| Hotline: 0983.970.780

Hình mẫu Núi Pháo Mining

Thứ Hai 11/11/2013 , 09:12 (GMT+7)

Để di chuyển kho KV3, KV10 (Bộ Quốc phòng) tới vị trí mới, nhường mặt bằng cho dự án khai thác khoáng sản Núi Pháo, tỉnh Thái Nguyên đã thu hồi 131 ha đất tại xã Cát Nê, huyện Đại Từ với mức đền bù, hỗ trợ cao nhất từ trước đến nay.

Để di chuyển kho KV3, KV10 (Bộ Quốc phòng) tới vị trí mới, nhường mặt bằng cho dự án khai thác khoáng sản Núi Pháo, tỉnh Thái Nguyên đã thu hồi 131 ha đất tại xã Cát Nê, huyện Đại Từ với mức đền bù, hỗ trợ cao nhất từ trước đến nay.

>> Buồn như đem đất nông nghiệp đi vay vốn
>> Bạc bẽo đất rừng
>> Kinh tế trang trại, tắc từ đồng vốn

HỖ TRỢ NGOÀI KHUNG

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Xuân Chiến - Chủ tịch UBND xã Cát Nê cho biết: Có tất cả 219 hộ dân tại địa phương bị thu hồi 1 phần hoặc 100% diện tích đất nông nghiệp để giải phóng mặt bằng cho dự án Núi Pháo, số tiền chi trả cho việc đền bù, hỗ trợ là gần 200 tỉ đồng. So với các dự án thu hồi đất trên địa bàn Thái Nguyên từ trước đến nay, dự án này có mức đền bù hỗ trợ thuộc diện cao nhất nhì tỉnh.

Bình quân, mỗi hộ gia đình tại xã Cát Nê đều được nhận khoản tiền hỗ trợ từ 1 - 3 tỉ đồng, hộ ít cũng được hàng trăm triệu đồng. Có tới 90% các hộ dân tại Cát Nê đồng tình, ủng hộ dự án và nhận ngay tiền đền bù, bởi với người nông dân nơi đây, sở hữu một số tiền lớn như vậy có trong mơ họ cũng không dám nghĩ tới. Thực tế, việc định giá đất để đền bù ở dự án này cao hơn hẳn giá thị trường của đất nông nghiệp tại thời điểm thu hồi.

Theo tìm hiểu của NNVN, dự án Núi Pháo Mining thu hồi đất cơ bản thực hiện đúng theo Luật Đất đai 2003, Nghị định 69 của Chính phủ, Thông tư số 14 của Bộ TN-MT và Quyết định số 01 năm 2010 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc ban hành quy định thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.

Chủ đầu tư đã thực hiện tương đối đầy đủ các chính sách hỗ trợ nhằm chia sẻ khó khăn với người dân mất đất. Với đất rừng, mức đền bù sẽ là 260 triệu đồng/ha, đất nông nghiệp (trồng lúa) là 65 triệu đồng/sào Bắc bộ nhân thêm hệ số 2,5 lần (Nghị định 69 quy định từ 1 - 5 lần).

Ngoài ra, người dân tại đây còn nhận được các khoản hỗ trợ khác như hỗ trợ tài sản và hoa màu trên đất, hỗ trợ ổn định SX và chuyển đổi nghề, hỗ trợ phục hồi kinh tế, hỗ trợ chi phí tháo dỡ di chuyển đến nơi ở mới, hỗ trợ gia đình chính sách, hộ nghèo lương thực, nhận con em bị thu hồi đất vào làm công nhân, thưởng giải phóng mặt bằng… Cộng lại, chúng tôi thấy già nửa số tiền người dân nhận là từ các khoản hỗ trợ, đền bù tài sản, hoa màu trên đất, tiền từ thu hồi đất chỉ chiếm một phần trong tổng số tiền người dân được nhận.

Theo chia sẻ của ông Hoàng Xuân Chiến, việc các tỉnh, thành phố định khung giá đất hàng năm như hiện nay có mặt tích cực, mặt hạn chế. Cụ thể, mục đích chính của việc áp khung giá đất là để các tổ chức, cá nhân đóng thuế quyền sử dụng đất và đóng phí khi chuyển nhượng đất nông nghiệp sang đất thổ cư hoặc đất dịch vụ...

Nếu địa phương nào áp khung giá đất nông nghiệp cao, khi thu hồi đất những hộ bị ảnh hưởng sẽ được hưởng lợi, song vô hình chung lại gây khó khăn cho người đóng thuế hoặc có nhu cầu cần chuyển đổi vì phải dựa theo khung giá đất chung.


Phần lớn người dân hiện nay đều không nắm rõ các chính sách, quy định về đất đai (trong ảnh, người dân tới nhà ông Mạnh, xã Cát Nê hỏi về chính sách thu hồi đất)

Chính vì vậy, ông Chiến đề nghị, thay vì nâng khung giá đất lên cao để đền bù cao, Nhà nước cần ban hành nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa khi thu hồi đất nông nghiệp của người dân và coi đó là định hướng chủ đạo, cốt làm sao để người dân khi bị thu hồi đất có được cuộc sống phải bằng hoặc tốt hơn trước kia, tốt nhất là tạo công ăn việc làm mới để người dân mất đất duy trì cuộc sống lâu dài.

Quan điểm cá nhân của ông Chiến cho rằng, việc dự án Núi Pháo Mining có những ưu đãi “ngoài quy định” của tỉnh và Chính phủ là vô cùng cần thiết và rất đáng được lưu tâm. “Trong số 219 hộ dân tại xã Cát Nê bị thu hồi đất nông nghiệp, năm 2008 Núi Pháo đã chi trả hết 100% tiền cho 29 hộ, các hộ còn lại nhận tạm ứng 90% giá trị.

Sang năm 2010, khi có quy định mới của Chính phủ và tỉnh Thái Nguyên, giá đất nông nghiệp được nhân lên với hệ số 2,5 lần. Đáng lẽ, 29 hộ đã nhận 100% tiền không được hỗ trợ tiếp, song vẫn được chủ đầu tư tạo cơ chế hỗ trợ thêm ngoài chính sách 40% trên tổng giá trị đất nông nghiệp được đền bù để không bị thiệt thòi so với những hộ nhận tiền sau.

Đây là cơ chế ngoài của Núi Pháo, trong quy định không có. Mặc dù vẫn còn hơn 20 hộ dân thắc mắc, khiếu kiện nhưng nhìn tổng thể cần phải ghi nhận thiện chí của chủ đầu tư dự án Núi Pháo”, ông Chiến tâm sự.

NÊN ÁP MỨC TỐI ĐA

Nếu nói việc thu hồi đất của dự án Núi Pháo Mining tại xã Cát Nê, huyện Đại Từ là “hình mẫu” của việc thu hồi đất nông nghiệp có thể hơi quá, song qua một số chính sách, việc làm của chủ đầu tư rất đáng để các dự án khác lưu tâm khi tiến hành thu hồi đất nông nghiệp của người dân, đặc biệt trong việc nhận con em của các hộ gia đình bị thu hồi đất vào làm công nhân. Thu hồi đất nông nghiệp của nông dân là điều không ai mong muốn, bởi nó ảnh hưởng và làm xáo trộn cuộc sống của bà con về lâu dài.

Đứng về phía người dân, các chính sách hỗ trợ của dự án Núi Pháo là rất cần thiết, người dân hoàn toàn ghi nhận. Tuy nhiên, như thế chưa phải là đủ. Nông dân cần được hỗ trợ nhiều hơn và cao hơn nữa vì với họ, mất đất sản xuất là gần như mất tất cả.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Minh Mạnh ở xóm Nương Cao, xã Cát Nê, một trong những hộ bị thu hồi đất cho dự án Núi Pháo tâm sự: Mặc dù là nhà giáo, song do nuôi tới 6 - 7 người con ăn học nên về già hai vợ chồng ông vẫn nợ như “chúa chổm”. Nay có dự án về thu hồi đất và đền bù với số tiền hàng tỉ đồng, không chỉ ông mà hộ dân nào ở xã Cát Nê cũng choáng ngợp vì tiền, nhiều người ra nhận tiền đền bù mà tay còn run cầm cập.

Tuy nhiên, sau khi có tiền và trả được nợ rồi, đầu óc thư thái ông Mạnh nằm nghĩ và nhận ra rằng, số tiền đền bù đó tuy lớn, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với công sức người dân bỏ ra cũng như những hệ lụy về lâu dài khi không còn đất sản xuất. Nói rồi, ông Mạnh lấy từ trong tủ ra một chiếc máy tính bảng để tra cứu văn bản, nghị định và chỉ ra những chỗ còn bất cập cho tôi xem.

“Chúng tôi thừa nhận dự án Núi Pháo đền bù như vậy là giá rất cao rồi, cao hơn cả giá ngoài thị trường. Nhưng theo tôi, việc mất đất nông nghiệp với người dân nó còn ảnh hưởng tới 2 - 3 thế hệ sau, song hiện nay việc đền bù hỗ trợ chỉ mới tính đến đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng của việc bị thu hồi đất.

Hơn nữa, theo Nghị định 69 của Chính phủ, khi thu hồi đất nông nghiệp, người dân được hỗ trợ thêm từ 1 - 5 lần để chuyển đổi nghề nghiệp so với khung giá đất ban hành của các địa phương hàng năm. Nếu có thể, các dự án nên áp mức tối đa là 5 lần để dân đỡ thiệt thòi, chứ hiện nay đa phần các dự án đều áp mức thấp nhất hoặc mức trung bình ở giữa, ít khi có dự án nào áp mức tối đa. Hoặc cũng có thể áp mức hỗ trợ theo bậc thang tỉ lệ thuận với % diện tích đất bị thu hồi, như vậy sẽ công bằng và sát với thực tế hơn”, ông Mạnh kiến nghị.

Ngồi ở nhà ông Mạnh một lúc, có hơn chục hộ dân đến hỏi chúng tôi các chính sách đền bù mà tỉnh áp dụng với gia đình họ có đúng luật không? Bà con thừa nhận, nếu không nhờ những người am hiểu luật, văn bản, thông tư, nghị định về việc thu hồi đất nông nghiệp, có lẽ cơ quan quản lí nhà nước bảo họ được bao nhiêu tiền họ biết từng ấy.

Đơn cử, hộ gia đình bà Phạm Thị Hoa, do thiếu sót khi thẩm định, gia đình bà bị mất một số quyền lợi được hỗ trợ về lương thực với hộ nghèo, gia đình chính sách. Được sự giúp đỡ của ông Mạnh, bà Hoa làm đơn gửi lên Ban giải phóng mặt bằng của huyện Đại Từ và đơn của bà được chấp nhận bổ sung thêm một số hỗ trợ khác, quy ra tiền cũng được thêm hàng chục triệu đồng. Giả sử, nếu người dân không thắc mắc, chắc cán bộ của xã Cát Nê cũng không chủ động nhận ra thiếu sót này để đòi quyền lợi cho bà con.

Các quy định về đền bù khi thu hồi đất của Nhà nước ta dù chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế, nhưng cơ bản đã khá đầy đủ, quan trọng những người thực thi là cán bộ địa phương cần am hiểu luật, thực hiện đúng và công tâm theo quy định.

Người nông dân nay không còn thụ động như trước, giờ họ có rất nhiều kênh để đối chiếu xem những chính sách đang được áp dụng với mình có đúng luật hay không. Chính vì vậy, nếu có sự mập mờ về chính sách khi thu hồi đất, sớm hay muộn người dân sẽ phát hiện ra.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm