| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả trồng đậu đỏ trên đất xấu

Thứ Năm 22/03/2018 , 13:30 (GMT+7)

Trên vùng đất đất đá dăm, sạn cốm chai cứng, nếu trồng đậu xanh, đậu đen thì cây cao không quá gang tay, còn trồng đậu đỏ thì mang lại giá trị kinh tế.

Ngoài ra, so với các loại cây trồng khác, trồng đậu đỏ không phải làm cỏ, bón phân, phun thuốc.

15-00-01_img_8228
Nông dân xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) thu hoạch đậu đỏ trên núi Mu Rùa

Trời nắng, nông dân các huyện Tuy An, Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân (Phú Yên) tranh thu hoạch đậu đỏ, phơi khô để bán cho thương lái.

Bà Phan Thị Hiền ở xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) vừa cân bán 1 tạ đậu đỏ với giá 15.000 đồng/kg, thu 1,5 triệu đồng. Bà Hiền cho biết, trồng đậu đỏ thu một đồng chắc một đồng, không có chi phí mà chỉ bỏ ra công gia đình. Trên núi Mu Rùa gần đầm Ô Loan còn trên 1 tạ đậu đỏ vài bữa nữa thu hoạch dứt điểm...

Cũng trên núi Mu Rùa, có nhiều chủ đất, trước đây trồng sắn, mía, sau một thời gian đất xấu nên chuyển sang trồng đậu đen, đậu xanh nhưng cây cao không quá gang tay nên không ra trái. Nói chung các loại cây trồng khác “chê” đất xấu trồng không có thu nhập nên người dân chuyển sang trỉa đậu đỏ.

Theo nhiều người dân ở đây, vào tháng 7 (âm lịch), nếu đất rẫy thì dọn chồi non cào đốt, đến tháng 8 có mưa bắt đầu trỉa. Còn đất trống (đất bỏ hoang) thì qua tháng 8 vãi hột giống rồi cày một bận lấp, sau đó “khoán trắng” cho trời đến khi ra trái không tốn một công chăm sóc, tiền phân, thuốc cũng không.

Ông Ma Lung ở thôn Suối Cối 1, xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) chở bao đậu đỏ trên xe gắn máy về phơi trước sân nhà, cho hay: Giá đậu đỏ đầu vụ người mua đã đến nhà trả 15.000 đồng/kg, đến nay vẫn giữ nguyên giá. Còn năm ngoái đầu vụ 20.000 đồng, sau đó hạ xuống chỉ còn 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mấy năm gần đây đậu đỏ có năm hạ giá nhưng không ế, có bao nhiêu thương lái mua hết bấy nhiêu.

Đậu đỏ dễ trồng, không kén đất nên thường được trồng trên các vùng gò đồi các xã Ea Bá, Ea Troil, Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) rồi qua xã Ea Chà Rang, Sơn Định, Sơn Long (huyện Sơn Hòa) đến mùa thu hoạch, nhà nào ít nhất cũng vài tạ, có người cả thu nửa tấn đậu đỏ. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng bão số 12 năm rồi nên sản lượng giảm.

15-00-01_img_8229
Ảnh: La Hai

Bà Sô Thị Liên, ở xã Ea Troil chia sẻ: Trước đây đậu đỏ được mùa, nhiều người vào rẫy từ mờ sáng khi sương còn thấm ướt, cuộn dây đậu chất trong tấm bạt, trưa nắng hạt tự nẻ dùng cây đập thêm hạt bung ra hết, vô bao chở về. Trung bình 2 người cuộn dây từ sáng sớm đến gần trưa đập đến xế đầy bao đậu đỏ. Năm nay đậu đỏ ít trái, 2 người cuộn đập được nửa bao.

Trên vùng gò đồi xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa), ông Ma Đưng đang đập đậu đỏ cho hay, qua giêng là tháng nông nhàn, nhờ có đậu đỏ mà người dân có tiền trang trải. Tuy năm nay đậu đỏ ít trái nhưng nhiều gia đình vẫn có tiền tiêu. Có người trỉa đậu đỏ tắp vào hàng rào, bờ bụi rồi nó tự leo lên cao ra trái.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên cho biết, toàn tỉnh có gần 1.500ha đậu đỏ. Thời gian qua nắng hạn làm cho cây thiếu nước tưới, đặc biệt là khu vực đồi núi. Trung tâm khuyến cáo bà con luân canh cây họ đậu cũng như cây trồng khác, áp dụng khoa học kỹ thuật để từng bước ổn định năng suất mang lại hiệu quả kinh tế. Đậu đỏ là cây trồng dễ sống không kén đất, có giá trị dinh dưỡng cao.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.