| Hotline: 0983.970.780

Hiến đất làm đường, thiệt đơn thiệt kép?

Thứ Tư 02/07/2014 , 08:15 (GMT+7)

Ba ông Nguyễn Văn Hò, Nguyễn Văn Gò, Phùng Văn Úy (đều ở làng Bích Chu, xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) hiến đất làm đường, chia phần đất nhà mình thành hai phần...

Nay Nhà nước thu hồi phần đất ngoài đê họ lại không được bồi thường. 

Theo đơn của ba ông Nguyễn Văn Hò, Nguyễn Văn Gò, Phùng Văn Úy (đều ở làng Bích Chu, xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) gửi Báo NNVN, thì vào khoảng năm 1960-1961, con đường dân sinh của làng Bích Chu đã bị nước sông Hồng gây sạt lở không còn sử dụng được.

Thấy cán bộ huyện về vận động hiến đất để mở đường dân sinh mới, 3 hộ đã nhiệt tình hưởng ứng, dành một phần thổ cư do cha ông để lại cho việc mở đường. Con đường dân sinh mới, chính là đê bối sông Hồng ngày nay, đã chạy qua thửa đất ở của 3 hộ, chia đất thành 2 phần, một phần phía trong đê bối và một phần ở ngoài.

Phần trong đê đã được 2 hộ Nguyễn Văn Hò, Nguyễn Văn Gò làm nhà, còn phần ngoài, họ vẫn sử dụng ổn định từ đó đến nay, không có tranh chấp. Diện tích phía trong đê của ông Phùng Văn Úy đã được ông chuyển nhượng cho người khác, và ông đã làm nhà trên diện tích đất ngoài đê để ở, cũng không có tranh chấp.

Cùng hiến đất để làm đường dân sinh mới với 3 hộ trên, thời đó, còn nhiều hộ khác nữa. Sau khi hiến đất, các hộ đó đều được giao đất tại vị trí khác để làm chỗ ở. Riêng 3 hộ Phùng Văn Úy, Nguyễn Văn Hò, Nguyễn Văn Gò thì đến nay vẫn chưa được giao.

Khi dự án kè đê sông Hồng, đoạn qua làng Bích Chu được triển khai, phần thổ cư nằm ngoài đê bối của 3 hộ trên bị thu hồi, nhưng họ không được bồi thường. Lý do: Đất của họ không có trong bản đồ địa chính của xã. 3 hộ trên đã có nhiều đơn gửi đến cấp có thẩm quyền, đề nghị xác minh lại nguồn gốc đất của họ, để họ được hưởng mức bồi thường theo chính sách của Nhà nước, nhưng không được giải quyết.

Chúng tôi đã gặp cụ Phạm Dương Học, trên 80 tuổi, năm 1960 là Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường. Cụ Học là người đã vận động 3 hộ trên hiến đất làm đường thời đó, và được cụ xác nhận đúng như vậy.

Cụ còn cho biết thêm, khi thấy 3 hộ trên không được bồi thường khi bị thu hồi đất, chính cụ đã lên huyện nói với ông Hồng, chủ tịch huyện, và sau đó là ông Hoàng Quốc Trị, phó chủ tịch huyện về việc này, đề nghị xem xét kỹ nguồn gốc diện tích bị thu hồi của 3 hộ để giải quyết cho đúng chính sách, tránh gây thiệt thòi cho dân, nhưng không được hai vị trên nghe theo.

Nếu lấy quyền lợi chính đáng của người dân làm gốc, thì mọi việc đều có thể giải quyết thỏa đáng, vừa hợp lòng người vừa phù hợp với quy định của pháp luật. Ông Thành cũng hứa sẽ giao cho địa chính xã thực hiện tiếp công việc trên, báo cáo với cấp có thẩm quyền để xem xét nguyện vọng của 3 hộ.

Để làm rõ nguyên nhân vì sao phần thổ cư nằm ngoài đê bối của 3 hộ không có trong bản đồ địa chính xã, chúng tôi đã gặp ông Trương Quốc Thương, trưởng đoàn đo đạc lập bản đồ địa chính xã An Tường. Ông Thương xác nhận:

- Năm 1993, thực hiện chỉ thị số 135 của Thủ tướng Chính phủ và quyết định số 450 của UBND tỉnh Vĩnh Phú (Phú Thọ và Vĩnh Phúc ngày nay) về việc chống lấn chiếm, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đến từng hộ dân, UBND huyện đã thành lập các đoàn đo đạc để xác định hiện trạng sử dụng đất của từng hộ.

Tôi là trưởng đoàn đo đạc của xã An Tường. Việc không đo, không đưa diện tích đất nằm ngoài đê bối của 3 hộ Nguyễn Văn Gò, Nguyễn Văn Hò, Phùng Văn Úy vào bản đồ là một thiếu sót của đoàn.

Năm 2004, ba hộ dân trên đã có “đơn đề nghị xác nhận đất thổ cư”, trình bày về nguồn gốc phần thổ cư ngoài đê bối của họ, gửi UBND xã An Tường, đề nghị UBND xã xác định cụ thể diện tích để bổ sung vào hồ sơ quản lý đất đai của xã.

Đơn của họ được ông Phạm Dương My, lúc đó là chủ tịch UBND xã, bút phê “Xác nhận đơn trình bày của gia đình ông Gò trên là thực. Giao cho ban địa chính xã kiểm tra xác định lại diện tích mảnh đất trên” (hai hộ Nguyễn Văn Hò, Phùng Văn Úy cũng đều được ông My bút phê như vậy).

Theo chúng tôi, bằng việc bút phê trên, người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ quan quản lý về mặt Nhà nước đối với đất đai trong xã, đã khẳng định dứt khoát rằng 3 hộ dân trên có đất thổ cư phía ngoài đê bối, và họ đã sử dụng hợp pháp, ổn định, lâu dài, không có gì phải tranh cãi là có hay không nữa.

Vấn đề là diện tích của từng hộ là bao nhiêu thì địa chính xã phải xác định và báo cáo bằng văn bản với UBND xã.

Làm việc với chúng tôi vào ngày 25/4/2014, chủ tịch đương nhiệm UBND xã An Tường Lê Xuân Thành cũng đồng ý với chúng tôi rằng, bản đồ địa chính và những tài liệu khác đều do con người lập nên. Và cái gì do con người làm ra thì con người cũng có thể chỉnh lý, bổ sung.

Trong việc giải quyết nguyện vọng của 3 hộ trên (được hưởng mức đền bù đúng chính sách khi bị thu hồi phần thổ cư ngoài đê bối), thì cái gốc chính là bút phê của cựu chủ tịch UBND xã Phạm Dương My. Cho đến nay địa chính xã vẫn chưa thực hiện nhiệm vụ do chủ tịch xã giao là xác định lại diện tích phần thổ cư đó của 3 hộ để bổ sung vào hồ sơ quản lý đất đai của xã.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất