| Hotline: 0983.970.780

Hố Mít mong có cây cầu sắt

Thứ Ba 30/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Muốn có cây cầu mà mỗi lần đi qua không còn phải gọi nhau lôi bánh xe máy bị tụt xuống chỗ thủng nữa, không phải dừng lại nhặt cây xếp ván, không phải góp gỗ sửa cầu hàng năm, không còn run sợ mỗi khi mùa lũ về.

Đó là những mong muốn của người Mông ở xã Hố Mít (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu). Xã Hố Mít có 8 bản: Suối Lĩnh A, Suối Lĩnh B, Hô Pù, Khâu Riềng, Bản Lầu, Mít Nọi, Tà Hử và Bản Thào.

Cây cầu chính dẫn vào các bản là cầu treo lát gỗ, hằng năm phải sửa nhưng cũng phải đợi hỏng hết mới được sửa. Trong thời gian đó người dân đi lại gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm.

Đợi cầu được sửa

Nghĩ mà thấy người dân Hố Mít thật giỏi, nhiều năm cầu hỏng, chỗ thủng to đến 50cm không đi được thì xuống xếp ván, chặt cây vá lại đi tạm, đang đi gỗ mục lọt bánh xe gọi nhau kéo lên đi tiếp. Đi trên cầu như đánh đu trên dây, chỉ lỡ chân là rơi xuống suối mất mạng như chơi.

Cây cầu treo lát gỗ này cao đến hai chục mét so với lòng suối, bên dưới là đá hộc lởm chởm. Mùa mưa bắt đầu từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 9, nước từ các vách núi đổ về chảy như thác cuồn cuộn, hung dữ.

Người đi qua cầu ai yếu tim thì nín thở đi qua không dám nhìn xuống dòng nước chảy xiết, lúc đó cảm giác như đang treo mình trên lưỡi hái tử thần. Đó là chia sẻ của thầy Quàng Văn Lền, giáo viên điểm Trường THCS xã Hố Mít.

Tìm đến nhà ông Vàng A Chỉnh là trưởng bản Lầu, tôi phải nhờ một thầy giáo ở đó đưa đi, vì không đủ can đảm và tự tin cầm lái để bò xe máy lên dốc và phi xuống con đường mòn bé tẹo.

Ngồi đằng sau mà tim đập thình thịch, một tay bắm chặt sau xe mà người vẫn lao về phía trước khi xuống dốc, cảm giác sắp văng người ra khỏi xe khi đá đập vào chân chống, gầm xe.

Tới bản Lầu, là bản gần nhất của xã, nghe nói bản Thào xa nhất ở trên kia, nhìn lên con đường nhỏ nằm dưới vách núi toàn sương mù chưa thấy nhà đâu cả, nếu đi bộ cũng mất vài tiếng đồng hồ.

Đường sá đi lại khó khăn, ánh sáng văn hóa bắt đầu từ con chữ đến với trẻ em nơi đây thật không dễ dàng. Vậy mà cây cầu là con đường duy nhất nối họ đến với thế giới văn minh bên ngoài còn gặp nhiều khó khăn quá.

Được hỏi về cây cầu, ông Vàng A Chỉnh kể lại: Ngày mưa trẻ con đi học cũng sợ lắm, phải có người lớn đưa đi nếu không đưa được thì nghỉ học thôi. Trong bản có đám cưới, đám ma đi qua cầu phải chia từng tốp vài người đi chứ đi nhiều người sợ cầu gẫy.

13-07-15_2
Cán bộ lên bản phải dắt xe

Khi chở hàng nặng đằng sau không dám đi xe máy, phải đi bộ đấy. Nếu có đi xe máy thì phải phóng nhanh chứ đi chậm sợ nó rơi.

Mong có cây cầu sắt

Dân bản nơi đây chỉ cần một cây cầu không thủng để đi và hằng năm không phải góp gỗ sửa chữa. Cầu làm bằng gỗ nắng mưa lâu ngày sẽ nhanh hỏng, khi không đi được nữa mỗi nhà phải góp một tấm ván dài 2m và rộng 40cm cho trưởng bản để cùng xã sửa.

Các bản sống không tập trung nên việc huy động mọi người góp gỗ cũng mất cả tháng.

Nói chuyện với anh Vàng A Chả, bản Lầu về cây cầu đã được sửa lại cách đây một tháng, anh thở dài: "Cầu vừa mới sửa giờ đi lại dễ dàng rồi nhưng sang năm lại hỏng, dân bản lại phải góp gỗ sửa chữa. Mà hỏng có được sửa ngay đâu, phải đợi đến khi hỏng hết mới sửa.

Mấy năm trước người dân nộp gỗ tốt, sửa thì đi được hai năm mới hỏng, giờ gỗ tốt trên rừng không còn nữa chỉ còn gỗ xấu thôi, nên tầm này sang năm là cầu lại hỏng.

Mùa nước lũ, ngày mưa tôi lo cho bà con trong bản lắm, cũng nói với họ có con đi học ở dưới xã phải đưa đi. Nhân dân ở đây mong có một cây cầu sắt chắc chắn, hằng năm không phải sửa chữa để dân bản đi lại bớt khó khăn".

Anh Nguyễn Thành Luân, giáo viên điểm Trường Tiểu học Bản Lầu cũng mong cây cầu bằng gỗ này sẽ sớm được thay bằng cây cầu sắt, vững chắc không lo những ngày mưa, mùa lũ để các thầy cô mang cái chữ lên bản giảm đi phần nào khó khăn, giúp các em nơi đây đến gần với cái chữ hơn.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.