| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả ngô xuân

Thứ Năm 24/05/2018 , 08:50 (GMT+7)

Chi cục Trồng trọt & BVTV Hà Tĩnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, UBND huyện Hương Khê, Trung tâm ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi Hương Khê, Cty Syngenta VN và Tập đoàn Lộc Trời vừa triển khai đánh giá hiệu quả SX giống ngô NK7328 vụ xuân trên địa bàn xã Gia Phố.

nh-111202246
Đoàn đánh giá giống ngô NK7328 tại xã Gia Phố

Qua đánh giá thực tế đồng ruộng, xã Gia Phố có một vụ xuân thắng lợi về cây ngô nói chung và giống ngô NK7328 nói riêng. Năng suất trung bình ước tính đạt 5,5 tấn/ha, riêng giống NK7328 - đây là năm thứ 2 đưa vào gieo trồng tại Hương Khê, năng suất ước tính đạt 7 tấn/ha.

Nông dân Nguyễn Ánh Hường, xóm 2 xã Gia Phố chia sẻ: “Vụ Xuân năm nay gia đình tôi gieo trồng 6 sào (500m2) ngô, trong đó có 3 sào là giống NK7328 cho năng suất cao hơn các giống ngô khác trên cùng cánh đồng, đạt trên 350 kg/sào, đây là năng suất cao nhất từ trước đến nay mà tôi SX được”.

Ông Hường cho biết thêm, giống ngô này dễ trồng, lúc đầu ông trồng khoảng cách 20 - 23cm x 55 - 60cm mục đích sau tỉa cây dần làm thức ăn chăn nuôi, nhưng sau đó thấy cây lên đều, đẹp không nỡ tỉa, vậy mà giờ bắp vẫn to, đồng đều, ít tàn hương. Đặc biệt bộ lá xanh đến lúc thu hoạch, được tận dụng làm thức ăn cho gia súc.

Ông Phan Văn Huân, Trưởng phòng Trồng Trọt, Chi cục Trồng trọt & BVTV Hà Tĩnh cho biết: “Giống ngô NK7328 đã được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức từ năm 2012 cho các vụ, vùng trồng ngô trên cả nước. Trong những năm gần đây NK7328 là một trong những giống ngô chủ lực của tỉnh. Vụ đông năm 2017 UBND tỉnh cũng đã hỗ trợ hơn 7 tấn giống NK7328 cho nông dân SX sau mưa lũ”.

Cũng theo ông Huân, qua đánh giá thực tế tại các huyện như Hương Khê, Hương Sơn… cho thấy giống NK7328 có một số đặc tính ưu việt như chống đổ ngã tốt, bắp to hình trụ, kích thước hạt đồng đều, màu sắc đẹp, đá hạt, tỷ lệ tách hạt cao, độ đồng đều của cây và bắp trên ruộng cao, sinh khối lớn nên có thể vừa trồng lấy hạt vừa trồng lấy cây.

Để gieo trồng giống ngô NK7328 đạt hiệu quả cao, cần chú ý một số đặc điểm sau:

Về mùa vụ: Tại khu vực miền Trung thích hợp với vụ thu đông, vụ đông, xuân sớm. Bố trí thời vụ tránh giai đoạn cây con bị ngập úng, giai đoạn trỗ cờ phun râu gặp mưa bão hoặc nắng nóng, gió Lào. Vì đây là các điều kiện thời tiết cực đoan thường xẩy ra ở khu vực miền Trung, đặc biệt là các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Kỹ thuật gieo trồng: Tuân thủ mật độ khuyến cáo, hàng cách hàng 65 - 70cm, cây cách cây 25 - 30cm, những nơi thâm canh cao có thể gieo cây cách cây 20 - 25cm.

Bón phân: Lượng phân bón tính cho diện tích gieo 1kg hạt giống với mật độ trên từ 300 - 500kg phân chuồng hoai mục, 20 - 30kg super lân, 16 - 20kg urê, 8 - 12kg kali (KCl), chia làm 3 - 4 lần bón.

Lần 1, bón lót toàn bộ phân chuồng và Super Lân, thêm 4 - 5kg urê, 4 - 5kg kali. Lần 2, giai đoạn cây ngô 5 - 6 lá, vun nhẹ gốc, hoặc bón sau trời mưa bằng 6 - 7kg urê. Lần 3, giai đoạn 11 - 12 lá, bón 6 - 7kg urê và 6 - 7kg kali, bón xong vun gốc. Lần 4, giai đoạn 15 - 18 lá, không bắt buộc nhưng nên cố gắng tranh thủ sau trời mưa hoặc đất có ẩm độ cao bổ sung 4 - 5kg urê quanh rễ chân kiềng.

Thu hoạch: Sau trỗ cờ, phun râu 25 - 30 ngày (chín sáp) có thể thu hoạch bán cây, hoặc sau 55 - 65 ngày sau phun râu (chín sinh lý - chân hạt chuyển màu nâu đen) thu hoạch lấy hạt. Không nên thu hoạch ngô khi hạt ngô chưa chín, sẽ làm giảm năng suất. Không nên chặt ngọn khi ngô chưa chín, vì lúc đó hạt vẫn đang tích lũy tinh bột từ quang hợp.

Chia sẻ tại buổi đánh giá giống ngô NK7328, ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê mong muốn đơn vị SX và cung ứng giống phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là Trung tâm ứng dụng KHKT & bảo vệ cây trồng, vật nuôi để có các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật, triển khai các mô hình theo qui trình, tập huấn đến tận người dân, giúp nông dân tiếp cận được tiến bộ khoa học, gieo trồng, chăm sóc đúng qui trình kỹ thuật và đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.

 

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm