| Hotline: 0983.970.780

Heo Cù Lao Chàm tắc đầu ra

Thứ Tư 03/10/2012 , 09:51 (GMT+7)

Những con heo đang lớn hiện đang được người nuôi cho ăn cầm chừng, đợi đến mùa mưa bão bán cho thủy thủ những chiếc tàu hàng dạt vào Cù Lao Chàm nấp bão...

Heo nuôi ở Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp) thuộc thành phố Hội An (Quảng Nam) được ăn những con cá tươi rói vừa từ biển mang về, bã hèm rượu và nước bột gạo làm bún... nên chóng lớn, thịt ngon. Thịt heo ở Cù Lao Chàm xứng đáng được nhận “danh hiệu” heo sạch. Thế nhưng oái oăm thay, heo nuôi lớn rồi không biết bán cho ai. Đành phải cho chúng ăn “giảm bữa” để cầm chuồng, chờ ngày tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), Cù Lao Chàm hiện có 602 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu. Mặc dù hiện nay số hộ chuyển từ nghề đi biển sang làm du lịch đã khá nhiều, nhưng vẫn còn khoảng 70% dân làm ngư nghiệp. Với những nghề làm lưới, sau mỗi đêm đi biển, ngoài những đối tượng thủy sản được bán ra thị trường, ghe nào cũng đánh bắt được nhiều cá vụn, loại sản phẩm chỉ dùng cho heo ăn. Do đó, nguồn thực phẩm tươi dành cho nuôi heo ở Cù Lao Chàm rất dồi dào.

“Thời điểm ghe tàu đánh bắt được nhiều cá vụn, thương lái trong bờ ra mua không hết thì giá của loại sản phẩm này chỉ từ 500-700đ/kg. Thời điểm cá vụn hiếm hoi nhất cũng chỉ có giá từ 2.000-3.000đ/kg. Bên cạnh đó, ở Cù Lao Chàm còn có hơn 20 hộ chuyên nấu rượu và làm bún tươi. Dựa vào thế mạnh có nguồn cá tươi, bã hèm và nước bún mỗi ngày nên người dân ở đây phát triển nghề nuôi heo khá mạnh. Hộ nuôi nhiều 6-7 con, hộ nuôi ít nhất trong chuồng cũng thường xuyên có 2 con heo thịt.

Ngoài ra, ở Cù Lao Chàm có nguồn nước ngọt được lấy từ những con suối chảy từ trên núi xuống khá dồi dào nên cư dân ở đây còn trồng rau để có thêm thức ăn xanh cho heo. Ngoài những thôn là “mặt tiền” của ngành du lịch như thôn Bãi Làng, vì sợ ô nhiễm từ chăn nuôi gây khó chịu cho du khách nên chính quyền địa phương không khuyến khích người dân nuôi heo. Những thôn khác như Bãi Ông, Bãi Hương..., phát triển nghề nuôi heo khá mạnh.

Ông Trần Ngọc Thanh (47 tuổi) ở thôn Bãi Ông, cho biết: “Nhờ ăn nhiều cá tươi nên heo nuôi ở Cù Lao Chàm nhanh lớn lắm, mua giống bỏ vào chuồng “ngó qua, ngó lại” mấy tháng sau là đã thấy chúng lớn ầm. Thịt của nó thì khỏi chê: Nạc và rất thơm. Du khách từ đất liền ra chỉ chăm chăm vào các món hải sản vì đã ớn thịt, thế nhưng khi ăn thịt heo ở đây ai cũng tấm tắc khen. Giá như việc tiêu thụ heo ở đây dễ dàng như ở trong đất liền thì tụi tui có thể sống được nhờ vào chăn nuôi”.


Ông Thanh buồn bã bên những con heo đang bị “cầm chuồng”

Quả như lời ông Thanh tâm sự, việc tiêu thụ heo ở đây vô cùng khó khăn. Cù Lao Chàm có ngôi chợ duy nhất nằm tại thôn Bãi Làng thì trong chợ chỉ được bày mấy chiếc bàn nhựa để bán thịt heo. Theo người dân ở đây thì Cù Lao Chàm có 4 lò mổ heo, hàng ngày, mỗi lò mổ 1 con heo nhưng thịt bán không bao giờ hết. Do đó, lượng heo nằm chuồng luôn rất nhiều vì không tiêu thụ được.

“Hiện người chăn nuôi ở Cù Lao Chàm bị cầm chuồng 7-8 tấn heo do không bán được. Những con heo đang lớn hiện đang được người nuôi cho ăn cầm chừng, đợi đến mùa mưa bão bán cho thủy thủ những chiếc tàu hàng dạt vào Cù Lao Chàm nấp bão làm thức ăn. Heo ở Cù Lao Chàm giờ chỉ còn trông mong vào đầu ra duy nhất ấy”, ông Trần Ngọc Thanh.

Ông Trần Ngọc Thanh ở thôn Bãi Ông, than thở: “Thời gian trước đây, heo nuôi ở Cù Lao Chàm ngoài tự cung tự cấp tại địa phương, thương lái trong đất liền cũng thường xuyên ra đây mua về bán vì thịt heo ở đây nổi tiếng thơm ngon. Lúc giá heo cao, mỗi kg heo hơi tụi tui bán được 47.000đ. Thời điểm này giá heo hạ, chỉ còn từ 38.000đ-40.000đ/kg. Trong khi đó, giá heo trong đất liền hiện chỉ từ 28.000đ-32.000đ/kg nên không thương lái nào ra đây mua nữa. Thậm chí những lò mổ tại đây cũng ngưng hoạt động, vì thịt heo trong đất liền rẻ, họ đi ghe vào mua thịt về bán có lãi hơn. Một kg thịt đùi trong đất liền bán chưa tới 70.000đ, mua về bán 120.000đ, lãi đậm, lại khỏi phải tốn công thức khuya dậy sớm để mổ heo. Do đó, đầu ra của người nuôi heo tụi tui cũng “tắc” theo”.

Ông Trần Ngọc Thanh dắt tôi về nhà để “chứng thực” trong chuồng nhà mình đang “tồn” 6 con heo. 6 con heo này vợ chồng ông Thanh thả nuôi đã hơn 3 tháng, giờ tăng trưởng được hơn 5 tạ heo. “Lúc 2 con heo lớn nhất chuồng đạt 70kg/con, vợ chồng tui đã kêu người đến bán nhưng kêu hoài chẳng ai chịu mua. Đến nay chúng đã tăng trọng lên hơn 80kg/con vẫn chưa bán được. Đó là tui đã không dám cho chúng ăn đủ bữa, chỉ cho uống nước lã cầm hơi. Cho ăn đầy đủ chúng nhanh lớn thêm nữa thì càng bán không được”, bà vợ ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, heo có trọng lượng từ 1 tạ trở lên rất khó bán, bởi các lò mổ ở đây chỉ mua heo cỡ 60kg-70kg/con để mổ bán hết thịt trong ngày, không bị “ứ” thịt sang ngày hôm sau. Bà vợ ông Thanh cho biết thêm: “Tụi tui đang rất cần tiền để đóng tiền học phí cho đứa con gái đang học Trung cấp Y tại Đà Nẵng. Vợ chồng tui bàn nhau chở heo vào đất liền bán nhưng tính cũng không xong. Chi phí vận chuyển 6 con heo vào bờ phải mất đến 1 triệu, lại bán theo giá heo đất liền mất đứt 5-6 ngàn đồng/kg thì xót quá nên giờ chúng vẫn đang bị cầm chuồng”.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất