| Hotline: 0983.970.780

Hình thành thị trường đất đai đúng nghĩa

Thứ Sáu 07/10/2016 , 08:47 (GMT+7)

PGS.TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II, cho rằng, bỏ hạn điền, thừa nhận quyền sử dụng ruộng đất...

PGS.TS Vũ Trọng Khải (ảnh), nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II, cho rằng, bỏ hạn điền, thừa nhận quyền sử dụng ruộng đất là quyền tài sản, hình thành thị trường đất đai đúng nghĩa, phát triển khu công nghiệp kết hợp khu dân sinh, biến nông dân thành thị dân, là những điều kiện căn bản để tích tụ ruộng đất bền vững. 

13-16-22_nh-1

 

Nên bỏ hạn điền

Thưa ông, Luật Đất đai hiện nay vẫn đang đặt ra những quy định về hạn điền đối với nông dân. Điều này ít nhiều ảnh hưởng tới việc tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn. Bởi vậy, một câu hỏi đang được đặt ra là có nên duy trì hạn điền nữa hay không?

Lâu nay tuy có quy định hạn điền, nhưng thực tế không đi vào cuộc sống. Luật Đất đai của nước ta có quy định kỳ cục là với hộ thì bị hạn điền nhưng với doanh nghiệp lại không giới hạn. Do đó, người ta vẫn có cách để sở hữu bao nhiêu đất cũng được.

Ông Sáu Đức ở Thoại Sơn, An Giang, là một ví dụ điển hình. Cách đây 5 năm, ông ấy đã tích tụ được 70ha, nhưng đều phải nhờ bà con, họ hàng đứng tên. Sau đó, vợ chồng ông ấy lập công ty, thì dùng pháp nhân của công ty thu gom và đứng tên 150ha.

Đó là về mặt pháp lý. Còn về mặt tất yếu kinh tế, hạn điền cũng không có ý nghĩa. Vì sao? Vì nông nghiệp khác với công nghiệp ở chỗ đối tượng sản xuất của nông nghiệp là sinh vật, tức là cây và con. Đặc điểm sinh học của sản xuất nông nghiệp đòi hỏi người quản lý và cả người lao động trong trang trại phải kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất diễn ra trên từng thửa ruộng, vườn cây, chuồng gia súc, ao cá, thậm chí đến từng cá thể cây, con.

Vì thế, để hiệu quả sản xuất tốt nhất, phải đảm bảo 2 yếu tố là trách nhiệm rất cao và tầm hạn quản trị vừa đủ sức. Muốn trách nhiệm cao thì phải sử dụng lao động của gia đình, nếu có thuê chỉ là lúc thời vụ. Tầm hạn quản trị là quy mô sản xuất chỉ nên ở mức vừa phải, nếu sản xuất trên quy mô quá lớn, gia đình không thể làm được. Do đó, nếu không đặt ra hạn điền, người ta cũng không thể tích tụ đất đai quá nhiều, vượt quá khả năng tổ chức sản xuất, quản lý của gia đình.

Vì thế, không nên đặt ra vấn đề hạn điền nữa bởi nó không đi vào cuộc sống.

Thưa ông, nếu bỏ hạn điền, cho nông dân tích tụ đất đai, mô hình nào sẽ trở thành lực lượng sản xuất chủ yếu của nền nông nghiệp?

Lực lượng sản xuất chủ yếu sẽ là trang trại gia đình. Do yếu tố trách nhiệm cao và tầm hạn quản trị, mà ở cả những nước có nền nông nghiệp phát triển như Mỹ, trang trại gia đình vẫn là lực lượng sản xuất quan trọng nhất. Trang trại gia đình ở Mỹ vẫn chủ yếu sử dụng sức lao động của gia đình, nếu có thuê chỉ lúc thời vụ. Nhưng tại sao quy mô của họ lớn? Ở Mỹ có những trang trại gia đình rộng tới hàng ngàn, hàng chục ngàn hecta, là vì đất họ rộng nên tích tụ được và họ áp dụng cơ giới hóa, tin học hóa, tự động hóa… vào sản xuất.

Có một thực tế đáng chú ý là có những doanh nghiệp tích tụ ruộng đất trên quy mô lớn, nhưng để sản xuất thành công, vẫn phải dựa vào trang trại gia đình. Trước đây, Nông trường Sông Hậu có quy mô 6.000ha nhưng làm ăn tốt.

Vì sao vậy? Vì nông trường này đã áp dụng hình thức khoán hộ, nhưng bản chất của nó là tái lập trang trại gia đình trong nông trường. Những khâu sản xuất mang tính sinh học, Nông trường Sông Hậu không làm mà giao cho các hộ. Nông trường chỉ làm dịch vụ đầu vào đầu ra.

Như vậy là có 2 ông chủ trên cùng một quá trình kinh doanh, trên cùng một mảnh đất và phân chia trách nhiệm, lợi ích theo một cơ chế nào đó mà họ tự thỏa thuận. Đó chính là trang trại dự phần. Dự phần là có từ 2 ông chủ cùng tham gia đầu tư vào cùng một quá trình kinh doanh và ăn chia lợi ích, rủi ro theo một thỏa thuận nào đó. Thành công của Nông trường Sông Hậu là tái lập trang trại gia đình trong lòng nông trường dưới dạng dự phần. Vì thế mà Nông trường Sông Hậu đã thành công.

Bởi vậy mới nói trang trại gia đình là lực lượng sản xuất chủ yếu chứ không phải duy nhất. Hiện nay có những công ty đang thuê đất của nông dân rồi tự tổ chức sản xuất. Chẳng hạn, Công ty đường Lam Sơn thuê đất của nông dân rồi san phẳng đồng ruộng để cơ giới hóa trong sản xuất mía. Nhờ cơ giới hóa, họ có thể làm được với quy mô hiện nay.

Nhưng nếu họ làm với một quy mô lớn nữa, không thể quản lý được, thì sẽ phải khoán hộ hay là tái lập trang trại gia đình giống như Nông trường Sông Hậu, còn công ty chỉ làm dịch vụ đầu vào đầu ra. Bởi quá trình sinh học diễn ra trên đồng ruộng vẫn phải giao cho hộ thì mới thực hiện được tốt nhất. Những công ty tích tụ ruộng đất bằng cách đi thuê đất của nông dân, trước sau cũng phải khoán hộ như thế.

 

Thị trường đất đai đúng nghĩa

Nhà nước cần tập trung giải quyết những vấn đề gì để việc tích tụ đất đai được diễn ra một cách thực chất và có hiệu quả, thưa ông?

Trước hết, cần phải tạo điều kiện hình thành một thị trường đất đai đúng nghĩa để hình thành cung – cầu đất nông nghiệp, tạo cơ hội cho tích tụ đất đai. Hiện nay ở nước ta chưa có thị trường đất đai thực sự do không có chuyện mua bán quyền sử dụng đất mà chỉ có chuyện nhà nước thu hồi và đền bù theo giá quy định.

Nếu như chưa thể thừa nhận quyền sở hữu tư nhân của nông dân đối với ruộng đất (do Luật Đất đai vẫn khẳng định quan điểm đất đai là sở hữu toàn dân), thì ít nhất cũng nên thừa nhận quyền sử dụng ruộng đất là quyền tài sản, tức là hàng hóa thuận mua vừa bán. Nhà nước không có quyền thu hồi, đền bù giá trị sử dụng đất theo thang bảng giá của chính quyền địa phương.

Khi đất đai trở thành hàng hóa thuận mua vừa bán, sẽ tạo ra thị trường đất đai đúng nghĩa, đồng thời xóa được nguy cơ tiềm ẩn, thường trực của tham nhũng đất đai và mâu thuẫn xã hội, xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư với nông dân, chính quyền với nông dân.

Bên cạnh đó, phải tạo ra nguồn cung đất nông nghiệp. Muốn thế, phải tạo điều kiện để nông dân trở thành thị dân một cách bền vững, không phải trở về làm nông dân nữa. Qua đó tạo ra nguồn cung đất nông nghiệp khi nông dân sẵn sàng bán đất hay cho thuê đất lâu dài.

Có một thực tế là việc phát triển công nghiệp trong nhiều năm qua không tạo ra điều kiện để cho nông dân trở thành thị dân một cách bền vững. Các KCN tuy tạo ra việc làm nhưng sản xuất ở các KCN vẫn chủ yếu là lắp ráp, gia công, giá trị gia tăng thấp. Sản xuất như vậy, nên người ta sử dụng cơ bắp là chính và chỉ tuyển dụng công nhân lao động giản đơn, ít cần huấn luyện, trả lương thấp. Vì lương thấp, công nhân buộc phải tăng ca, khiến cho sức khỏe hao mòn nhanh chóng. Do lao động cơ bắp nên đến ngoài 35-40 tuổi, công nhân hết sức lao động, bị sa thải, lại phải trở về làm nông dân như trước.

Mặt khác, lâu nay chúng ta xây dựng các KCN nhưng lại không làm khu dân sinh. Khu dân sinh là gì? Là có nhà ở xã hội, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, chợ... KCN kết hợp với khu dân sinh thì công nhân mới an cư lạc nghiệp cho người dân, biến nông dân thành thị dân bền vững. Lâu nay, phát triển các KCN mà không làm khu dân sinh khiến cho công nhân vẫn phải gửi con cái về quê cho ông bà để có điều kiện chăm sóc tốt hơn, được đi học đúng tuyến, trong khi lẽ ra đời sống ở các KCN phải tốt hơn, văn minh hơn so với nông thôn. Đó là một sự thất bại trong chiến lược phát triển công nghiệp.

Vì vậy, KCN phải kết hợp với khu dân sinh để hợp thành khu đô thị. Khi ấy, mới biến được nông dân thành thị dân một cách bền vững, và người ta mới sẵn sàng bán ruộng đất hoặc cho thuê lâu dài. Còn như hiện nay, người ta đi làm công nhân mà cứ tấp tểnh tâm lý sẵn sàng trở về quê, làm công nhân chỉ là tạm bợ. Do đó, dù đi làm công nhân nhưng nhiều nông dân vẫn giữ lại đất ruộng, không dám bán hoặc cho thuê lâu dài.

Song song với đó, phải tạo cơ chế hình thành những nông dân biết làm ăn lớn, có khả năng quản lý trang trại, có khả năng tích tụ và tập trung ruộng đất, qua đó hình thành nguồn cầu cho thị trường đất nông nghiệp. Nếu vậy, Nhà nước cần phải đào tạo lớp nông dân chuyên nghiệp, thanh nông đã tri điền, có đủ kiến thức quản lý trang trại, biết liên kết với nhau thành HTX (liên kết ngang) để tạo sức mạnh và có khả năng liên kết với các doanh nghiệp (liên kết dọc) để hình thành chuỗi giá trị nông sản.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.