| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ Người khuyết tật không phải cơ chế “xin-cho”

Chủ Nhật 15/06/2014 , 12:08 (GMT+7)

Hỗ trợ NKT hòa nhập cộng đồng, có được công ăn việc làm chắc chắn đó là những hoạt động thiết thực nhất.

Cuộc sống khó khăn hiện nay, người bình thường nỗ lực vươn lên cũng vất vả, với người khuyết tật (NKT), dĩ nhiên, là cả một vấn đề nan giải.

Nhất là trong xã hội còn không ít những ánh mắt kỳ thị khi nhìn NKT tham gia lao động. Tương tự, ánh mắt nhìn những người tham gia công tác đấu tranh, vận động cho quyền của NKT cũng như hỗ trợ NKT được tham gia học tập, có công ăn việc làm… như nhìn người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” vậy!

Thế nhưng, các tổ chức đội, nhóm, CLB như vậy vẫn đang kiên trì hành động trong suốt bao năm qua. Tại buổi Hội thảo “Chia sẻ các mô hình hỗ trợ Người khuyết tật” ngày 13/6/2014, hơn 200 NKT và các đội, nhóm hoạt động hỗ trợ NKT đã tụ họp về chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu.


Toàn cảnh Hội thảo Hỗ trợ NKT

Bà Dương Thị Vân, chủ tịch Hội NKT Hà Nội cho biết: “Hiểu biết chính sách pháp luật nhà nước rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển hội bên cạnh xây dựng tầm nhìn, kế hoạch rõ ràng; chủ động phối hợp và tham gia vào tất cả các hoạt động của ban ngành địa phương, khuyến khích NKT tham gia hội, không bỏ quên việc bao gồm các hoạt động liên quan đến gia đình của NKT, tranh thủ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tăng cường năng lực và công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của hội TW và địa phương”.

Chính vì vậy, hoạt động của Hội NKT Hà Nội ban đầu, vào năm 2006 có 19 tổ chức thành viên với 750 NKT, đến nay đã có 50 tổ chức thành viên và hơn 9.000 NKT tham gia hoạt động.

Bà Vân cũng cho biết thêm: Điểm mạnh của Hội NKT Hà Nội là liên kết với các trường phổ thông từng quận huyện nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan NKT cho chính học sinh khuyết và không khuyết tật; ngoài ra giáo viên và cả phụ huynh cũng thay đổi nhận thức.

Ở cấp thành phố, chúng tôi làm việc với sở giáo dục để thực hiện các chương trình này. Đối với các trường ĐH: chúng tôi có những chương trình tình nguyện, thực hiện thử nghiệm 4 chương trình tiếp cận tại một số quận huyện.

Một trong những mô hình được các đại biểu đánh giá cao là hoạt động của Hội NKT Diên Khánh (Thôn 3, xã Diên Phú , huyện  Diên Khánh, tỉnh Khánh  Hoà). Đây được cho là một Hội đặc thù bởi hiệu quả của các hoạt động của mình.


Ông Hoàng Chí Trung, Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao phát biểu tại hội thảo

Hiện nay Việt Nam có khoảng 6.700.000 NKT, chiếm gần 8% dân số và đang có xu hướng tăng lên do TNGT, tai nạn lao động, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn. 
Theo thống kê gần đây, trong số người khuyết tật Việt Nam có khoảng 29% bị khuyết tật vận động, 17% tâm thần, 14% khuyết tật thị giác, 9% khuyết tật thính giác, 7% khuyết tật ngôn ngữ, 7% khuyết tật trí tuệ và khoảng 17% các dạng khuyết tật khác. 
Nguyên nhân gây nên khuyết tật do bẩm sinh khoảng 36%, do bệnh tật khoảng 32%, do chiến tranh khoảng 26%, do tai nạn lao động và TNGT khoảng 6%. 
Hàng năm chỉ có khoảng 1 triệu NKT được hưởng trợ cấp từ ngân sách Nhà nước, một số người được hỗ trợ chỉnh hình phục hồi chức năng, được cung cấp phương tiện trợ giúp; hơn 260,000 trẻ em khuyết tật được học tập hòa nhập ở các trường các cấp học, hơn 6,000 trẻ em khuyết tật được học tập ở các trường chuyên biệt, khoảng 19,000 người khuyết tật được học nghề.v.v. và hàng năm có khoảng 10,000 người khuyết tật được giới thiệu việc làm thông qua Trung tâm giới thiệu việc làm…

Ông Đinh Công Thạnh, chủ tịch Hội NKT Diên Khánh chia sẻ: Điểm mạnh là Hội vận động được các nhà tài trợ  hỗ trợ các lớp dạy nghề miễn phí cho hội viên như chạm khắc, vót đũa tre, dệt thảm chà chân…

Chúng tôi đã xin tài trợ từ các doanh nghiệp địa phương, hội bảo trợ địa phương. Chuyển từ cơ chế “xin-cho” sang đề nghị trong công tác vận động chính sách và dựa trên hành lang pháp lý hiện có, cụ thể là đề án 239 và DPHN chúng tôi phải có vai trò trong việc thực hiện kế hoạch.

Với Hội NKT Đức Trọng, Lâm Đồng, thì trước đây ngay cả tìm kiếm trụ sở để làm văn phòng hội cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng khi mô hình HTX ra đời, chính quyền nhận thấy hiệu quả mang lại công ăn việc làm cho xã viên và NKT thì ngoài mặt bằng cho HTX, địa phương cũng hỗ trợ trụ sở hội. Điều đó cho thấy, quan trọng là hội phải làm cho địa phương thấy mình làm điều đúng, làm hiệu quả.

Bà Nguyễn Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội NKT Đức Trọng chia sẻ: Hiện nay thu nhập 1,5 -2 triệu đồng/tháng là mức bình quân. Nếu có những đơn đặt hàng từ nước ngoài hay nhiều đơn đặt hàng thì thu nhập của xã viên cũng tăng lên.

Hiện nay, đa số người khuyết tật ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, họ sống chủ yếu dựa vào gia đình, người thân và xã hội. Phần đông người khuyết tật nặng thuộc diện nghèo, không có công việc, không biết chữ, không có nghề nghiệp.v.v. nên họ rất khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng.

Ông Hoàng Chí Trung, Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: Việt Nam đã ký Công ước về Quyền của người khuyết tật (CRPD) năm 2007 và sẽ hoàn thành thủ tục phê chuẩn trong năm 2014, đây cũng là cam kết UPR của Việt Nam.

Chúng ta cũng đã tham gia và thực hiện các sáng kiến của quốc tế và khu vực và tăng cường sự tham gia của người khuyết tật và bảo vệ quyền của người khuyết tật, trong đó có việc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về 7 lĩnh vực ưu tiên trong Thập kỷ thứ II Thiên niên kỷ Biwako về người khuyết tật khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Bộ Ngoại giao cũng chú ý thúc đẩy hợp tác quốc tế về người khuyết tật, tích cực tham gia các hoạt động trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này, bao gồm các hội thảo, hội nghị, dự án hỗ trợ, mạng lưới liên kết khu vực và quốc tế…

Đối với việc thực hiện Công ước, các Hội, Hiệp hội có thể: Cải thiện cách thức liên lạc với Ủy ban CRPD, các cơ quan LHQ khác, các Hội, Hiệp hội quốc gia và quốc tế khác; Trao đổi thông tin về Công ước và giám sát thực thi Công ước với các Hội, Hiệp hội khác; Hỗ trợ hoạt động của Ủy ban CRPD trong việc thực thi Công ước.

Hỗ trợ NKT hòa nhập cộng đồng, có được công ăn việc làm chắc chắn đó là những hoạt động thiết thực nhất không chỉ giảm bớt khó khăn cho NKT, cho gia đình họ mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội Việt Nam.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất