| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu giống lúa

Thứ Tư 20/06/2012 , 11:02 (GMT+7)

Vụ hè thu và thu đông 2012, 10-15% diện tích lúa gieo sạ ở Hậu Giang được tỉnh hỗ trợ giống năng suất cao, phẩm chất gạo tốt...

Vụ hè thu (HT) và thu đông (TĐ) 2012, 10-15% diện tích lúa gieo sạ ở Hậu Giang được tỉnh hỗ trợ giống năng suất cao, phẩm chất gạo tốt giúp nông dân đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu giống hàng hóa...

Hỗ trợ trên 1.000 tấn giống

Ông Võ Xuân Tân, PGĐ Trung tâm KN-KN Hậu Giang cho biết, thực hiện chương trình hỗ trợ lúa giống của Chính phủ, tỉnh Hậu Giang được Trung ương cấp 13 tỷ đồng mua lúa giống cho nông dân năm 2012. Với số tiền này, tỉnh đã cho đấu thầu và mua được 120 tấn giống nguyên chủng, 790 tấn giống xác nhận để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân. Trong đó có 5 giống lúa chủ lực được ngành nông nghiệp Hậu Giang khuyến cáo SX là: HG2, OM4900, OM4218, OM6976 và OM5451.

“Giống lúa HG2 do tỉnh phối hợp với nhà khoa học ở viện, trường trong khu vực chọn tạo để xây dựng thương hiệu lúa gạo của Hậu Giang. Còn các giống OM nói trên đều là giống có nhiều ưu điểm vượt trội như kháng sâu bệnh tốt, phẩm chất gạo ngon, thị trường ưa chuộng nên rất dễ tiêu thụ”, ông Tân nói. Để đảm bảo chất lượng nguồn giống hỗ trợ, giống nguyên chủng được mua từ Viện lúa ĐBSCL, giống xác nhận mua từ các trung tâm giống trong vùng và các cơ sở SX có uy tín, được cơ quan chuyên môn chứng nhận đạt tiêu chuẩn.


Giống lúa HG2 được chọn để xây dựng thương hiệu lúa gạo của Hậu Giang

Đối tượng được ngành nông nghiệp Hậu Giang ưu tiên hỗ trợ giống lúa nguyên chủng là HTX, CLB nhân giống lúa, với mức hỗ trợ 100 kg/ha để SX giống cấp xác nhận cung cấp cho vụ sau. Còn giống lúa xác nhận sẽ hỗ trợ trực tiếp những hộ nông dân tham gia SX trong CĐML, CLB “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và các hộ nông dân SXKD giỏi… với mức hỗ trợ 120 kg/ha để SX lúa hàng hóa phục vụ XK.

Tại TP Vị Thanh, Trạm KN-KN vừa triển khai hỗ trợ hơn 32 tấn lúa giống nguyên chủng và xác nhận cho nông dân SX trong vụ TĐ tới. Với số lượng giống trên, nông dân sẽ gieo sạ được khoảng 380 ha, chủ yếu là SX giống để cung cấp cho vụ lúa ĐX 2012-2013. Trước đó, trạm cũng đã hỗ trợ hơn 6 tấn lúa giống cấp xác nhận cho 90 hộ nông dân bị thiệt hại nặng do thiên tai trong vụ lúa HT 2011 với diện tích gần 50 ha.

Các hộ nông dân được hỗ trợ đều phấn khởi vì chương trình không chỉ giúp nhà nông bớt nỗi lo về nguồn giống đầu vụ mà còn giảm được chi phí trong SX do giống chất lượng, lúa ít bị sâu bệnh tấn công; đặc biệt là sản phẩm dễ tiêu thụ hơn giống có phẩm cấp gạo thấp.

Ngoài chương trình hỗ trợ lúa giống của Chính phủ, tỉnh Hậu Giang còn được Chính phủ Đan Mạch tài trợ 1,7 tỷ đồng giúp nông dân khắc phục hậu quả đợt lũ lụt cuối năm 2011. Số tiền này, tỉnh mua lúa giống hỗ trợ nông dân. Ông Lư Xuân Hội, GĐ Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang cho biết, trung tâm được tỉnh giao trách nhiệm triển khai hỗ trợ lúa giống cho nông dân từ nguồn tài trợ của Đan Mạch. Đến nay, giống đã được trung tâm chuyển giao cho các địa phương hỗ trợ nông dân với tổng số lượng 112 tấn.

Khống chế giống IR 50404 không quá 10%

Bên cạnh việc triển khai chương trình hỗ trợ nông dân nhằm đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang- Trần Công Chánh còn có công văn chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành, các địa phương triển khai các biện pháp để 2 vụ lúa còn lại SX hiệu quả. Cơ cấu giống IR 50404 gieo sạ phải đảm bảo không vượt quá 10% diện tích.

 Đồng thời khẩn trương ngăn chặn, phòng trừ hiệu quả rầy nâu, VL-LXL; quản lý chặt chẽ việc kinh doanh thuốc BVTV, ngăn chặn tăng giá bất hợp lý, kinh doanh thuốc không đúng chất lượng... Khẩn trương tu sửa các công trình thủy lợi, bờ bao, nạo vét kênh mương, củng cố trạm bơm… để chủ động chống xâm nhập mặn, chống hạn đầu vụ. Đẩy mạnh việc cơ giới hóa trong thu hoạch, lò sấy lúa để giảm tổn thất và chất lượng lúa hàng hóa.

Nông dân tự ý “xé rào” xuống giống trước là rất nguy hiểm, không chỉ làm cầu nối dịch bệnh cho vụ sau mà khả năng lúa bị ngộ độc hữu cơ đầu vụ rất cao, làm tăng chi phí SX, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất. Dự kiến, vụ TĐ tới toàn tỉnh sẽ gieo sạ khoảng 60.000 ha, nông dân cần tuân thủ lịch thời vụ, không vì lợi ích cá nhân để đảm bảo SX thắng lợi.

Theo Chi cục BVTV Hậu Giang, vụ lúa HT này toàn tỉnh xuống giống 76.857 ha, phần lớn diện tích lúa đang ở giai đoạn làm đòng và trổ chín. Riêng một số địa phương gieo sạ sớm như Châu Thành A, Long Mỹ, Vị Thủy nông dân đã thu hoạch được khoảng 500 ha, năng suất bình quân đạt gần 5,4 tấn/ha.

Toàn tỉnh hiện có trên 3.100 ha lúa bị sâu bệnh tấn công, chủ yếu là bệnh đạo ôn, đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ và rầy nâu. Vì vậy, Chi cục khuyến cáo nông dân phải thường xuyên thăm đồng, kiểm tra kỹ ruộng lúa, theo dõi lứa rầy cám sắp nở, khi rầy tuổi 2-3 và mật số hơn 3 con/tép có thể xử lý bằng các loại thuốc đặc trị theo phương pháp 4 đúng.

Hiện nay, thời tiết nóng ẩm, sáng sớm có sương mù nên cần chú ý theo dõi bệnh đạo ôn, khi thấy có xuất hiện vết chấm kim thì cần phun các loại thuốc đặc trị. Riêng đối với đạo ôn cổ bông cần tiến hành phun ngừa 2 lần vào thời điểm 7 ngày trước và sau khi trổ đều.

Điều đáng lo ngại là một số nông dân thu hoạch lúa sớm đã bất chấp lịch thời vụ, “xé rào” xuống giống lúa TĐ, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh. Diện tích xuống giống sớm chủ yếu tập trung ở huyện Châu Thành A và Vị Thủy. Nhiều nông dân lấy lý do để tránh lũ cuối vụ hoặc do ruộng liền kề, hộ bên cạnh làm thì buộc phải làm theo để biện hộ cho việc xuống giống sớm của mình. Tuy nhiên, lý do chính vẫn là tranh thủ gieo sạ sớm để bán lúa lúc đầu vụ được giá cao hơn.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.