| Hotline: 0983.970.780

Hồ ngọt thành hồ lợ

Thứ Tư 06/10/2010 , 11:00 (GMT+7)

Do nhiều hạng mục chịu cảnh “án binh bất động” suốt mấy năm qua đã khiến hệ thống thủy lợi Ba Lai gây ra nhiều tác dụng ngược, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, kinh tế của cả khu vực.

>> Hệ lụy Ba Lai

Ngoài cống đập Ba Lai, Hệ thống thuỷ lợi Ba Lai (nay là Hệ thống thuỷ lợi Bắc Bến Tre) còn có 5 hạng mục quan trọng khác, gồm: 2 cống tiếp nước ở Tân Phú và Bến Rớ để lấy nước từ sông Tiền vào sông Ba Lai; nạo vét đầu nguồn sông Ba Lai (từ chỗ tiếp giáp với sông Tiền đến ngã 4 sông Ba Lai – sông An Hoá); xây dựng hai cống âu thuyền trên sông An Hoá (kênh Giao Hoà cũ) và sông Bến Tre – kênh Chẹt Sậy; cải tạo hệ thống kênh cấp I; xây dựng hệ thống đê ngăn mặn (50 km).

 Nếu làm hoàn chỉnh tất cả các hạng mục này, sông Ba Lai sẽ được biến thành một “hồ” nước ngọt thực sự, có trữ lượng khoảng 100 triệu m3, góp phần quan trọng trong việc kiểm soát mặn, tiêu nước cho 139.000 ha, thau chua, rửa phèn, cung cấp nước ngọt cho 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp gồm nhiều loại cây trồng, vật nuôi, cung cấp nguồn nước ngọt cho các nhà máy nước Ba Tri, Bình Đại …

Năm 2002, cống đập Ba Lai được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong khi đó, 5 hạng mục khác vẫn chưa được “đụng” tới. Theo khảo sát của các nhà khoa học thuộc Viện Kỹ thuật Biển (Bộ NN-PTNT), trong 2 năm đầu tiên, cống đập Ba Lai đã cho hiệu quả rất tốt. Chẳng hạn ở các xã Châu Bình, Châu Hoà của huyện Giồng Trôm, năng suất mía từ mức 40 tấn/ha đã tăng vọt lên tới 100-120 tấn/ha …

Tuy nhiên do chưa có các hạng mục khác, nên việc trữ ngọt trên sông Ba Lai dần dần mất đi tác dụng. Nước mặn theo triều từ sông Mỹ Tho và sông Hàm Luông vẫn vô tư chảy qua sông An Hoá, sông Bến Tre để vào sông Ba Lai, biến cái “hồ” ngọt này thành “hồ” lợ, với độ mặn hiện nay vào khoảng 1-1,5 phần nghìn, và đang có xu hướng tiếp tục tăng lên. Theo Sở TN-MT Bến Tre, sông Ba Lai còn đang bị nhiễm phèn khá nhiều, bởi dưới sông, rong tảo đã mọc đầy. Việc sông Ba Lai đang bị mặn hoá, bị nhiễm phèn, đã gây ra những tác động xấu tới sản xuất nông nghiệp ở các xã hai bên bờ sông.

Trước đây, khi chưa có cống đập Ba Lai, mỗi khi triều dâng ở khu vực bắc Bến Tre, thường lên trên cả 3 con sông chính là sông Mỹ Tho, sông Ba Lai và sông Hàm Luông. Theo đó, nước triều từ sông Mỹ Tho và sông Hàm Luông sẽ chảy qua sông An Hoá và sông Bến Tre để vào sông Ba Lai, và từ đó rút khá nhanh qua cửa Ba Lai để ra biển.

 Bây giờ, do bị cống Ba Lai chặn lại, nước triều không thể rút qua cửa Ba Lai mà phải vòng qua sông An Hóa để ra sông Mỹ Tho, vòng qua sông Bến Tre để ra sông Hàm Luông. Do đó, triều xuống khá chậm. Mà khi triều xuống chậm, nước mặn sẽ có điều kiện xâm nhập sâu vào thành phố Bến Tre, gây nên tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng trong tháng 3, tháng 4 hàng năm, khiến cho các nhà máy nước chỉ hoạt động được trong mùa mưa. Còn trong mùa khô, người dân phải phải dùng nước sinh hoạt chủ yếu từ giếng khoan hoặc mua từ các xe bán nước với giá đắt đỏ.

Việc nước triều vẫn tự do dồn vào sông Ba Lai, nhưng phải quay ngược lại qua sông An Hoá để thoát ra sông Mỹ Tho và qua sông Bến Tre để thoát qua sông Hàm Luông, cũng đang gây tác hại xấu tới những con sông nhỏ này, nhất là ở sông An Hóa. Lưu lượng nước triều rút khá lớn (2.800 m3/s), đã làm xói lở nặng nề cả hai bờ An Hoá. Trước đây, chiều rộng của sông An Hoá, chỗ cao nhất là 150 m, giờ đã lên tới 250 m. Cầu An Hoá bắc qua tỉnh lộ 883, bị xói lở ở 2 mố cầu nặng tới mức tỉnh Bến Tre đã phải bỏ ra gần 20 tỷ đồng để gia cố lại.

Bênh cạnh đó, việc chặn dòng Ba Lai cũng đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới vườn chim Vàm Hồ, nằm trên địa bàn các xã Tân Mỹ và Tân Xuân, thuộc huyện Ba Tri. Vườn chim Vàm Hồ vốn thuộc hệ sinh thái mặn. Những loài chim, bò sát cư ngụ ở đây cò, diệc, le le, bói cá, kỳ đà, ếch ..., đều sống nhờ vào nguồn sinh vật thuộc hệ sinh thái mặn trong vườn. Khi sông Ba Lai được ngọt hoá, nguồn sinh vật thuộc hệ sinh thái mặn đó bị tàn lụi dần đi, một số sinh vật thuộc hệ sinh thái ngọt đã xuất hiện nhưng không thể bù lại được, các loài chim, bò sát bị thiếu thức ăn, nên đã bỏ đi khá nhiều.

Nhưng theo Viện Kỹ thuật Biển, nỗi lo lớn nhất mà cống đập Ba Lai đang gây ra là nguy cơ cửa sông Ba Lai bị bồi lấp hoàn toàn bởi bùn đất. Trước đây, khi chưa làm cống Ba Lai, hàng năm, cửa sông này cũng thường bị phù sa bồi lắng, nhưng do dòng Ba Lai vẫn chảy ra biển, đẩy bùn đất đi, do đó, sự bồi lắng chưa nhiều. Bây giờ, dòng Ba Lai đã bị chặn, nước sông này không còn khả năng tự đẩy bùn đất ở cửa sông ra ngoài biển như trước nữa.

 Với trên 100 ha nuôi cá tra hiện có dọc 2 bờ sông Ba Lai, mỗi ha khoảng 30.000 m3 nước, đủ thấy một lượng nước nuôi cá lớn như thế nào đang được xả thẳng ra sông, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, mỗi ha đất được đào lên để nuôi cá, cũng có chừng 30.000-40.000 m3 bùn đất được đổ thẳng ra sông, gây bồi lắng ở thượng nguồn cống Ba Lai.
Theo kế hoạch, mỗi tháng, cống Ba Lai có xả nước 2 lần, nhưng mỗi lần xả không mở hết các cửa cống, nên lưu lượng nước đẩy xuống cửa sông Ba Lai không còn mạnh như trước. Thậm chí, có những thời gian, trong nhiều tháng liền (từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2009 và từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2010), do lượng nước trong sông ít, nên cống Ba Lai đã không được mở để xả nước xuống cửa sông. Trong khi đó, hàng năm, cửa sông Ba Lai vẫn đang phải “hứng” bùn đất từ cửa sông Mỹ Tho đẩy xuống (theo gió Đông Bắc) và cửa sông Hàm Luông ngược lên (theo gió Tây Nam). Vì thế, tốc độ bồi lắng ở cửa sông Ba Lai đang xảy ra khá nhanh. Ở nhiều chỗ, bùn đất bồi lắng cao tới 4 m. PGS.TS Nguyễn Thế Biên (Viện Kỹ thuật Biển), cho rằng, nếu không có biện pháp xả nước hợp lý ở cống Ba Lai, e rằng 10 năm tới, cửa sông Ba Lai sẽ thành một cửa sông chết.

Cũng theo Viện Kỹ thuật Biển, những vấn đề về môi trường hiện nay ở lưu vực sông Ba Lai, không chỉ có nguyên nhân từ việc còn thiếu 5 hạng mục quan trọng, mà còn từ sự chuyển đổi sản xuất tuỳ tiện của nhiều hộ dân ở dọc hai bên bờ sông. Sau khi có cống Ba Lai, sông được ngọt hoá, nhiều hộ dân vốn nuôi tôm ở hai bên bờ sông, đã chuyển sang nuôi cá tra. Theo quy định của Bộ NN-PTNT, nếu nuôi cá tra, người nuôi phải chuẩn bị một ao lắng có diện tích tương đương với ao nuôi để xử lý nước đã nuôi cá trước khi thải ra sông. Thế nhưng hầu như không có một hộ hay một doanh nghiệp nào đang nuôi cá tra dọc bờ sông Ba Lai tuân thủ quy định này. Họ cứ mặc nhiên xả thẳng nước nuôi cá ra sông.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm