| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả kép

Thứ Tư 20/03/2013 , 08:52 (GMT+7)

Trong vụ ĐX vừa qua, do thiếu nước tưới nghiêm trọng nên tỉnh Bình Định đã chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng.

Trong vụ ĐX vừa qua, do thiếu nước tưới nghiêm trọng nên tỉnh Bình Định đã chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng. Nhiều diện tích lúa chuyển sang SX cây trồng cạn, tiết kiệm được nước tưới, hiệu quả kinh tế cao.

Chủ động nước vẫn chuyển

Ngay từ đầu vụ, huyện Phù Cát đã không ngừng thông báo sâu rộng về tình hình thiếu nước SX và vận động bà con chuyển làm lúa sang cây trồng cạn, nhất là những vùng không thể đưa nước đến. Ông Nguyễn Văn Trọng, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện cho biết: “Để thay đổi tập quán SX của nông dân là điều không dễ, nhưng nhờ sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nên trong vụ ĐX vừa qua Phù Cát đã chuyển đổi được 896 ha. Trong đó 431 ha lúa, 465 ha mì hiệu quả thấp chuyển sang trồng lạc, ngô lai, hành, ớt... Những xã chuyển đổi mạnh là Cát Tài, Cát Trinh, Cát Hiệp, Cát Sơn, Cát Lâm và Cát Hải”.

Song hành với công tác chuyển đổi, huyện này còn hướng dẫn, tổ chức cho nông dân SX theo từng cánh đồng với cây trồng thích hợp để vừa cho hiệu quả cao nhất, vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Trong chuyển đổi lần này, cây đậu phộng (lạc) là lựa chọn số một, bởi nông sản này giá cả ổn định. “Vụ ĐX 2012-2013 Phù Cát SX được 2.926 ha đậu phộng, tăng 532 ha so cùng kỳ, tập trung tại xã Cát Hanh: 390 ha; Cát Hiệp: 570 ha, Cát Trinh: 435 ha. Diện tích ngô lai cũng tăng từ 230 ha lên 282 ha. Cây hành 123 ha, tăng 20 ha so cùng kỳ. Tăng cao nhất là cây ớt, từ 90 ha lên 253 ha”, ông Trọng cho biết thêm.


Nông dân Trần Ba bơm nước từ sông La Tinh tưới đậu phộng

Không chỉ diện tích SX lúa bấp bênh, mà cả vùng chủ động nước, SX ổn định 3 vụ lúa/năm bà con vẫn chuyển sang làm đậu phộng. Cánh đồng thôn Hội Sơn, xã Cát Sơn là vùng đất đầu nguồn sông La Tinh, không chịu cảnh hạn hán nhưng trong vụ này cây lúa vắng dần, thay vào đó là những cánh đồng đậu phộng mênh mông xen kẽ lúa.

Nông dân Trần Ba vừa bơm nước từ sông La Tinh lên tưới cho đám ruộng đậu phộng, vừa cho chúng tôi biết: “Hồi giờ tui chỉ quen làm cây lúa, không quen làm đậu phộng, nghe nói hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này cho rất cao, muốn làm lắm nhưng còn ngại. Nhờ ngay từ đầu vụ, cán bộ nông nghiệp tập huấn về kỹ thuật SX tui mới dám làm. Giữa vụ, tụi tui còn được tập huấn cách chăm sóc nên trong quá SX gặp thuận lợi”.

Tiết kiệm nước, hiệu quả cao 

Điều mang lại trước mắt từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nói trên là tiết kiệm được lượng nước tưới khá lớn. Lượng nước tiết kiệm này được đưa về cứu hạn cho những diện tích lúa thiếu nước ngay từ đầu vụ. Theo ông Lương Văn Khoa, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Phù Cát, chu kỳ sinh trưởng của cây đậu phộng là 100 ngày, xấp xỉ cây lúa. Thế nhưng các kỳ tưới ít hơn rất nhiều.

“Với cây đậu phộng vụ ĐX, ở những chân đất cao, qua tiết đông chí mới xuống giống. Trong 30 ngày đầu, do mới vào cuối mùa mưa, độ ẩm trong trong đất còn cao nên chưa cần nước, sang tháng thứ 2 mới cần tưới nhưng cây vẫn phát triển tốt. Ở chân đất SX lúa chuyển qua làm đậu, đó là vùng đất thấp, độ ẩm được giữ lâu hơn nên đến 45 ngày sau mới cần tưới. Đối với cây ớt cũng tiết kiệm được nước tương tự cây đậu phộng”, ông Khoa nói.

“Từ hiệu quả kinh tế mang lại rất thiết thực ở những địa phương thực hiện mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chúng tôi tin chắc trong vụ HT 2013, việc vận động nông dân tiếp tục chuyển trồng lúa sang cây trồng cạn để giảm áp lực về nước tưới sẽ được thuận lợi lớn”, bà Nguyễn Thị Tố Trân, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở NN-PTNT Bình Định.

Hiệu quả tiếp theo từ việc chuyển đổi cây trồng mà nông dân đang rất “hít” là thu nhập trên cùng diện tích cao hơn rất nhiều so với làm lúa. Nhiều nông dân vừa thực hiện chuyển đổi cây trồng ở Phù Cát tính toán: Vụ ĐX vừa qua, cây đậu phộng cho năng suất bình quân 35,5 tạ/ha. Với thời giá hiện nay từ 22.000 - 27.000 đ/kg, sau khi chi phí đầu vào, nông dân còn cầm được trong tay mức lãi ròng gấp 5 lần so với lúa. Đối với cây hành, năng suất 12 tạ/sào (500 m2), sau khi trừ chi phí còn lãi ròng gấp 3 lần so làm lúa. Riêng cây dưa hấu, chỉ cần 4.000 đ/kg, người trồng đã có lãi. Thế nhưng giá dưa đang đứng 10.000 đ/kg, nông dân có thu nhập khoảng 240 triệu đồng/ha, lãi to.

Tại huyện Phù Cát mới SX vụ đậu phộng xuân hè. Vụ đậu ĐX thu hoạch sớm, nông dân tiến hành xuống giống ngay vụ đậu xuân-hè. Thời điểm xuống giống được ngành nông nghiệp bố trí từ ngày 20/3 đến trước 5/4 (trước tiết lập hạ), để khi cây đậu ra hoa tránh được nhiệt độ cao xuất phát từ gió Nam nóng (gió Lào) thì sẽ thắng lợi lớn.

Ông Vũ Quốc Bảo, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, cho biết thêm:“Trong vụ HT tới nếu khô hạn gay gắt, chúng tôi sẽ xây dựng phương án SX từng địa phương theo hướng chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ hợp lý để vừa tiết kiệm nước tưới, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích”.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất