| Hotline: 0983.970.780

Hiệp sỹ bị lãng quên

Thứ Tư 08/06/2011 , 10:57 (GMT+7)

Những năm qua, trong khi tỉnh Tây Ninh loay hoay tìm cách dẹp lục bình, thì những sáng kiến rất độc đáo và hiệu quả của một lão nông trong việc dọn dẹp đám “giặc” này, vốn đã được “vua biết mặt, chúa biết tên”, nhưng lại vẫn đang bị bỏ quên.

>> Cuộc chiến lục bình

Dùng dây mở lối qua sông

Ở ấp Nam Bến Sỏi (xã Thành Long, Châu Thành, Tây Ninh), nông dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa. Ngặt một nỗi trong khi nhà cửa quần tụ ở bên bờ nam, thì đồng ruộng lại tập trung chủ yếu bên bờ bắc của con sông Vàm Cỏ Đông. Đó là một cánh đồng rộng mênh mông, tới cả ngàn hec - ta. Hàng ngày, nông dân ấp Nam Bến Sỏi phải dùng ghe, xuồng bơi qua sông Vàm Cỏ Đông để chăm sóc lúa. Nhưng từ khi dòng sông này bị lục bình “chiếm đóng”, nông dân hầu như không thể qua sông bằng ghe xuồng được nữa, mà phải đi đường bộ vòng qua cầu Bến Sỏi để sang bờ bên kia. Đi đường bộ vừa xa, vừa khó đi, phải mất rất nhiều thời gian mới tới được chỗ ruộng lúa của mình.

Nhưng nhờ sợi dây cáp của lão nông Đặng Văn Đảnh (Tư Đảnh), nông dân Nam Bến Sỏi đã có thể qua sông như trước. Theo đó, đợi khi hết con nước ròng (nước chảy theo chiều từ thượng nguồn xuống hạ nguồn), Tư Đảnh cho người buộc một đầu dây cáp vào gốc một cây to ở bờ bên này rồi kéo cáp xuống xuồng, vừa đi vừa vớt lục bình để mở lối cho xuồng qua bờ bên kia, đồng thời dìm sợi dây cáp xuống dưới đám lục bình.

Khi tới bờ bên kia, đầu dây cáp còn lại sẽ được buộc chặt vào một gốc cây. Khi nước lớn (nước chảy theo chiều từ hạ nguồn lên thượng nguồn), đám lục bình phía hạ nguồn dây cáp sẽ bị sợi dây cáp chặn đứng lại, khiến cho phía thượng nguồn sợi cáp lộ ra một khoảng trống mặt nước có chiều dài chừng vài trăm mét. Lúc ấy, những ghe, xuồng của bà con đã “phục” sẵn bên bờ Nam Bến Sỏi được hối hả đưa xuống nước, chở người, chở máy móc, vật tư nông nghiệp sang bờ Bắc Bến Sỏi.

Hiệp sỹ cô đơn

Đầu năm 2008, trong một buổi tiếp xúc cử tri ở khu vực Bến Sỏi, khi nghe các vị có trách nhiệm giải trình với cử tri về việc chưa có giải pháp khả thi để dẹp lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông, rồi mời bà con nếu có sáng kiến dẹp lục bình thì gửi lên tỉnh. Vốn đã nghĩ ra cách dùng dây cáp đuổi lục bình, Tư Đảnh xung phong liền.

Tháng 3 năm đó, tỉnh tổ chức một cuộc họp, mời Tư Đảnh tới thuyết trình về cái dự án đuổi lục bình của ông. Tư Đảnh đã thuyết phục được UBND tỉnh Tây Ninh đồng ý cho ông làm thử nghiệm, với kinh phí vỏn vẹn 6 triệu đồng.

Sau thời gian đợi kinh phí và chuẩn bị dây cáp, phương tiện, đầu tháng 5/2008, Tư Đảnh tổ chức thử nghiệm đuổi lục bình trước sự chứng kiến của đại diện các sở, ngành, chính quyền địa phương và bà con chòm xóm. Và trước ánh mắt chứng kiến của hàng ngàn người, Tư Đảnh và nhóm thợ của ông đã thành công trong việc căng dây cáp ngang nước sông theo con nước, đuổi lục bình từ cầu Bến Sỏi cho tới cầu Gò Dầu ở huyện Gò Dầu, với tổng chiều dài tới mấy chục km.

Tận mắt chứng kiến tài nghệ đuổi lục bình của Tư Đảnh, lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải và Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Tây Ninh đều hài lòng, cho rằng đây là một giải pháp tối ưu. Niềm vui được nhân lên đối với Tư Đảnh khi UBND tỉnh Tây Ninh quyết định chọn phương án đuổi lục bình của ông và kêu ông dự trù kinh phí. Vốn bản tính chân chất, thật thà, sợ lãng phí tiền bạc Nhà nước, nên khi trở về nhà Tư Đảnh bỏ ra rất nhiều thời gian để tính toán chi phí đuổi lục bình một cách chi li nhất, chỉ có 141 triệu đồng.

Nếu so với những dự án bạc tỷ nhưng hiệu quả chưa biết thế nào mà một số doanh nghiệp đã từng đưa ra, thì rõ ràng, cách đuổi lục bình của Tư Đảnh rẻ hơn rất nhiều, mà hiệu quả thì đã thấy rõ. Thế nhưng, chính cái ý thức tiết kiệm ấy lại khiến cho dự án đuổi lục bình của Tư Đảnh đến giờ vẫn… nằm trên giấy. Tư Đảnh kể: “Khi tôi mang bản dự trù kinh phí đến các cơ quan chức năng, không hiểu sao lại bị từ chối. Thậm chí, có một cán bộ còn nói huỵch toẹt ra rằng dự án hàng tỷ đồng trở lên mới bõ duyệt, dự án của ông có chút xíu, chúng tôi làm chùa à?”.

Bị “treo” dự án đuổi lục bình suốt mấy năm qua, Tư Đảnh rất buồn, nhưng ông không nản chí. Sau đó, ông đã mày mò chế ra một cái băng tải để vớt lục bình. Băng tải này được đặt trên một chiếc ghe. Khi sắp có nước ròng, ghe đậu sát bờ nam. Một sợi dây cáp được buộc một đầu ở bờ nam, sát chỗ ghe đậu, còn đầu dây kia được kéo sang bờ bắc, chếch lên phía thượng nguồn rồi buộc vô bờ bên đó tạo thành hình chữ V. Khi nước ròng xuất hiện, dòng nước sẽ ép lục bình từ phía thượng nguồn vào sợi dây cáp, và dồn chúng vào đáy chữ V, là nơi chiếc ghe đang đậu. Chiếc băng tải đặt sẵn trên ghe, với thiết kế đặc biệt của Tư Đảnh, chỉ việc tự động hút lục bình vào rồi đưa lên bờ và đổ thẳng vô xe tải, cứ 10 phút, sẽ có 3 tấn lục bình được vớt lên. Khi con nước lớn, Tư Đảnh cho kéo dây cáp hình chữ V theo chiều ngược lại và cũng đạt hiệu quả tương tự.

Tư Đảnh ngồi trầm ngâm nhìn ra dòng sông Vàm Cỏ Đông ngay trước cửa nhà đang dầy đặc lục bình. Trong ánh nắng chiều nhàn nhạt, trông ông như một “hiệp sỹ” già, cô đơn trong cuộc chiến với lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông.

Cũng như lần trước, Tư Đảnh đã có cơ hội giới thiệu cái băng tải vớt lục bình cho lãnh đạo tỉnh và đại diện các sở, ngành liên quan. Quá ấn tượng với sáng chế của Tư Đảnh, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo Sở KH-CN làm hồ sơ đề nghị Bộ KH-CN cấp bằng sáng chế cho băng tải vớt lục bình này. Trong khi đang chờ đợi được cấp bằng sáng chế, Tư Đảnh bỗng bị dội một gáo nước lạnh khi bị một vị lãnh đạo ngành giao thông tỉnh phán một câu xanh rờn: “Không khả thi”.

Dù chưa được tỉnh duyệt và hỗ trợ kinh phí, hàng ngày, Tư Đảnh vẫn mang cái băng tải của mình đi vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông, suốt từ biên giới xuống tới huyện Trảng Bàng, theo hợp đồng mà ông đã ký với người dân, các chủ trang trại ở 2 bên bờ sông. “Đội quân” băng tải của Tư Đảnh hiện gồm 8 cái, mỗi cái một ngày có thể dọn được 80-100 tấn lục bình (tương đương với 1 km mặt nước sông được làm thoáng). Nhưng giá ký hợp đồng hơi thấp, chỉ 20.000 đ/tấn lục bình, thành ra, mỗi ngày, Tư Đảnh đang phải bù lỗ từ 300-400 ngàn đồng. Hỏi ông sao ký giá lỗ? Ông cười, bảo: “Vì Nhà nước có hứa sẽ hỗ trợ, nên mình chỉ ký giá mềm vậy thôi, nhưng chờ tới giờ vẫn chưa thấy hỗ trợ gì hết”. (Hết)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm