| Hotline: 0983.970.780

Héo lòng vì cây héo

Thứ Ba 21/02/2012 , 12:20 (GMT+7)

Không riêng cây lúa, từ đầu tháng 2 đến nay hàng loạt diện tích cây trồng cạn chủ lực trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã bị nhiễm nặng các loại bệnh nguy hiểm. Nguy cơ mất mùa đang hiện hữu trước mắt nông dân.

 Không riêng cây lúa, từ đầu tháng 2 đến nay hàng loạt diện tích cây trồng cạn chủ lực trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã bị nhiễm nặng các loại bệnh nguy hiểm. Nguy cơ mất mùa đang hiện hữu trước mắt nông dân.

 
Ông Đỗ Đăng Phong (thôn Thọ Xuyên, Xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên) rầu lòng bên ruộng dưa hấu non bị chết héo.   Ảnh: Văn Sự

Giống không thích ứng khí hậu?

Cầm những dây dưa hấu non bị chết héo giơ lên cho tôi xem, ông Đỗ Đăng Phong, một người dân ở xã Duy Châu (huyện Duy Xuyên) lắc đầu: “Gần cuối tháng 11 âm lịch vừa rồi, vợ chồng tui đồng loạt xuống giống 6 sào dưa ni. Nhờ đất đai màu mỡ, chủ động nước tưới nên cây dưa sinh trưởng và phát triển rất tốt. Thế nhưng, trong vòng 2 tuần trở lại đây, khi nó bắt đầu ra hoa, kết trái rộ thì bệnh héo xanh vi khuẩn, nứt dây xì mủ bùng phát mạnh khiến hàng loạt diện tích bị chết với tốc độ rất nhanh. Suốt những ngày qua tui đã mua nhiều loại thuốc đặc hiệu để phun trừ nhưng tới giờ chừ vẫn chưa ngăn chặn được tình trạng này”.

Vụ đông xuân năm ngoái, nhờ sâu bệnh không hoành hành, năng suất cao, giá bán hấp dẫn, trừ mọi khoản chi ông Phong lãi ròng 20 triệu đồng từ 6 sào đất chuyên canh dưa hấu ấy. Còn bây giờ, do chưa tìm được phương pháp chữa trị hữu hiệu nhất nên cây dưa tiếp tục chết khiến ông nơm nớp lo 18 triệu đồng vốn đầu tư mà mình đã bỏ vào đây có nguy cơ mất trắng. Không chỉ ông Phong, lội trên cánh đồng Cân Banh rộng mênh mông này, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh nông dân rầu lòng bên những ruộng dưa hấu non bị chết héo.

Ngược lên thôn La Tháp Tây của xã Duy Hòa (Duy Xuyên), tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn. Nhiều nông dân địa phương này cho biết, từ sau rằm tháng Giêng đến nay, đã có ít nhất 80 sào dưa hấu bị chết dây khiến không ít gia đình lâm cảnh khốn đốn. Nhận tin báo, ngành bảo vệ thực vật Quảng Nam và huyện Duy Xuyên đã cắt cử nhiều cán bộ kỹ thuật về tận nơi lấy mẫu bệnh đưa đi xét nghiệm nhưng rốt cuộc vẫn không tìm ra được nguyên nhân. Và, một nghi vấn đã được đặt ra rằng, rất nhiều khả năng dưa chết là do giống không thích ứng với thời tiết khắc nghiệt.

Duy Xuyên không là cá biệt, hàng trăm hộ dân ở huyện Điện Bàn cũng đang nặng trĩu âu lo trước tình trạng những ruộng dưa hấu non bị chết ẻo càng lúc càng nhiều. Lom khom nhổ bỏ hàng chục dây dưa khô ráp, ông Trần Cảnh Nam (thôn Khúc Lũy, xã Điện Minh) thở dài: “Giữa tháng Chạp, vợ chồng tôi mua hạt giống dưa hấu Trang Nông 12 về trỉa trên cả thảy 5 sào đất màu. Tuy nhiên, thời điểm đó, do mưa lạnh kéo dài khiến tỷ lệ nẩy mầm chỉ đạt 40- 50%. Ra tết, nhờ trời liên tục nắng ấm nên những diện tích nẩy mầm được có chiều hướng sinh trưởng rất khoẻ. Khổ thay, chưa kịp mừng thì vài ngày nay bệnh héo xanh vi khuẩn xuất hiện và gây hại trên diện rộng làm cho những dây dưa đang ra trái non bị chết trụi. Để vớt vát số vốn đã bỏ ra, chừ phải làm đất rồi mua giống dưa An Tiêm về trồng lại. Thà trễ vụ còn hơn không kiếm được xu mô”.

Theo ngành nông nghiệp Quảng Nam, gần đây bệnh nấm hạch, sương mai, thối nhũn, thán thư, sâu tơ, rệp, sâu xanh, bọ nhảy, sâu khoang, bệnh nứt thân xì mủ, sâu gập lá, sâu đục dây, sâu ăn lá... cũng đã gây hại rải rác gần 70 ha bắp, khoai lang, bông vải và một số loại rau đậu thực phẩm khác ở rất nhiều nơi trên địa bàn tỉnh này.

Đâu riêng gì ông Nam, dạo khắp cánh đồng chuyên canh dưa hấu Vĩnh Hoà thuộc xã Điện Minh này, không khó để chúng tôi tìm gặp những nông dân đang “héo lòng” vì dưa hấu chết héo. Ngoài 2 địa phương trên, theo ngành nông nghiệp Quảng Nam, thời gian gần đây bệnh héo rũ, lở cổ rễ, sương mai cũng đã gây hại cục bộ và rải rác trên 20 ha (400 sào) dưa hấu non tại nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh; trong đó huyện Đại Lộc có diện tích nhiều nhất...

Đậu phụng, ớt cũng chung "số phận"

Đứng nhìn 2 sào đậu phụng bị chết từng vạt, giọng ông Huỳnh Kịp (thôn Xuyên Tây 2, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) buồn thiu: “Mất mùa rồi. Trước tết, mưa lạnh triền miên làm cho cây đậu chậm phát triển. Chừ nó vừa mới ra gươn (hoa) thì bệnh héo xanh vi khuẩn, lở cổ rễ, héo rũ gốc mốc đen bùng phát mạnh khiến hàng loạt dây bị chết khô”.

Vụ đông xuân năm ngoái, nhờ nguồn giống đảm bảo chất lượng, các loại bệnh nguy hiểm vừa nêu không xuất hiện, thời tiết lại rất thuận lợi nên bình quân mỗi sào ông Kịp lặt được 180 kg đậu phụng tươi. Còn nay, theo ông, họa may thu về chừng 60% con số trên là cùng.

Đâu chỉ mình ông Kịp, hàng trăm hộ dân khác ở Duy Xuyên cũng đang lao đao trước tình cảnh này. Ông Nguyễn Văn Đáng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Duy Xuyên cho biết, những ngày qua bệnh lở cổ rễ, héo xanh vi khuẩn đã tấn công hơn 60 ha đậu phụng đang trong giai đoạn kết trái nằm dọc trên các biền bãi ven sông Thu Bồn. Theo ông Đáng, do rất nhiều diện tích bị chết ẻo nên chắc chắn năng suất đậu sẽ giảm 30% so với cùng vụ sản xuất năm ngoái.

Theo thống kê mới nhất của Phòng Kỹ thuật Chi cục BVTV Quảng Nam) thì hiện nay tại nhiều địa phương đã có tổng cộng 277 ha đậu phụng bị bệnh héo xanh vi khuẩn, lở cổ rễ, nấm gốc mốc đen, sâu khoang, nấm gốc mốc trắng gây hại.

Ngoài cây đậu phụng, nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đang phập phồng nỗi lo thất thu vụ ớt. Vụ này, vợ chồng ông Nguyễn Văn Ninh (thôn Thọ Xuyên, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên) làm tổng cộng 7 sào ớt Hàn Quốc và Trang Nông. Bây giờ, toàn bộ số diện tích ớt ấy đã ra trái non. Dự kiến, không đầy 1 tháng nữa là tiến hành thu hoạch rộ. Tuy nhiên, vài ngày trở lại đây chẳng hiểu bị nhiễm bệnh gì mà ruộng ớt của ông Ninh bị vàng lá rồi chết rải rác. Ông Ninh lo lắng: “Thấy ớt đột nhiên héo úa, tui lập tức mua thuốc về phun 2 lần rồi nhưng cây vẫn cứ tiếp tục chết. Kiểu ni sản lượng giảm 20- 30% là điều khó tránh khỏi”.

Theo thông tin chúng tôi có được, thời điểm này bọ trĩ, bệnh lở cổ rễ, héo xanh vi khuẩn, thối gốc cũng đang bùng phát trên 800 sào ớt các loại tại huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên và TP Tam Kỳ với tỷ lệ hại bình quân 3- 10%, thậm chí nhiều vùng ở  Đại Lộc lên đến 15%...

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.