| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL

Thứ Sáu 22/02/2013 , 10:30 (GMT+7)

Ngày 26/3/2011, tại Cần Thơ, Bộ NN-PTNT đã phát động mô hình tổ chức SX cánh đồng mẫu lớn (CĐML) nhằm tạo nên vùng nguyên liệu hàng hóa đồng nhất quy mô lớn, giảm chi phí, thất thoát...

(Diễn giả: PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt; KS Hồ Quang Cua, PGĐ Sở NN-PTNT Sóc Trăng; ThS. Nguyễn Thị Kiều, PGĐ Sở NN-PTNT Cần Thơ).

NHÀ NƯỚC KHUYẾN KHÍCH, HỖ TRỢ

Ngày 26/3/2011, tại Cần Thơ, Bộ NN-PTNT đã phát động mô hình tổ chức SX cánh đồng mẫu lớn (CĐML) nhằm tạo nên vùng nguyên liệu hàng hóa đồng nhất quy mô lớn, giảm chi phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo tiền đề để xây dựng nền nông nghiệp bền vững theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa.

Chủ trương của Bộ NN-PTNT nhanh chóng được các cấp chính quyền các tỉnh Nam bộ nhiệt liệt ủng hộ với nhiều chính sách tùy theo đặc trưng của từng địa phương. Tại Cần Thơ, HĐND TP ra Nghị quyết 03 hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay ngân hàng thương mại (trong 2 năm đầu và 50% năm thứ 3) để người nông dân sắm 200 máy gặt đập liên hợp.

Tại Trà Vinh, người nông dân tham gia CĐML được hỗ trợ 40% giá trị giống. Tại Kiên Giang, người tham gia được hỗ trợ 4.150 đ/kg lúa giống (chênh lệch giữa lúa giống lúa thường và giống lúa xác nhận), 586.000 đ/ha tiền mua vật tư…

Theo số liệu của Cục Trồng trọt, diện tích CĐML ở khu vực Nam bộ đã tăng từ 6.000 ha (Vụ HT 2011) lên 76.000 ha (vụ ĐX 2012 - 2013).

Tại Cần Thơ, trong 2 năm, diện tích CĐML đã tăng gấp 30 lần, từ 400 ha năm 2011 lên hơn 11.000 ha. Ngoài 200 máy GĐLH được ngân sách hỗ trợ vốn, người dân còn tự bỏ tiền mua 178 máy nữa nâng tổng số máy GĐLH lên 556 máy nên 65% diện tích lúa vụ ĐX và HT, 90% lúa vụ TĐ đã được thu hoạch bằng máy.

HẤP DẪN NÔNG DÂN

Tuy còn nhiều e dè ở những ngày đầu vì nhiều nông dân vẫn còn ngán ngại cung cách làm ăn thời bao cấp trong tập đoàn SX, HTXNN trước đây. Thế nhưng diễn biến sau 2 năm cuộc vận động, mô hình CĐML đã thực sự hấp dẫn nông dân.

Ông Trần Văn Hoàng, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, Trà Vinh phát biểu: “Điều hấp dẫn đầu tiên là nông dân tham gia đuộc nhà nước hỗ trợ 40% giá trị giống; căn bản hơn là nông dân yên tâm hơn bởi có đội ngũ cán bộ nông nghiệp khuyến nông, BVTV và đội ngũ cán bộ kỹ thuật của DN theo dõi, hướng dẫn canh tác nên SX chắc ăn, năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn”.

Ông Quách Văn Quang, Chủ nhiệm HTX Vĩnh Biên, huyện Ngã Năm, Sóc Trăng chuyên SX lúa thơm ST 20 cho biết “Việc trồng lúa thơm đòi hỏi phải kỹ nhiều khâu, nhất là việc bón phân làm sao để không dư, không thiếu các nguyên tố đại lượng lẫn trung vi lượng. Sức đề kháng của các giống lúa thơm lại yếu hơn nên lúa dễ mắc bệnh. Bởi vậy khi tham gia CĐML, được sự giúp đỡ, tiếp sức của đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp thì việc chỉ đạo điều hành kỹ thuật trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả hơn”.

Tại Long An, mô hình CĐML đang đem lại niềm vui cho ông Nguyễn Văn Hết mà mọi người thường gọi là ông Út Hết và hàng trăm hộ nông dân khác ở ấp Gò Ớt, xã Tuyên Thạnh. Tết con rắn vừa qua, nhà ông Út vui hơn mọi năm vì ông đã trả được hết nợ nần, chuộc lại được số ruộng cũ phải cầm cố vì làm ăn thua lỗ nhờ vào 3 ha tham gia CĐML liên tục 3 vụ, năng suất lúa của ông Út Hết tăng từ 6 tấn/ha/vụ lên 7 - 7,5 tấn/ha, vốn đầu tư giảm gần 3 triệu đ/ha, cho nên lợi nhuận tăng từ 15 triệu đ/ha lên hơn 20 triệu đ/ha.

Tại Cần Thơ, bình quân 1 ha lúa, thu nhập của người trồng lúa trong mô hình tăng thêm từ 3 - 6 triệu đồng, cá biệt có nơi tăng đến 15 triệu đ.

DOANH NGHIỆP HƯỞNG ỨNG

Điều đặc biệt là ngày càng có nhiều DN mua bán lúa gạo bao tiêu sản phẩm cho CĐML như Gentraco, Trung An, Lương thực Sông Hậu, Mekong… Các gạo đặc sản của VN như Nàng thơm chợ Đào, Lúa thơm Sóc Trăng, Nanh chồn Bạc Liêu có cơ hội trở thành các thương hiệu gạo trên thế giới.

Điều đặc biệt của mô hình này là được nhiều DN, từ DN nhà nước đến DN tư nhân đều hưởng ứng nhiệt tình, đặc biệt là các DN cung ứng vật tư đầu vào. Tham gia sớm nhất, quy mô nhất và bài bản nhất phải kể đến Cty CP Phân bón Bình Điền. Các CĐML mà Bình Điền tham gia tài trợ trải dài từ Bắc đến Nam. Các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận khoảng 400 ha; Tây Ninh, Đồng Nai 2.150 ha; các tỉnh Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Long An, Vĩnh Long, Kiên Giang 2.671 ha.

Sự hỗ trợ của Bình Điền cho CĐML chia làm 2 dạng, dạng chưa có HTX thì DN chỉ định một nhà phân phối cung ứng với giá rẻ hơn từ 20.000 - 30.000 đ/bao phân (bình quân 25.000 đ/bao). Những nơi đã thành lập HTX thì chính sách bán cho HTX này được chiết khấu như đại lý cấp 1, được chậm trả 4 tháng.

Ngoài ra, còn được đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Cty thăm đồng thường xuyên để hướng dẫn, bổ túc kỹ thuật canh tác nên tất cả nông dân đều đạt hiệu quả cao trên tất cả các mặt, năng suất và lợi nhuận..

Ngoài Bình Điền, các DN khác như Cty Phân bón Năm Sao, Cty Hóa nông Hợp trí, Cty CP BVTV An Giang, Cty Bayer Việt Nam… cũng tích cực tham gia tạo nên một cú hích lớn cho SX.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất