| Hotline: 0983.970.780

Hễ mất mùa là quy cho... giống!

Thứ Năm 17/10/2013 , 09:39 (GMT+7)

Một giống tốt được mùa liên tiếp không thấy nói gì nhưng hễ mất mùa một vụ là quy tội ngay bất cần biết đến các yếu tố tác động khác...

Gần đây, cứ hễ mất mùa, thất bát người ta thường có tâm lý đổ riệt cho giống. Báo NNVN xin mở cuộc bàn tròn về vấn đề này với khách mời là ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và ông Lê Quý Tường - Phó Giám đốc Trung tâm Khảo Kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia.

Theo kinh nghiệm của các ông khi mất mùa riêng, điều đầu tiên cần phải nghĩ đến là gì?

Ông Trần Xuân Định: Khi còn công tác ở địa phương tôi đã gặp những hiện tượng mất mùa riêng này và gần đây về Cục Trồng trọt thì nhận được nhiều văn bản báo cáo mất mùa của các tỉnh. Một trong những nguyên nhân khiến lúa lép, ngô không hạt, cây không ra quả…theo tôi có lẽ do biến đổi khí hậu và những hiện tượng cực đoan của thời tiết xảy ra nhiều hơn. Các ngưỡng nhiệt độ gây bất thường kiểu như lạnh vào thời điểm lẽ ra không bao giờ lạnh, bão vào thời điểm lẽ ra không có bão, nhiệt độ cao đặc biệt… sẽ tác động đến năng suất và gây ra hiện tượng mất mùa rất đau cho bà con nông dân. Vụ xuân năm ngoái có ngô của Cty Syngenta không hạt ở Tây Nguyên rồi mới đây ngô của Cty Dekalb bị thiệt hại ở An Giang, ngô của Cty Pioneer cũng mất mùa ở một số điểm. Cục Trồng trọt bước đầu nhận định trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, tình trạng mất mùa riêng sẽ xảy ra với tần suất cao hơn.


Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt

Khi mất mùa xảy ra không thể có một kết luận chóng vánh được, không thể đổ ngay cho giống cũng không thể đổ tại nông dân mà cần xác minh, thậm chí tranh luận nảy lửa. Nói gì thì nói trước tiên phải xuống hiện trường xem xét cây cối ra sao, tỷ lệ thiệt hại, thống kê diện tích rồi mời đại diện nông dân hỏi xem họ sản xuất thế nào, bố trí thời vụ ra sao, đất đai, chăm sóc… Bước thứ hai phải dựa vào các nhà khoa học phân tích. Về góc độ giống, chất lượng của hạt trước hết thể hiện ở tỷ lệ nảy mầm, nếu ngâm mà không nảy mầm hoặc dưới ngưỡng cho phép là do giống. Hiện tượng khiến cho ngô không hạt nhà khoa học cần xem xét góc độ di truyền của giống. Tất cả các giống ngô hiện nay tôi được biết đều là ưu thế lai, hạt giống chỉ sử dụng một đời. Nếu trong quá trình lai tạo có thể là chất lượng sản xuất giống kém, không kiểm soát được thì anh phải đền. Ngô không hạt còn do những yếu tố thời tiết bất thuận như hạn hán, nắng nóng, chất lượng đất, độc tố đất. Ngoài ra kỹ thuật canh tác nông dân có tuân thủ đúng không, có làm theo thời vụ, mật độ khuyến cáo không, đặc biệt là sử dụng phân bón có đảm bảo yêu cầu thâm canh không.

Quan điểm của tôi khi xác định mất mùa do giống, trách nhiệm đền bù thuộc về doanh nghiệp nhưng không phải do giống, doanh nghiệp nếu thông cảm và muốn gắn bó lâu dài với nông dân sẽ hỗ trợ một phần vì nông dân rất nghèo. Còn những giống chưa có trong danh mục, đang khảo nghiệm bản thân doanh nghiệp phải bảo lãnh năng suất, nếu xảy ra trường hợp mất mùa phải bồi thường toàn bộ.

Ông Lê Quý Tường: Nảy mầm kém, cây mọc cao thấp, không đúng giống đúng là bởi phẩm chất giống kém còn những thứ khác cần phải xem xét. Nếu ngô thưa hạt cần xem xét nhiệt độ, ẩm độ, thời điểm trổ cờ tung phấn có ở ngưỡng nhiệt độ bất lợi hay không và xem xét cả những yếu tố đất, canh tác nữa. Nếu cây bị bệnh theo tôi có cả yếu tố giống như dễ bị nhiễm bệnh nhưng cũng do điều kiện môi trường (có những yếu tố bất lợi cho cây trồng nhưng ngược lại có lợi cho sự phát triển của bệnh).

Một giống tốt được mùa liên tiếp không thấy nói gì nhưng hễ mất mùa một vụ là quy tội ngay bất cần biết đến các yếu tố tác động khác là điều không nên.

Những giống quá mẫn cảm sẽ dễ nhiễm bệnh hơn, kiểu như chỉ cách một cái bờ thôi hai giống khác nhau đã bị thiệt hại khác nhau rồi. Giống ngô nào theo tôi mà chẳng có hạt nhưng khi điều kiện thời tiết bất lợi khiến phấn chết, không kết hạt, thưa hạt nhất là ngô trổ vào lúc nắng nóng trên 32 oC. Khi xảy ra vấn đề mất mùa, cơ quan quản lý cần mời doanh nghiệp, nhà chuyên môn đến khảo sát, đánh giá cùng sự chứng kiến của nông dân để biết do giống hay do yếu tố nào. Nếu do giống thì dứt khoát doanh nghiệp phải đền. Nếu gặp điều kiện bất khả kháng, bất lợi dù không phải do yếu tố giống thì cần sự chia sẻ của Cty giống với người nông dân.


Ông Lê Quý Tường - Phó Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia

Có một thực tế là khi chưa có ý kiến của nhà khoa học, cơ quan quản lý, một số lãnh đạo địa phương đã kết luận miệng rằng mất mùa là lỗi do doanh nghiệp giống. Điều đó khiến cho nông dân bị kích động đâm đơn từ, khiếu kiện. Phải chăng doanh nghiệp là những người có tóc, dễ nắm còn đổ tại cho thiên nhiên, thời tiết, kỹ thuật chẳng được cái gì cả?

Ông Trần Xuân Định: Khi các nhà khoa học, cơ quan quản lý khẳng định mất mùa ấy không phải do giống mà nông dân và chính quyền địa phương lại bảo do giống rõ ràng đó là tranh chấp dân sự, căng thẳng quá thì nên đưa ra tòa. Chính quyền địa phương có thể do yếu kém về chuyên môn không hiểu rõ cây trồng mất mùa do đâu cũng có thể họ là nơi gần dân, giáp mặt hàng ngày nên nông dân cứ “khều” chính quyền trước tiên nên mới có cách hành xử nóng vội như vậy.

Theo các ông, để phòng tránh hiện tượng mất mùa riêng cần phải làm gì?

Ông Lê Quý Tường: Cần tuân thủ theo đúng cơ cấu giống và thời vụ của địa phương. Trồng ngô liên tục mà dùng chỉ một loại giống thì không nên mà cần có vài loại để bù trừ giống nào mẫn cảm quá với điều kiện bất lợi sẽ không bị mất hết.

Ông Trần Xuân Định: Nông nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, khí hậu. Cây ngô vốn phàm dinh dưỡng, đất tốt trồng ngô không bón bổ sung đủ được phần cây đã lấy đi thì càng năng suất cao càng hại cho đất. Khi đất đã kiệt, cây yếu, rõ ràng khả năng chống chịu bệnh tật kém hẳn đi. Không nên bố trí cơ cấu lạm dụng một giống quá nhiều mà nên trồng vài giống có đặc điểm khác nhau về thời gian sinh trưởng để hỗ trợ cho nhau. Về mặt di truyền, đa canh quần thể sẽ góp phần phân tán rủi ro khi gặp bất lợi.

Xin cảm ơn các ông!

Dương Đình Tường (thực hiện)

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất