| Hotline: 0983.970.780

Hộ lý, điều dưỡng sang Nhật Bản, lương 40 triệu đồng/tháng

Thứ Sáu 14/09/2012 , 10:13 (GMT+7)

Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu, nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài rất lớn.

Ông Lê Văn Thanh
Liên quan đến thông tin Nhật Bản tiếp nhận lao động Việt Nam là hộ lý, điều dưỡng, trao đổi với NNVN, ông Lê Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đây là chính sách mở đầu tiên phía bạn dành cho VN

Việc dành chính sách mới lần này cho VN, phải chăng thị trường Nhật Bản đang rất “khát” lao động, thưa ông?

Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu, nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài của họ rất lớn, với trên 100.000 thực tập sinh mỗi năm. Hiện nay, hơn 36.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản, trong đó có khoảng 18.000 thực tập sinh và lao động đang làm việc trong các ngành nghề với mức thu nhập hấp dẫn. Nhật Bản được đánh giá là thị trường tiềm năng rất lớn dành cho thực tập sinh Việt Nam. Không chỉ tiếp nhận thực tập sinh ở những ngành nghề truyền thống, lần đầu tiên Nhật Bản tiếp nhận ứng viên điều dưỡng (trước đây gọi là y tá) và hộ lý người Việt Nam sang làm việc và học tập.

Ngày 31/10/2011, văn kiện xác nhận về cơ chế tiếp nhận điều dưỡng, hộ lý đủ tiêu chuẩn của Việt Nam sang Nhật Bản đã được ký chính thức giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda. Cuối tháng 4/2012, hai nước đã ký Thư trao đổi về hợp tác Di chuyển thể nhân. Theo đó, hai bên đã thống nhất triển khai Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản. Đây sẽ là cơ hội dành cho các điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam vừa có được thu nhập cao, vừa được coi trọng.

Những ứng viên này sẽ được quyền lợi gì khi sang Nhật làm việc?

Ứng viên điều dưỡng là những người sẽ tạm trú ở Nhật Bản 3 năm và 4 năm đối với ứng viên hộ lý. Mỗi năm, các ứng viên được gia hạn lại một lần. Riêng về mức lương, sẽ theo quy định của pháp luật Nhật Bản: ứng viên điều dưỡng từ 130.000 – 140.000 yên/tháng (tương đương 34 – 37 triệu đồng/tháng); lương ứng viên hộ lý: 140.000 – 150.000 yên/tháng (tương đương 37 – 40 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, người lao động VN vẫn có thể nhận mức lương cao hơn thế, tùy thuộc vào cơ sở tiếp nhận. Ngoài mức lương trên, thông thường ứng viên sẽ được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc.

Để nhận được mức lương cao, điều kiện tốt như vậy thì tiêu chí cho mỗi ứng viên phải như thế nào, thưa ông?

Người đăng ký tham gia chương trình là công dân Việt Nam không quá 35 tuổi; đủ điều kiện sức khỏe do cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận; không có tiền án, tiền sự hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật của Việt Nam; có nguyện vọng tham gia chương trình, có thể tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật với trình độ tương đương. Riêng về chuyên môn, ứng viên điều dưỡng cần có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh Việt Nam; có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm công tác điều dưỡng (bao gồm cả thời gian tập sự 9 tháng để được cấp chứng chỉ hành nghề). Đối với vị trí ứng viên hộ lý, người đăng ký cần tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng đa khoa (3 năm) hoặc đại học điều dưỡng đa khoa (4 năm).


Ảnh minh họa

Từ trước đến nay, ngoại ngữ luôn là hạn chế của người lao động khi xuất khẩu sang các nước. Lần tuyển này, Nhật Bản có ưu đãi gì không, thưa ông?

Những người đăng ký dự tuyển ở cả hai vị trí, sau khi đáp ứng được tiêu chuẩn về chuyên môn sẽ được tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật miễn phí trong vòng 12 tháng tại Việt Nam do Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Chính phủ Nhật Bản tổ chức. Chương trình đào tạo dự kiến bắt đầu vào cuối năm 2012. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, người đăng ký phải tham dự kỳ thi năng lực tiếng Nhật do Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản tổ chức vào tháng 7 và tháng 12 hàng năm và đạt được trình độ tiếng Nhật ở cấp độ N3 (trình độ tiếng Nhật được phân theo 5 cấp độ: N1, N2, N3, N4 và N5, trong đó N1 là cấp độ cao nhất). Những người đạt được cấp độ N3 kỳ thi năng lực tiếng Nhật, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ phối hợp với phía Nhật Bản giới thiệu các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng ứng viên điều dưỡng, hộ lý để lựa chọn.

Những người được lựa chọn sẽ được sang Nhật Bản vừa học vừa làm nhằm đạt được Chứng chỉ quốc gia với thời gian tối đa 3 năm đối với ứng viên điều dưỡng và tối đa 4 năm đối với ứng viên hộ lý. Ứng viên điều dưỡng được dự thi Chứng chỉ quốc gia mỗi năm một lần, ứng viên hộ lý được dự thi chứng chỉ quốc gia một lần vào năm thứ 4 sau khi đã làm công việc hộ lý trên 3 năm tại Nhật Bản. Nếu đỗ, các ứng viên sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia đối với điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn. Các ứng viên không thi đỗ chứng chỉ trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản được phép quay lại Nhật Bản để dự thi mà không phải đáp ứng các điều kiện mới (chỉ dự thi, không được làm việc cho đến khi thi đỗ và có được chứng chỉ).

Là cơ quan quản lý nhà nước, ông nói gì đối với những lao động muốn tham dự là ứng viên đợt này?

Ngày 15/12/2008, Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) và Hiệp định bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/10/2009. Tại Hiệp định này, hai bên đã thống nhất về việc Nhật Bản sẽ hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nội dung về Di chuyển thể nhân. Cụ thể, hai bên đã tiến hành đàm phán về việc Nhật Bản sẽ tiếp nhận điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam.

Việt Nam là nước thứ ba, sau Phillipines và Indonesia, chính thức có thỏa thuận hợp tác đưa ứng viên điều dưỡng và hộ lý sang làm việc và học tập tại Nhật Bản - quốc gia phát triển hàng đầu thế giới về dịch vụ y tế. Đây là cơ hội tuyệt vời cho các điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam được huấn luyện trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, nâng cao trình độ của bản thân trong thời gian làm việc tại Nhật Bản cũng như có thể sử dụng những kiến thức, kinh nghiệm hữu ích học tập được khi trở về làm việc trong nước. Ngoài ra, đây là kỳ thi rất khó, đòi hỏi phải có sự nỗ lực vượt bậc của người ứng viên, phải làm việc và học tập một cách chuyên cần cùng sự hỗ trợ nhiệt tình của bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe nơi ứng viên làm việc. Ngoài phần chữ Hán được sử dụng trong tiếng Nhật giao tiếp thường ngày còn có cả những thuật ngữ chuyên môn. Vì vậy, ứng viên cần học tiếng Nhật thật tốt trước khi tham dự kỳ thi.

Tôi lưu ý, để người lao động không bị lừa, Cục Quản lý lao động ngoài nước là đơn vị duy nhất tiếp nhận hồ sơ của những ứng viên này. Người đăng ký nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) hoặc qua đường bưu điện theo địa chỉ sau: Cục Quản lý lao động ngoài nước. Địa chỉ: số 41B, Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 04.38249517 (số máy lẻ 511, 513). Thời gian tiếp nhận: từ ngày 1/9/2012 đến ngày 15/9/2012. Đối với hồ sơ đăng ký gửi qua đường bưu điện sẽ được tính theo dấu bưu điện.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất