| Hotline: 0983.970.780

Hiểm họa phân Kali giả tràn lan

Thứ Tư 11/01/2012 , 10:53 (GMT+7)

Những vụ làm phân kali giả bị phát hiện cho đến nay chỉ là con số rất ít so với thực tế.

Bao bì của phân MOP là phân kali do Vinacam sản xuất, cung ứng

Ngày 22/12/2011, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long phát hiện xe tải 63L 9598 do tài xế Lê Văn Hết, ngụ xã Dưỡng Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang điều khiển chở 400 bao phân kali giả nhãn hiệu TSC (Cty CP VTNN Cần Thơ).

Đây không phải là lần đầu tiên phát hiện phân kali giả, ngày 10/5/2011, lực lượng quản lý thị trường và công an quận 12, TP Hồ Chí Minh bắt quả tang ổ đang tổ chức sản xuất phân kali nhãn hiệu TSC tại địa chỉ 343/1A đường T15, KP4, phường An Phú Đông do bà Nguyễn Thị Lệ làm chủ với số thành phẩm đã may bao hoàn chỉnh là 141 bao cộng với 6.753 kg đã “chế biến” nhưng chưa đóng bao cộng với 20 kg phẩm màu, hàng tấn bột đá.

Ba công nhân là Phạm Ngọc Châu, Nguyễn Trường Giang, Sơn Điền cho biết được thuê pha trộn phân bón lĩnh lương theo ngày. Trước đó, bà Lệ đã thuê lại kho hàng của ông Nguyễn Văn Lâm để làm giả phân bón từ đầu tháng 5/2011 đến ngày phát hiện.

Trước đó nữa ngày 27/4/2011 lực lượng chức năng cũng đã phát hiện 300 bao phân kali loại 50kg/bao và vào ngày 2/8/2011 phát hiện 103 bao phân kali giả cũng nhái sản phẩm của công ty này, khi phân tích thì thành phần chỉ gồm muối ăn và phẩm màu.

Không chỉ làm giả nhãn hiệu TSC mà phân kali của các nhãn hiệu tên tuổi khác như Vinacam, Hà Anh, Cty CP Vật tư nông sản đều liên tục phát hiện có phân giả lưu hành trên thị trường. Ông Tuấn, Chủ tịch HĐQT của TSC cho biết ông có gọi 2 số điện thoại di động của bọn làm phân kali giả, chỉ cần gọi điện đến số điện thoại trên yêu cầu và thống nhất địa điểm giao nhận là bọn sản xuất phân giả sẽ có hàng giao ngay trong 24 giờ, bất kể lô hàng giả yêu cầu lên đến hàng trăm tấn.

CƠ QUAN CHỨC NĂNG BẬN GÌ?

Những vụ làm phân kali giả bị phát hiện trên chỉ là con số rất ít so với thực tế. Nhiều ngày này, người dân trên địa bàn ngã ba Tân Vạn, ranh giới giữa Đồng Nai và Bình Dương rất bức xúc về việc cách đây 10 ngày, đã mật báo cho chính quyền một cơ sở chuyên sản xuất phân kali giả trên địa bàn nhưng cho đến tận nay, cơ sở trên vẫn sản xuất ì xèo, xe ba gác vẫn tấp nập vào ra.

Tương tự, tại xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp, người dân cũng đã mật báo cho chính quyền việc một đại lý bán phân kali giá rẻ bất ngờ, chỉ bằng 80% giá thực với số lượng hàng trăm bao mỗi ngày nhưng cũng đã hơn một tuần mà chưa thấy ai tới sờ gáy bọn bất lương.

Châu Thành, An Giang cũng có hiện tượng tương tự khi có nhiều người ra bán phân kali không hóa đơn với giá chỉ bằng 80% giá thực. Sóc Trăng, nơi dân rất chuộng kali Ixraen cũng có lời mời mua phân này, nếu hàng không có hóa đơn chỉ với giá 9.500 đ/kg (trong lúc giá thực là 12.000 đ/kg).

Điều khó hiểu là lực lượng quản lý phân bón của nhà nước rất đông nhưng vẫn không ngăn chặn, hạn chế được nạn làm phân giả. Gần như tất cả các vụ sản xuất làm phân giả được phát hiện khi doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả vì quyền lợi của mình đã khổ công điều tra và dẫn đường cho cơ quan chức năng vào cuộc, bắt quả tang.

CÁCH PHÂN BIỆT PHÂN KALI THẬT- GIẢ?

Khi nghi ngờ phân giả nên báo với nhà sản xuất theo số điện thoại in trên bao bì để nhận thưởng. Để bảo vệ sản phẩm của minh, Công ty CP Vinacam đang treo thưởng cao cho những ai phát hiện phân kali giả.

Trên thị trường hiện có nhiều loại phân bón, trong đó nhiều loại phân có giá trị cao hơn phân kali như DAP chẳng hạn, nhưng tại sao số lượng phân giả kali được phát hiện nhiều nhất. Câu trả lời là phân kali giả dễ làm nhất và với giá thành thấp nhất. Đối với phân urea, DAP người dân có thể tự kiểm tra được nhờ độ tan và mùi đặc trưng, còn với phân muối ớt (KCL) nhất là có xuất xứ từ Nga (CIS), Canada thì việc phát hiện sự khác biệt giữa phân kali thật với bột đá nhuộm phẩm màu khó khăn hơn.

Đấy là chưa kể bọn chúng trộn muối với bột gạch non nên càng khó phân biệt. Mặt khác, với chiêu bài chênh lệch giá giữa hàng có hóa đơn và hàng không có hóa đơn đã khiến cho một số nông dân mắc bẫy mà vẫn đinh ninh rằng mình mua được phân giá rẻ.

Để tránh mua phải phân kali giả, cần thiết phải: Không ham mua phân giá rẻ, phân trôi nổi không rõ nguồn gốc mà chỉ mua ở đại lý quen đã có uy tín, phải yêu cầu người bán xuất hóa đơn. Khi mua, phải kiểm tra kỹ các đặc điểm nhận dạng. Với phân kali của Israel (kể cả hàng hạt nhuyễn và hàng hạt miểng) đều khô rời gần như tuyệt đối, không đóng vón khi cầm nắm mạnh, hòa tan hoàn toàn trong nước mà không để lại cặn lắng, không có mùi vị lạ, không dây màu ra tay.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm