| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả chương trình '1 phải 5 giảm'

Thứ Ba 28/03/2017 , 13:14 (GMT+7)

Áp dụng giải pháp "1 phải 5 giảm" trong canh tác lúa, bà con nông dân ở ĐBSCL đã và đang thu được những kết quả tích cực.

Trước đây để nâng cao năng suất, chất lượng lúa, bà con nông dân một số tỉnh thuộc vùng ĐBSCL đã áp dụng biện pháp 3 giảm, 3 tăng, bước đầu mang lại nhiều lợi ích. Một thời gian sau, Bộ NN-PTNT đã đưa ra biện pháp "1 phải 5 giảm" (1P5G). Đây được coi là tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa và khắc phục được những hạn chế của phương pháp "3 giảm, 3 tăng".

Sạ thưa mang đến nhiều lợi ích cho bà con nông dân ĐBSCL

Thực chất 1P5G là gói kỹ thuật nâng cao từ "3 giảm, 3 tăng": Gồm giảm lượng hạt giống, giảm lượng phân đạm bón thừa, giảm thuốc hóa học, giảm lượng nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch.

PGS.TS Mai Thành Phụng, nguyên Trưởng Bộ phận thường trực phía Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết trong 6 năm nay, kể từ ngày phát động chương trình cánh đồng mẫu lớn, nông dân ĐBSCL đều tiến hành giảm lượng hạt giống và đem tới hiệu quả cao.

Có những địa phương không chỉ ứng dụng gói kỹ thuật 1P5G mà còn kết hợp với quản lý sâu bệnh theo chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) vào sản xuất, từ đó thu được rất nhiều lợi ích.

Ruộng lúa nhà anh Cao Minh Hiền, một nông dân ở ĐBSCL đã áp dụng kỹ thuật 1P5G khoảng 4 năm nay. Ban đầu, khi tiến hành sạ thưa anh cũng cảm thấy lo. Nhưng sau khi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, anh mạnh dạn thay đổi. Anh Hiền áp dụng phương pháp canh tác 1P5G kết hợp với quản sâu bệnh theo chương trình IPM, kể từ đó đến nay, năng suất lúa đạt cao hơn so với trước, đời sống gia đình cũng khấm khá hơn.

“Tôi thấy áp dụng 1P5G giảm tiết kiệm rất nhiều: Tiết kiệm giống, tiết kiệm phân bón và thuốc hóa học. Gia đình tối áp dụng chương trình này đã 4 năm. Tôi thấy hiệu quả. Kinh tế được nâng lên, lợi nhiều hơn”, anh Hiền cho biết.

Bộ NN-PTNT đã sử dụng 3,04 triệu USD tương đương 62,907 tỷ đồng, để thực hiện Chương trình IPM trên cây lúa tại 7 tỉnh trọng điểm sản xuất nông nghiệp ĐBSCL: An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Mục tiêu Chương trình nhằm giảm bớt 50% lượng thuốc trừ sâu và giảm 10% lượng phân bón sử dụng trên đồng ruộng vào năm 2016 gắn với xây dựng hệ canh tác bền vững, bảo vệ môi sinh, môi trường.

Thực tế nhiều bà con nông dân tiến hành sạ dày với suy nghĩ sạ dày thì lúa sẽ cho nhiều chồi, nhiều bông hoặc sạ dày để trừ hao do sâu bệnh và dịch hại (ốc bươu vàng, chuột cắn phá…). Nhưng các chuyên gia lý giải, số bông thường tỉ lệ nghịch với số hạt trên bông và trọng lượng hạt. Khi tăng mật độ sạ, số bông trên đơn vị diện tích sẽ tăng nhưng số hạt trên bông và trọng lượng hạt lại giảm. Khi mật độ sạ giảm sẽ cho chồi lúa to, cứng, lá đứng thẳng, bộ rễ phát triển mạnh, hạt mẩy, chắc, năng suất và chất lượng chắc chắn sẽ hơn.

Th.S Lê Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam khẳng định tiến hành sạ dày, không chỉ năng suất không đạt mà bà con nông dân sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn. Khi mật độ lúa dày, rậm rạp sẽ có nhiều sâu bệnh, bà con nông dân cũng sẽ tốn một lượng thuốc hóa học để diệt trừ và tốn lượng phân bón lớn để nuôi số chồi vô hiệu. Còn sạ thưa, bà con vừa tiết kiệm giống, tiết kiệm phân bón, giảm thuốc BVTV và giảm thất thoát nước.

Giảm lượng hạt giống là biện pháp quan trọng đầu tiên trong gói kỹ thuật 1P5G. Có thể thấy, khi giảm lượng hạt giống và tiến hành sạ thưa từ 80 - 100kg/ha , tình hình sâu bệnh sẽ giảm hơn so với sạ dày. Từ đó, bà con có thể giảm lượng thuốc BVTV, giảm lượng phân đạm và tiết kiệm nước.

Thực tế đã chứng minh, áp dụng gói kỹ thuật 1P5G trong sản xuất lúa kết hợp với việc quản lý dịch hại theo Chương trình IPM như: Áp dụng công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng để thu hút thiên địch nhằm giảm thuốc trừ sâu; quản lý dinh dưỡng hợp lý, quản lý nước theo phương pháp tưới ngập khô xen kẽ để giảm phát thải khí nhà kính; cơ giới hóa toàn bộ quy trình canh tác lúa (từ sử dụng máy san bằng mặt ruộng bằng tia laser, máy sạ hàng, máy cấy, máy gặt đập liên hợp, máy sấy công suất lớn…) để giảm thất thoát sau thu hoạch… nông dân tại vựa lúa lớn nhất của cả nước đã thu về nhiều lợi ích.

Vì vậy, trong thời gian tới, để nâng cao năng suất, chất lượng và nâng cao thu nhập cho người nông dân, các tỉnh tại ĐBSCL tiếp tục triển khai và nhân rộng việc ứng dụng 1P5G và IPM canh tác lúa. Đây cũng là cách để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay.

+ Th.S Lê Quốc Cường, GĐ Trung tâm BVTV phía Nam:

09-00-35_nh-2-bi-5-ths-le-quoc-cuong
 

Chúng ta đang phải đối mặt với tình hình biến đổi khí hậu, vì thế tiết kiệm nước rất quan trọng. Nước không phải là tài nguyên vô tận như trước đây chúng ta vẫn nghĩ. Giảm giống đồng nghĩa chúng ta có thể tiết kiệm nước. Vì sự bốc thoát hơi nước hữu hiệu gồm 30% bốc thoát trên bề mặt, 70% chiếm trên tán lá lúa. Vì thế giảm giống gieo sạ/đơn vị diện tích, tức là chúng ta giảm lượng bốc thoát hơi nước trên tán cây.

+ Ông Trần Văn Thành, nông dân trồng lúa tại ĐBSCL:

09-00-35_nh-1-bi-5-trn-vn-thnh
 

Trước đây, khi chưa biết tới 1P5G tôi thường tiến hành sạ dày vì nghĩ sẽ ra nhiều chồi, cây lúa cho nhiều bông, nhiều hạt. Mỗi công tôi sạ khoảng 20kg giống, trung bình mất khoảng 200kg/ha. Sau này, khi áp dụng 1P5G, mật độ sạ giảm khoảng một nửa, chỉ từ 80 - 100kg/ha. Nhờ vậy nên nhẹ phân, nhẹ thuốc, thu được lợi cao.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.