm, trồng đến 4 tháng nhưng có cây chỉ mới có hai đốt, có cây mới chỉ một đốt. Nước mặn xâm nhập cũng khiến chị phải tốn không ít tiền thay gốc mía. Nếu như trồng hoàn toàn bằng nước ngọt thì 3-4 vụ mới phải thay gốc mía. Còn mỗi khi bị nước mặn xâm nhập gây chết gốc mía, chị lại phải mua hom mới về trồng với giá 500.000 đồng/tấn.

Bi đát hơn là gia đình nhà ông Nhiều. Vụ trước nhà ông trồng 4 công mía, gặp lúc nước mặn chết hơn phân nửa. Vụ này ông chuyển sang trồng mì nhưng năng suất cũng chẳng ăn thua do không chịu được mặn. Theo ông Nhiều, sản xuất ở đây gặp khó như vậy là do độ mặn nước sông Ba Lai ngày càng tăng, nước mặn vẫn tiếp tục xâm nhập vào, còn nước ngọt thì chờ mỏi cổ vẫn chưa thấy dẫn vào để tưới.

Cống đập Ba Lai là một trong 9 hạng mục của dự án ngọt hoá Bắc Bến Tre được Chính phủ phê duyệt dự án tiền khả thi năm 2000. Dự án đầu tư xây dựng phục vụ cho 4 huyện Giồng Trôm, Ba Tri, Châu Thành, Bình Đại và thị xã Bến Tre.

Mục tiêu của dự án là ngăn mặn, giữ ngọt, tạo nguồn ngọt, tiêu úng, tiêu chua, rửa phèn, cải tạo đất cho 115.000ha đất tự nhiên, 88.500ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi thuỷ sản và phục vụ sinh hoạt cho gần một triệu dân sống trong vùng dự án.

Nhiều người dân thấy trồng trọt không hiệu quả đã tính toán, chuyển sang nuôi tôm. Nhưng nuôi tôm cần đầu tư lớn nên không phải ai cũng làm được, thành ra trong một vùng mà có chỗ nuôi tôm, chỗ trồng mía, trồng dừa, không đúng với quy hoạch ban đầu. Bây giờ lại xảy ra cuộc xung đột giữa người nuôi tôm và người trồng mía, những gia đình trồng mía thì muốn dẫn nước ngọt vào nhưng như thế thì lại đẩy những hộ nuôi tôm vào con đường khó.

Hạ nguồn khó muối, khó tôm

Hàng tháng, đập Ba Lai xả nước ngọt vào ngày 14 và 28. Việc xả nước này, nhiều khi cũng tuỳ vào độ mặn của nước và triều cường. Nhưng chính dòng nước ngọt được xả xuống vùng cửa sông lại gây khó cho những hộ dân làm muối, nuôi tôm ở hạ nguồn cống Ba Lai.

Chị Nguyễn Thị Thanh, diêm dân ở xã Thạnh Phước (Bình Đại) cho biết: “Mỗi mùa muối bây giờ ngắn hơn gần 1 tháng so với trước do nước ngọt xâm nhập. Sản lượng mỗi vụ muối giờ cũng chỉ được khoảng 700 giạ muối (mỗi giạ khoảng 45-50 kg), tức là chỉ còn bằng 1/3 so với khi chưa có đập”. Giá muối xuống thấp cộng với những khó khăn do nước ngọt xâm nhập đã làm cho diêm dân vốn đã vất vả càng thêm nhọc nhằn hơn.

Từ khi có cống đập Ba Lai, diện tích nuôi cá tra ở Ba Tri và Bình Đại cũng tăng dần. Nhưng nguồn nước nuôi cá tra không qua xử lý được xả thẳng ra sông Ba Lai đã làm cho nguồn nước nuôi tôm bị ảnh hưởng không nhỏ. Chị Nguyễn Thị Sum, ấp 4, xã Tân Sơn, huyện Ba Tri cho biết, nguồn nước nuôi cá từ các hộ nuôi cá tra chảy từ kênh 10 đổ ra sông Ba Lai cộng với việc nước ngọt chảy qua, làm nguồn nước nuôi tôm cũng bị ảnh hưởng, từ đó mà con tôm dễ bị bệnh chết và phát triển chậm.

Anh Huỳnh Thanh Phú, ấp Tân An, xã Tân Xuân có 4.000 m2 nuôi tôm. Anh cho biết: “Nước ngọt luôn xâm nhập qua dòng nước mặn, lúc thay nước cho tôm mình cũng lựa độ mặn trong nước để thay nhưng có lúc nước ngọt nhiều quá thì không biết làm sao. Không thay nước thì nước bẩn quá, thay vào rồi phải dùng hoá chất xử lí, như vậy thì cũng rất dễ làm cho con tôm mắc bệnh”.

Không chỉ làm khó cho nghề làm muối, nuôi tôm mà việc xả nước ngọt còn gây ảnh huởng đến nghề nuôi sò của bà con nơi đây. Chị Nguyên, xã Đại Hoà Lộc, Bình Đại cho biết: “Nước ngọt xâm nhập xuống làm cho con sò không thích ứng được và chết rất nhiều, gây thiệt hại lớn cho nhiều gia đình”.

Việc xâm lấn giữa nước mặn và ngọt ở cống đập Ba Lai đã và đang làm cho không ít người dân lao đao. Việc chuyển trồng mía, trồng dừa sang nuôi tôm để thích nghi với dòng nước là biện pháp của nhiều gia đình lựa chọn để phát triển kinh tế. Nhưng chính điều đó làm phá vỡ quy hoạch về cây trồng, vật nuôi đã đặt ra lúc ban đầu.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm