| Hotline: 0983.970.780

Hiểm họa khôn lường khi ăn tiết canh và sản phẩm động vật chưa nấu chín

Thứ Năm 04/02/2016 , 21:34 (GMT+7)

Bộ Y tế cảnh báo một số bệnh rất có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán như nhiễm giun sán và các loại vi khuẩn gây ngộ độc khác.

Trong thời gian gần đây, diễn biến của dịch bệnh cúm gia cầm trên thế giới rất phức tạp, nhiều quốc gia có nền chăn nuôi gia cầm tiên tiến như Hoa Kỳ và một số nước Châu Âu cũng bị vi rút cúm gia cầm tấn công, gây dịch trên diện rộng và làm hàng chục triệu con gia cầm phải tiêu hủy.

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), năm 2015, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xảy ra tại 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm: Bhutan, Bungaria, Burkina Faso, Căm-pu-chia, Canada, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Pháp, Ghana, Ấn Độ, Iran, Isreal, Kazakhstan, Libya, Miến Điện, Niger, Nigeria, Palestine, Romania, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Việt Nam; dịch cúm A/H5N6 đã xảy ra tại Trung Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), Lào và Việt Nam.

Ngoài ra, các chủng vi rút cúm gia cầm độc lực cao khác cũng đã được phát hiện tại nhiều quốc gia như cúm A/H5N2 tại Canada, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Pháp, Mỹ; cúm A/H5N3 tại Đài Loan (Trung Quốc); cúm A/H5N8 tại Canada, Đài Loan (Trung Quốc), Đức, Hungary, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Nga, Thụy Điển, Anh và Mỹ; cúm A/H5N9 tại Pháp; cúm A/H7N3 tại Mexico; cúm A/H7N7 tại Đức và Anh.

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế: Trong thời gian qua, đã xuất hiện nhiều chủng cúm gia cầm trong đó có một số chủng lây truyền sang người gây số mắc và tử vong cao, khó khống chế.

Điển hình là bệnh cúm gia cầm A(H7N9), ghi nhận từ năm 2013 tại Trung Quốc đến nay vẫn chưa khống chế được. Ngày 11/1/2016, WHO thông báo 10 ca mắc cúm A(H7N9) tại Chiết Giang (6), Giang Tô (2), Quảng Đông (1) và Giang Tây (1) trong đó 3 trường hợp tử vong.

Tích lũy đến ngày 11/1/2016, trên thế giới ghi nhận 693 trường hợp mắc, trong đó có 278 trường hợp tử vong: Trung Quốc (673), Đài Loan (4), Hồng Kông (13), Malaysia (1), Canada (2).

Như vậy, dịch bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp và có nguy cơ cao xâm nhập vào Việt Nam, vì nước ta có đường biên giới dài với Trung Quốc, đặc biệt dịch đã xảy ra tại tỉnh Quảng Đông, nơi có sự giao lưu thương mại rất lớn với Việt Nam, trong khi việc buôn bán gia cầm nhập lậu giữa hai quốc gia còn xảy ra.

Còn đối với dịch cúm gia cầm A(H5N1) đã xảy ra từ năm 2003 đến nay và vẫn đang lưu hành tại 16 quốc gia. Đặc biệt, trong năm 2015 vẫn ghi nhận 143 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 42 trường hợp tử vong: Ai Cập (136/39), Trung Quốc (05/01), Indonesia (02/02). Tính từ năm 2003 đến nay, tổng số có 844 trường hợp mắc bệnh và đã có 449 ca tử vong. Ngoài ra, đối với bệnh cúm gia cầm A(H9N2) và A(H5N8) cũng đã ghi nhận trên gia cầm tại Trung Quốc.

Ở nước ta, theo Cục Thú y Việt Nam, chúng ta không thể chủ quan trước dịch bệnh cúm gia cầm, nhất là dịp Tết Nguyên đán bởi các lý do sau đây:

1. Về tình hình lưu hành bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao:

* Từ đầu năm 2015 đến hết tháng 1/2016, các cơ quan thú y của Việt Nam đã phát hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 12 tỉnh, thành phố làm trên 56 ngàn con gia cầm mắc bệnh, tiêu hủy. Bên cạnh đó, các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 cũng đã được phát hiện tại 14 tỉnh, thành phố buộc địa phương phải tiêu hủy trên 36 ngàn con gia cầm.

* Theo kết quả giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 và A/H7N9 do Cục Thú y và Tổ chức Nông nghiệp - Lương thực (FAO) phối hợp thực hiện trong năm 2015 tại 30 tỉnh, thành phố cho thấy:

- Tất cả 30 tỉnh, thành phố đều có lưu hành vi rút cúm A, trong đó 23/30 tỉnh có lưu hành vi rút cúm A/H5 (chiếm tỷ lệ 76,67%); 9/30 tỉnh có lưu hành vi rút cúm A/H5N1 (chiếm tỷ lệ 30,00%) và 16/30 tỉnh có lưu hành vi rút cúm A/H5N6 (chiếm tỷ lệ 53,33%).

- Tại 62 chợ buôn bán gia cầm sống, có 61/62 chợ phát hiện vi rút cúm A (chiếm tỷ lệ 98,39%); 32/62 chợ phát hiện vi rút cúm A/H5 (chiếm tỷ lệ 51,61%), 9/62 phát hiện vi rút cúm A/H5N1 (chiếm tỷ lệ 14,52%) và 25/62 chợ phát hiện vi rút cúm A/H5N6 (chiếm tỷ lệ 40,32%). Chưa phát hiện vi rút cúm A/H7 tại Việt Nam.

- Đối với các đàn gia cầm bán tại chợ gia cầm sống: Tỷ lệ gà dương tính với vi rút cúm A là 32,20%, cúm A/H5 là 2,61%, cúm A/H5N1 là 0,45% và cúm A/H5N6 là 1,59%; tỷ lệ vịt dương tính với vi rút cúm A là 36,61%, cúm A/H5 là 10,64%, cúm A/H5N1 là 1,26% và cúm A/H5N6 là 9,38%.

Như vậy, hiện nay vi rút cúm A/H5N1, A/H5N6 cũng đã lưu hành rộng rãi ở hầu khắp các địa phương, gây ra nhiều ổ dịch lâm sàng và có tỷ lệ lưu hành rất cao trong đàn gia cầm, đặc biệt là đàn vịt có tỷ lệ lưu hành vi rút cúm A/H5N1, A/H5N6 lần lượt là 1,26% và 9,38%.

Những đàn gia cầm này mang vi rút cúm nhưng vẫn khỏe mạnh và không có dấu hiệu của bệnh cúm gia cầm. Do vậy, nguy cơ vi rút cúm trong đàn gia cầm sẽ truyền lây dịch bệnh cho người là rất cao thông qua việc ăn tiết canh, ăn thịt, trứng gia cầm chưa qua chế biến kỹ,...

2. Tình hình lưu hành các dịch bệnh truyền lây khác từ gia súc sang người:

Theo thông báo của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Năm nào bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc bệnh nhiễm khuẩn liên cầu lợn và phần lớn bệnh nhân đều rơi vào tình trạng nguy kịch tính mạng.

Đặc biệt, trong năm 2015 đã ghi  nhận 96 trường hợp mắc bệnh do liên cầu lợn, trong đó có 13 trường hợp tử vong (năm 2015 số ca mắc bệnh tăng 51 trường hợp và số ca tử vong tăng 5 trường hợp so với năm 2014). Nguyên nhân chính là do thói quen ăn tiết canh, ăn thịt sống và ăn uống không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; bởi vì, hầu hết lợn mang vi khuẩn liên cầu lợn nhưng không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Ngoài các ca bệnh nhiễm khuẩn liên cầu lợn, Bộ Y tế cũng cảnh báo một số bệnh rất có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán như nhiễm giun sán và các loại vi khuẩn gây ngộ độc khác.

Để chủ động phòng tránh những mầm bệnh có thể truyền lây từ động vật sang người, đặc biệt là vi rút cúm gia cầm, liên cầu khuẩn ở lợn, vi khuẩn nhiệt thán (gây bệnh than ở người), xoắn khuẩn Lép tô,.., tất cả mọi người cần thực hiện phương châm ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh động vật, không ăn sản phẩm động vật chưa qua chế biến kỹ, chỉ giết mổ và tiêu thụ động vật có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y, không giết mổ động vật nghi mắc bệnh hoặc bị chết mà không rõ nguyên nhân; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi tiếp xúc với động vật; nếu nghi ngờ bị mắc bệnh hoặc có các dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với động vật hoặc sau khi ăn sản phẩm động vật thì phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn kịp thời.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mộc Châu chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ký Quyết định công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.