| Hotline: 0983.970.780

Heo hút dưới chân Trường Sơn

Thứ Năm 10/03/2011 , 10:12 (GMT+7)

Chiều ở bản Rìn Rìn, mấy đứa trẻ tóc cháy râu ngô đón chúng tôi bằng những ánh mắt ngơ ngác...

Đồn Biên phòng 597- Làng Mô đứng chân tại địa bàn xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Bữa cơm tại đồn 597 mà thượng tá Đặng Huy Chương - Đồn trưởng, thiết đãi chúng tôi đậm chất lính miền sơn cước: chút cá, thị lợn, canh chua, bát nước mắm dầm ớt tiêu- thứ ớt đặc sản của núi rừng.

Sau bữa cơm trưa, thượng tá Chương gọi thượng úy Nguyễn Văn Thành giao nhiệm vụ: "Cậu đưa các anh vào Dốc Mây. Tất cả những hành trang không cần thiết nên bỏ lại ở nhà. Trên đường đi vào, thấy nước bạc lên nhanh dưới suối thì lập tức quay ra, không được cố mà nguy".

1. Tổ công tác biên phòng Khe Đen thuộc Đồn 597 nằm ven đường Hồ Chí Minh ngay chân cầu Rìn Rìn. Từ đây công tác chuẩn bị cho một chuyến đi bản dài ngày được bắt đầu. Thú thực nghe những câu chuyện kể của anh em biên phòng ở trạm Khe Đen, chúng tôi cũng ớn nhưng đã quyết tâm đi mà nay dừng lại giữa nữa chừng là không được. Đại uý Võ Hữu Thiện, phụ trách tổ công tác trao cho tôi chiếc ba lô của anh, chúng tôi cho vào đó đủ cơ số mì tôm dung cho ba ngày, mấy lon thịt hộp, nước suối… ngoài cuốn sổ và máy ảnh, tất cả tư trang đều gửi lại. Quá trưa, chúng tôi lên đường. Đại uý Thiện thông báo: “Chúng ta bắt đầu hành trình vào bản Dốc Mây. Sau ba giờ đi bộ sẽ đến bản Rìn Rìn, nghỉ đêm lại bản, sáng mai khởi hành sớm, tiếp tục đi bộ thêm chừng hơn ba tiếng nữa mới tới điểm cần đến - Dốc Mây”.

Chiều ở bản Rìn Rìn, mấy đứa trẻ tóc cháy râu ngô đón chúng tôi bằng những ánh mắt ngơ ngác. Từ phía cửa sổ những ngôi nhà sàn nằm dọc theo con đường giữa bản, vài gương mặt phụ nữ hiện ra rồi biến thật nhanh trong căn nhà sàn trong ánh sáng chập choạng không rõ nét mặt người. Dần dà rồi cũng có mấy đứa trẻ men đến xem người lạ. Tôi nắm tay một thằng bé tầm mươi tuổi, hỏi: “Ba đi mô?”. Thằng bé nhìn nhìn khách một lúc rồi nhấm nhẳng chỉ về phía đại ngàn: “Hắn vô trong, cả tuần mới về”. “Đàn ông ở bản đi rừng hết rồi”, thượng uý Thành giải thích thêm.

Bản Rìn Rìn có 17 hộ, 78 khẩu; phía bên kia dãy núi là bản Pờ-Loang cánh 30 phút cắt rừng. Pờ- Loang gồm 14 hộ, 68 khẩu. Hai bản này tuy hai mà như một, hợp lại với nhau và lính biên phòng thường gọi: Pờ- Loang Rìn Rìn, mỗi lần trên đường các anh đi tuần tra thường nghỉ đêm tại hai bản này. Và nếu so với bản Dốc Mây xa thẳm, ở Pờ- Loang, Rìn Rìn, đời sống người dân “văn minh” hơn đôi phần. Văn minh ở đây được đánh giá trên nhiều khía cạnh: chi bộ bản ghép Pờ- Loang, Rìn Rìn hiện tại 5 đảng viên; cả hai bản có một điểm trường tại Rìn Rìn do thầy giáo người Kinh lên cắm bản dạy dỗ, học sinh huy động đến trường 32 cháu và thêm một chút “văn minh” để bản có cảm giác gần hơn với miền xuôi là có người Kinh lên mở quán cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho bà con; thu mua những sản phẩm dân bản kiếm được đem về xuôi… vậy là có sự thông thương, trao đổi hàng hoá.

2. Đàn ông của bản vào rừng, để lại bản rặt đàn bà và trẻ nhỏ. Buổi sáng, khi mặt trời chưa kịp ló rạng đằng đông, cánh đàn ông đã hú gọi nhau quẩy gùi lên lưng, trong đựng ít gạo, thuốc lá, vài chai rượu… cắt rừng mà đi. Mùa tháng Ba đến tháng Tám âm lịch khi con ong xây tổ, làm mật, trai bản Vân Kiều theo dấu con ong rừng mà tìm đến tổ, lấy mật. Họ cứ theo dấu con ong mải miết thế trong núi rừng sâu thẳm ngày này qua ngày khác cho đến khi chiếc gùi trên vai không còn gạo, những chai mật ong từng sóng sánh màu hổ phách nhiều lên thì quay về bản. Cũng có những trai làng vào rừng đặt bẫy, theo dấu con thú hoang lạc bước, khi ngẩng đầu lên thì mới hay đã sang tận đất Lào. Nhưng cũng chẳng hề chi.

Ở các bản làng người dân tộc Vân Kiều của xã biên giới Trường Sơn chuyện qua - về biên giới là chuyện bình thường. Người dân sinh sống dọc hai tuyến biên giới là họ hàng, dòng tộc của nhau. Trai bên này lấy gái bên kia và ngược lại, bởi thế những tay thợ săn đi lạc sang đất Lào cũng không bao giờ sợ đói, sợ bị phiền lụy. Họ chỉ cần vào nhà bà con, ở chơi vài ngày, xin thêm ít xôi nếp đóng vào gùi rồi cắt rừng trở về bản và trong đầu cố nhớ mấy chuyện bên đó để về tận nhà kể cho bà con mình nghe coi như là quà đi xa về..

Chúng tôi đi tìm mãi rồi cũng gặp được một người đàn ông của bản Rìn Rìn đang ở nhà. Ông tên Hồ Lừ, năm nay 60 tuổi, người đàn ông này có đến 6 người vợ, 11 người con, còn cháu chắt thì… "không đếm hết được mô", ông nhấn mạnh từng chữ như vậy. Con gái ông là Hồ Thị Nôn và Hồ Thị Đòn được gả chồng tận bản Khe Ngát (phía thị trấn nông trường Việt Trung); hai cô tiếp theo là Hồ Thị Phòn, Hồ Thị Bi được ông gả qua tận bản Pà- Ác (Lào). Mỗi lần Hồ Lừ đi thăm con gái đang làm dâu bên Lào thì phải cắt rừng mất 12 đến 13 tiếng đồng hồ. Ngồi kể chuyện gia đình của mình, Hồ Lừ tự hào lắm: “Hiện tại tao đang sống với bà vợ thứ sáu tên Hồ Thị Sô, gốc gác tận Hướng Hoá, Quảng Trị. Tao già rồi, cái chân không còn vững để vào rừng như lũ trai làng. Tao ở nhà với vợ và con cháu, phụ giúp ông bố đan lát kiếm sống thôi”. Ra vậy, Hồ Lừ chính là con trai của cụ Hồ Nhị, hai cha con có nghề đan lát gùi, rổ, rá, các vật dụng hàng ngày làm từ mây và tre rừng. Hàng của hai cha con làm ra được tiêu thụ khắp cả xã Trường Sơn, về tận chợ thị trấn nông trường Việt Trung, vào cả các bản Vân Kiều ở Trường Xuân (Quảng Ninh); Lâm Thuỷ, Ngân Thuỷ (Lệ Thuỷ). “Nhờ cái nghề đan lát này mà gia đình tao không đói mô mày ạ. Có khi nhờ nó mà mua được gạo cho bà con mượn ăn nữa đó”, Hồ Lừ tâm sự.

3. Đêm giữa đại ngàn xuống thật nhanh, thượng uý Thành đưa chúng tôi đến một ngôi nhà sàn nhỏ bé, nằm phía đầu bản. Dường như đã trở thành thân quen, Thành gõ mạnh vào cầu thang: “Tối ni nhà có khách”. Trong nhà có tiếng rục rịch rồi giọng phụ nữ vọng ra: “Chú Thành biên phòng đó à. Lại đi lên mốc phải không?”. Đây là gia đình của anh chị Lê Văn Được, Lê Thị Hoàn quê quán tận xã Đức Ninh (thành phố Đồng Hới) lên đây “cắm bản” lập nghiệp. Mười năm trước, chị Hoàn là công nhân tham gia làm con đường phục vụ khai thác lâm sản tại khu vực này, sau khi con đường hoàn thành, chị thất nghiệp.

Hôm sau, trên đường đi ra, chúng tôi may mắn gặp được anh Cao Xuân Triều, Phó bản Rìn Rìn đang trên đường về bản sau hơn tuần ở trong rừng già tìm mật ong và thăm bẫy. Ngồi nghỉ tạm trên tảng đá bên lối mòn nhỏ ngoằn nghèo, tôi hỏi chuyện học hành của các cháu, anh Triều kể chẳng giấu giếm: “Đám con nít đến trường là lúc cái bụng hắn còn no cơm, nhà còn cái để ăn. Chứ hết cái ăn, trẻ trong bản lại theo bố mẹ vào rừng trồng cây ngô, cây sắn, đặt cái bẩy bắt con thú, hoặc nữa tìm bó củi, gùi măng rừng… ngay thôi mà. Nói cho hết cái lý thì trẻ con bản mình đến trường thất thường lắm. Thầy giáo người Kinh có vận động như thế nào đi nữa cũng không đưa được hết cái đầu của mấy đứa đó vô trường".

Đang lúc túng bấn, thấy bà con dân tộc bản Rìn Rìn thiếu muối, mì chính, nhu yếu phẩm hàng ngày…Vậy là chị nảy ra ý định mở cái quán nhỏ đem hàng dưới xuôi lên trao đổi. Cách đây mấy năm, anh Được bị tai nạn giao thông mất sức lao động, chị đưa anh lên trông coi quán, còn chị thân gái nhưng cũng hết về xuôi lại lên mạn ngược trao đổi hàng hoá hai chiều nuôi ba con ăn học đàng hoàng. Câu chuyện chị Hoàn bên mâm cơm tiếp đãi mấy anh em chúng tôi thêm phần rôm rả, như xua đi cái lạnh lẽo. Chị kể: “Con trai bản này uống rượu nhiều lắm. Hễ đi rừng thì thôi, còn về nhà bán được con chồn, con cheo, vài chai mật ong…có tiền là mua rượu uống, uống thâu đêm đến tận sáng rồi gây vợ, đánh con”. “Thế thì chị bán ít thôi”, tôi bắt chuyện. “Không bán không được. Uống rượu vô, trai bản coi trời bằng vung, nếu không bán làm răng mà vợ chồng chị yên được. Ngay cả số tiền nợ cứ tăng dần, lên tận chục triệu đồng rồi đó”.

Khuya lắm, thi thoảng vài tiếng gà rừng te te gáy báo hiệu sang canh. Giấc ngủ của chúng tôi bị đánh động bởi những đàn bọ mắt ngửi được hơi người lạ xông vào cắn. Cái thứ bọ mắt rừng già càng đập chết, nghe mùi máu lại càng xông vào tợn, đành ngồi dậy bó gối bên bếp lữa đủ ấm. Thấy tôi tỉnh giấc, chị Hoàn cũng dậy theo, cời thêm bếp lửa bập bùng cao ngọn. Giọng chị lắng trong đêm: “Có bộ đội biên phòng giúp nhiều lắm đó, nhưng để bà con dân bản có đủ cái ăn, cái mặc thì còn xa ngái lắm. Vì ở như biệt lập giữa rừng rú, đường đi lại khó khăn thì phát triển làm răng được kịp".

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.