| Hotline: 0983.970.780

Hết bí nhờ "chú tý"

Thứ Tư 01/02/2012 , 10:33 (GMT+7)

Theo chân những lái chuột từ Campuchia đổ vào Việt Nam, chúng tôi phát hiện có những làng ở miền Tây gần như 100% người dân làm nghề liên quan đến chuột.

Theo chân những lái chuột từ Campuchia đổ vào Việt Nam, chúng tôi phát hiện có những làng ở miền Tây gần như 100% người dân làm nghề liên quan đến chuột.

>> Chuột ngoại tràn biên

Nhà nhà thịt chuột

Về huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, hỏi thăm làng Phù Dật không ai không biết. Ngôi làng nằm bên dòng kênh Phù Dật, ven QL91 nối thành phố Long Xuyên (An Giang) với thị xã Châu Đốc. Sở dĩ nó được nhiều người biết đến bởi đây là ngôi làng chuyên làm thịt chuột, là đầu mối cung cấp chuột lớn nhất miền Tây.

Chúng tôi đến Phù Dật khi nắng chiều đã ngả. Đây là lúc xe tải chở chuột từ các nơi bắt đầu về, dưới dòng kênh Phù Dật, những chiếc xuồng máy chất đầy lồng chuột cũng vừa cập bến nên mọi người ai cũng tất bật. Đây đó những người đàn ông cởi trần đang khệ nệ khiêng những lồng chuột trên xe tải xuống. Suốt dọc đường thôn, từng nhóm người đang hí húi ngồi làm thịt chuột… Tiếng cười nói rôm rả, tiếng dao kéo sắc ngọt và tiếng chuột kêu chí chóe đan xen tạo thành một thứ âm thanh hỗn tạp mà tôi không biết gọi là gì.

Cảnh làm chuột nhộn nhịp ở làng chuột Phù Dật

Do công việc mổ chuột đơn giản, không nặng nhọc nên có khá nhiều người lớn tuổi tham gia. Bà Lê Thị Tám, năm nay 65 tuổi, đã có hơn 30 năm trong nghề mổ chuột cho biết: “Nghề này thu nhập không cao nhưng được cái quanh năm suốt tháng lúc nào cũng có việc làm. Tính công theo sản lượng, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít nên ăn thua tay nghề. Ngày xưa tôi làm một buổi có thể được 500 con chuột, nhưng giờ lớn tuổi nên làm chậm hơn rồi, một ngày kiếm chừng 70 ngàn”.

Thu nhập của những người chuyên đi săn chuột cao hơn. Người có kinh nghiệm, sức khỏe và chịu khó thì một ngày có thể kiếm vài trăm ngàn. Bên cạnh những lao động lớn tuổi, còn có không ít trẻ em cũng làm việc như một người lớn. Trong số này, nhiều em đã bỏ học. Gặp cô bé Thu Huệ, 11 tuổi đang ngồi làm chuột, đôi tay cầm kéo khéo léo và nhanh thoăn thoắt, tôi hỏi: “Cháu làm lâu chưa mà giỏi vậy?”. Huệ đáp: “Dạ con làm được 2 năm rồi, mỗi buổi con làm được 30 ngàn”. “Cháu còn đi học không?”, “Dạ không, con bỏ lâu rồi”. “Có nhiều bạn nghỉ học giống như cháu không?”, "Dạ cũng… có”.

Ngoài những lao động làm thuê kiếm tiền độ nhật qua ngày, ở Phù Dật, đã có không ít triệu phú đi lên nhờ làm đại lý thu gom chuột, nhiều gia đình đã sắm được xe tải để đi chở chuột từ các nơi về. Sáp đến bên cạnh một người đàn ông dang ngồi xổm, thò tay vào lồng chuột lôi ra từng con giập chết, tôi hỏi: “Căn nhà 3 tầng kia của ai mà đẹp quá vậy chú?”, ông đáp: “Của ông Tuấn, “trùm” chuột vùng này đấy. Vợ chồng ổng chỉ thu gom chuột thôi mà xây nhà to, mua 2 chiếc xe tải chỉ chuyên chở chuột. Ổng mua được mấy miếng đất nữa. Ở đây ngày nào ổng cũng phải thuê hơn 30 nhân công mới làm hết việc. Lúc cao điểm mùa chuột, một ngày ổng kiếm lời cả chục triệu chứ chẳng chơi”.

Một ông “vua chuột” khác ở Phù Dật cũng nổi tiếng không kém là anh Khánh Duy. Do đã từng có thời gian dài sống ở Campuchia, thành thạo tiếng bản địa và đường đi lối lại nên anh Duy thường xuyên sang Campuchia lùng sục khắp nơi để thu gom chuột. “Mỗi ngày tôi thu mua từ 3 - 4 tấn chuột sống. Sau khi phân loại, bán sống, tôi còn tạo việc làm cho hơn 20 lao động là người già, phụ nữ, người kém sức khỏe, trẻ em lúc rảnh cũng có thể đến làm kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Trung bình một buổi họ cũng kiếm được vài chục ngàn”.

Mỗi ngày lột da cả chục tấn chuột

Tôi tìm gặp ông Nguyễn Duy Lộc, Trưởng ấp Bình Chiến giữa lúc ông đang ngồi một mình, miệng phì phèo điếu thuốc rê, tay vân vê chòm râu bạc, dáng vẻ thư thái. Ông Lộc nói: “Phù Dật có hơn 700 hộ thì có ngót 600 hộ theo “nghề” chuột rồi. Bình quân mỗi ngày Phù Dật tiêu thụ cả chục tấn chuột. Nhờ có chuột mà nhiều hộ đã thoát nghèo, đời sống ngày càng nâng lên, giảm bớt gánh nặng hỗ trợ cho chính quyền địa phương. Không ít hộ đã làm giàu từ con chuột đấy".  

Chuột cống nhum, nhìn chẳng khác gì một chú heo con

Làm nghề chuột chỉ những người có vốn chuyên thu mua mới giàu được, họ chỉ việc ở nhà thu gom chuột, thuê nhân công làm thịt rồi có lái đến mua ngay. Còn làm các công việc như đi săn bắt kiếm ngày vài trăm, làm thịt chuột kiếm ngày vài chục thì chỉ đủ sống hoặc kha khá chứ không giàu nổi. Được cái công việc ổn định, không kén người, già trẻ, gái trai, ai cũng có thể làm. Ở Phù Dật còn có mấy cô gái trước kia là gái bán dâm bên Campuchia, từng sống tủi nhục không dám nhìn ai. Nay đã thay đổi hoàn toàn và đang có công việc rất ổn định là làm thịt chuột.

Theo chỉ dẫn của ông Lộc, tôi tìm gặp người phụ nữ tên K.M lúc chị đang vừa trông đứa con gái chừng hơn 1 tuổi ngồi trong chiếc nôi nhỏ vừa làm thịt chuột. Nghe tiếng chào, chị ngẩng mặt lên nhìn tôi và mỉm cười chào lại. Tôi khá bất ngờ bởi khuôn mặt thanh tú của chị. Nét đẹp dường như mới vừa rời bỏ chị cách đây chưa lâu.

 Sau một hồi e ngại, cuối cùng chị cũng ngừng tay làm, ánh mắt xa xôi và dần ngấn lệ, chị kể: “Quê em ở Tịnh Biên, gia đình đông anh chị em lại quá nghèo, em chỉ mới học hết vỡ lòng đã phải bỏ học. Năm 16 tuổi, một chị trong thôn đang sống ở Campuchia về chơi, thấy em xinh nên chị bảo em sang bên đó làm dễ kiếm tiền lắm. Sang làm thử, nếu không thích thì về coi như đi chơi một chuyến. Lúc đó em còn quá nhỏ để phân biệt đúng sai nên nghe lời chị ta. Thế rồi, chuyến đó tưởng chỉ đi vài ngày thôi, ai dè mãi hơn 3 năm sau mới về với thân tàn ma dại. Người giúp em thoát khỏi cuộc sống ô nhục đó là chồng em bây giờ".

 Chị kể tiếp: "Hồi đó anh sang mua chuột về bán, tình cờ gặp em trong xóm nhà thổ, anh ấy mến. Từ đó, lần nào sang anh cũng gặp em để tặng quà, khi thì một hộp bánh, lúc lại mấy chai dầu gội, xà bông tắm… mỗi lần gặp anh lại thuyết phục em bỏ nghề về với anh. Đến giờ nghĩ lại em vẫn không tin nổi là anh có thể yêu và lấy một người như em. Thật may mắn là em đã quyết định đúng khi theo anh về đây. Đến nay tụi em đã sống chung được 3 năm và có một công chúa rất xinh đẹp”.

Do thường xuyên tiếp xúc với mùi chuột, lông chuột nên ở Phù Dật có rất nhiều người mắc các bệnh về đường hô hấp. Việc giết mổ chuột tràn lan, không có qui trình bảo đảm an toàn vệ sinh, người dân trong quá trình giết mổ thường xả thải ngay ra đường hoặc xuống kênh Phù Dật đã gây ô nhiễm môi trường.

Nói đến đây, chị mỉm cười, nét mặt rạng ngời hạnh phúc. Đáng mừng là sau khi may mắn mỉm cười với mình, chị M vẫn không quên những người chung cảnh ngộ với chị trước kia và hiện còn đang “hành nghề” bên Campuchia trở về làm chuột cùng chị. “Nhờ đám chuột này mà mình thoát cảnh bùn nhơ, mới có cuộc sống như ngày hôm nay. Cho nên dù không trực tiếp hóa kiếp chuột, em vẫn rất náy náy trong lòng khi lột da nó. Nhưng nếu không làm công việc này thì biết làm gì bây giờ?”, chị giãi bày.

Một trường hợp khác đã thoát cảnh “lầm đường lạc lối” nhờ chuột nữa là người thanh niên 28 tuổi Nguyễn H. Là một thanh niên lêu lổng, bỏ học từ nhỏ, H không biết làm gì nên thường tụ tập bạn bè ăn nhậu, cờ bạc và đi … cướp rồi lãnh án tù. “Hết thời gian cải tạo, tôi trở về và quyết làm lại cuộc đời, nhưng chỉ có 2 bàn tay trắng, nghề nghiệp cũng không, biết làm gì đây? Cuối cùng, trong lúc chưa nghĩ ra phải đi làm gì, tôi ra chợ mổ chuột thuê. Thấy tôi nhanh nhẹn, hoạt bát nên ông chủ thương tình cho vay tiền đi học lái xe. Bây giờ tôi chuyên lái xe đi thu gom chuột cho vựa Ba Tuấn. Thu nhập cũng được ngót 4 triệu tháng”, H tâm sự.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.