| Hotline: 0983.970.780

Hình phạt thích đáng cho cảnh sát hình sự rởm

Thứ Sáu 14/10/2016 , 08:50 (GMT+7)

Cương đi xe SH đến. Đoán trong ví của chị Bích có nhiều tiền, hắn bảo chị để cả ví và điện thoại vào cốp xe. Thấy chị không mang mũ bảo hiểm, Cương bảo chị vào nhà lấy. Khi chị Bích vừa quay vào...

Ngày 29/6/2016, Tòa án nhân dân quận Tây Hồ (TP Hà Nội) đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, đưa bị cáo Vương Quốc Cương (32 tuổi, có hộ khẩu thường trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội) ra xét xử. Tại tòa, còn có sự hiện diện của chị Nguyễn Thị Nhung, vợ Cương, với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Bị cáo Vương Quốc Cương bị Viện KSND quận Tây Hồ truy tố về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, được quy định tại khoản 2 điều 139 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, thì khoảng đầu tháng 2/2016, Cương lên mạng Zalo làm quen với chị Nguyễn Thị Bích, 31 tuổi, ngụ quận Tây Hồ. Cương xưng tên là Nguyễn Văn Hải, và nói với chị Bích rằng mình là cảnh sát hình sự thuộc Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hà Nội.

Trong thời gian làm quen, Cương nhiều lần rủ chị Bích đi chơi, đi uống cà phê. Ngày 20/2/2016, Cương rủ chị Bích đi chơi chùa Bái Đính (Ninh Bình). Đúng hẹn, chị Bích mang theo một chiếc ví trong có 1 triệu đồng, 1 điện thoại iPhone 5S, chờ Cương đến đón.

Lát sau, Cương đi xe SH đến. Đoán trong ví của chị Bích có nhiều tiền, hắn bảo chị để cả ví và điện thoại vào cốp xe. Thấy chị không mang mũ bảo hiểm, Cương bảo chị vào nhà lấy. Khi chị Bích vừa quay vào, Cương phóng xe đi mất dạng. Chiếm đoạt được 1 triệu đồng trong ví và bán chiếc điện thoại của chị được 4,5 triệu đồng, Cương đã ăn tiêu hết.

Ngày 8/3/2016, Cương đi xe máy SH đến một quán nước ở quận Hà Đông. Tại đây, Cương làm quen với chị Nguyễn Thị Xuyến, 26 tuổi. Vẫn theo bài bản cũ, Cương xưng tên là Huy, là cảnh sát hình sự, đang công tác tại Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội.

Hai người trao đổi số điện thoại cho nhau và từ đó liên tục trò truyện, nhắm tin qua lại. Khi đã trở nên thân thiết, Cương “tiết lộ” cho chị Xuyến biết, đơn vị Cương đang thanh lý một số xe SH với giá từ 5 đến 12 triệu đồng.

Tưởng Cương là cảnh sát hình sự thật, chị Xuyến bàn với chồng, nhờ Cương mua hộ 2 chiếc xe với giá 17 triệu đồng. Nhận tiền xong, Cương lặn mất tăm, đổi số điện thoại.

Khi biết tin chị Bích, chị Xuyến đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan Công an. Biết không thể thoát tội, Cương đã đến cơ quan Công an đầu thú, và khai nhận đầy đủ hành vi của mình.

Phần xét hỏi, chủ tọa phiên tòa hỏi Cương:

-Cáo trạng của Viện Kiểm sát truy tố bị cáo về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo thấy có đúng không?

-Dạ thưa quý tòa, đúng ạ.

-Bị cáo cho Hội đồng xét xử biết, lý do vì sao bị cáo lại tự xưng là cảnh sát hình sự để lừa đảo các bị hại?

-Dạ thưa quý tòa, từ ngày còn bé, bị cáo đã mê ngành công an. Nhất là khi xem những phim về cảnh sát hình sự, bị cáo càng mê hơn. Biết mình không có cách nào để trở thành cảnh sát hình sự được, nhưng bị cáo vẫn thích. Vì vậy, gặp những người không quen biết, bị cáo vẫn xưng là cảnh sát hình sự. Với lại, xưng thế thì oai hơn, người ta dễ tin hơn.

-Vào ngành cảnh sát, nhất là cảnh sát hình sự, không phải để giải quyết khâu “oai”, mà phải trải qua một quá trình học tập, rèn luyện, tu dưỡng hết sức gian khổ, bởi thường ngày phải lăn lộn, đối mặt với vô vàn hiểm nguy để truy bắt tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Hành vi giả xưng là cảnh sát hình sự để lừa đảo các nạn nhân của bị cáo, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn làm mất uy tín của lực lượng cảnh sát hình sự Thủ đô. Bị cáo đã rõ chưa?

-Thưa quý tòa, bị cáo biết rồi ạ.

-Tòa hỏi người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Chiếc xe SH là phương tiện mà bị cáo Vương Quốc Cương dùng để gây án. Tuy đăng ký mang tên bị cáo, nhưng chị Nhung cho tòa biết, chiếc xe đó có phải là tài sản chung của vợ chồng chị không?

-Dạ thưa quý tòa, để mua được chiếc xe đó, vợ chồng tôi đã phải lao động cật lực, gom góp rất nhiều năm. Nó là tài sản lớn nhất của vợ chồng tôi.

-Khi dùng chiếc xe đó làm phương tiện gây án, bị cáo có nói gì với chị không.

-Thưa quý tòa, khi thấy anh Cương ra Hà Nội, rồi thỉnh thoảng mang tiền về, tôi chỉ nghĩ số tiền đó là chồng tôi làm thuê làm mướn mà có, chứ không bao giờ nghĩ rằng anh ấy đi lừa đảo. Nếu biết, thì đời nào tôi để chồng mình đi.

Phần tuyên án, tòa tuyên phạt Vương Quốc Cương 2 năm 6 tháng tù giam, buộc bị cáo phải bồi thường cho hai bị hại là Nguyễn Thị Bích và Nguyễn Thị Xuyến số tiền bị cáo đã chiếm đoạt của họ, tổng cộng 22 triệu 500 ngàn đồng. Trả lại chiếc xe SH cho vợ bị cáo là Nguyễn Thị Nhung.

Không chịu làm nhưng lại muốn có tiền tiêu, Vương Quốc Cương đã chọn con đường lừa đảo, bằng một cách hết sức "hiệu quả", là giả xưng cảnh sát hình sự, nhằm tạo lòng tin của người khác để chiếm đoạt tài sản của họ.

Hành vi trên của bị cáo, đúng như nhận định của vị chủ tọa phiên tòa, là không những vi phạm pháp luật, mà còn làm mất uy tín của lực lượng cảnh sát hình sự Thủ đô. Hình phạt mà tòa dành cho bị cáo là hoàn toàn xứng đáng.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất