| Hotline: 0983.970.780

Heo nái nuôi con trên đệm lót sinh học

Thứ Năm 30/10/2014 , 08:15 (GMT+7)

Heo nái sau cai sữa 2 - 3 ngày đã lên giống thay vì 5 - 7 ngày theo phương thức nuôi cũ. Đặc biệt, heo nái không còn hiện tượng chết đột ngột do phải phun thuốc sát trùng.

Chăn nuôi trên đệm lót sinh học (ĐLSH) phù hợp với đặc điểm giữa heo mẹ và heo con (cần mát của heo nái nuôi con và cần ấm của heo sơ sinh trong cùng một chuồng), anh Vũ Ngọc Bích, chủ trại heo Trang Linh tại ấp Nhân Tâm, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã bước đầu thành công với mô hình mới mẻ này.

Đàn heo nái 200 con của anh Bích được nuôi trên ĐLSH sau gần 1 năm cho thấy chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ và không có mùi hôi. Bầy heo con mới sinh giảm tối đa bệnh tật, từ đó giảm tiền thuốc thú y.

Theo anh Bích, nền chuồng luôn được làm ấm bởi vô vàn các vi sinh vật có lợi nên heo con không bị lạnh, bệnh tiêu chảy từ 70% giảm còn 10%.

Bệnh viêm phổi ở heo và viêm khớp hầu như không có. Đối với heo nái nuôi con thì mau lên giống, heo nái sau cai sữa 2 - 3 ngày đã lên giống thay vì 5 - 7 ngày theo phương thức nuôi cũ. Đặc biệt, heo nái không còn hiện tượng chết đột ngột do phải phun thuốc sát trùng.

Lý giải vấn đề này, anh Bích cho rằng ở phương thức nuôi cũ, heo mẹ phải thường xuyên hít phải các khí độc này trong lúc cơ thể còn yếu do sau sinh. Mặt khác nuôi heo nái trên ĐLSH còn giúp tiết kiệm điện, nước, công nhân, hạn chế tối đa ruồi muỗi.

Chính phủ đã có Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 4/9/2014 về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020, trong đó có nội dung hỗ trợ đến 50% giá trị làm ĐLSH xử lý chất thải chăn nuôi với mức hỗ trợ lên đến 5 triệu đ/hộ.

Với quy mô 90 heo nái trước đây, hàng tháng anh cần tới 2 công nhân và phải trả 1 triệu đồng tiền điện nước. Còn hiện nay với quy mô 200 heo nái, hàng tháng anh cũng chỉ cần 2 công nhân và chỉ phải trả 800 ngàn tiền điện nước.

Một ưu điểm nổi bật của mô hình này là tỷ lệ heo con cai sữa lúc 21 ngày tăng khoảng 10% so với cách nuôi cũ, cụ thể là từ 88% lên 98%. Như vậy với quy mô 200 heo nái, hàng năm trang trại của anh Bích có thêm 600 heo con cai sữa so với phương thức nuôi truyền thống. Từ kết quả này, trong năm tới anh dự kiến sẽ mở rộng mô hình.

Kinh nghiệm làm đệm lót cho heo nái nuôi con trên ĐLSH của anh Bích như sau: Heo nái được thiết kế nằm trong ô chuồng mà nền bằng bê tông kích cỡ 0,6 m x 2,2 m, hai bên được thiết kế 2 ô ĐLSH cho heo con bú mẹ, kích cỡ mỗi ô 0,8 m x 2,2 m với nền đệm lót là nền đất đầm chặt, phẳng. Cơ chất làm đệm lót là mùn cưa được kiểm soát, vệ sinh kỹ với độ dày 30 cm được ủ bằng men Balasa No1 theo hướng dẫn của nhà SX. Cần chú ý hạn chế tối đa nước uống của heo mẹ, heo con chảy ra làm ướt nền đệm lót.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.