| Hotline: 0983.970.780

Hóa giải rắc rối con gái & con dâu

Chủ Nhật 10/09/2017 , 14:40 (GMT+7)

Về làm dâu, mẹ chồng Thư phân công mọi việc rõ ràng: Nếu trước đây, việc nội trợ do bà đảm nhận thì nay, là dâu con, cô đương nhiên là phải gánh vác.

08-59-12_trng_10
Ảnh minh họa

Nghĩa là, Thư phải nấu đủ hai bữa ăn sáng và tối cho mọi người và tất tần tật mọi việc trong nhà khác. Vì thế, cô phải vận dụng hết khả năng để cố gắng hoàn thành trách nhiệm con dâu mới. Buổi sáng, cô phải dậy từ rất sớm để đi chợ. Chiều đến, cô luôn là người ra khỏi cơ quan đầu tiên, tất tả về nhà nấu ăn bởi ở nhà chồng quy định là 7 giờ tối là phải có cơm. Mà đâu phải chỉ người trong nhà chồng. Ngoài bố mẹ và vợ chồng Thư, còn có cả cô em gái chồng tên Bích, dù đã lấy chồng ra riêng nhưng gần như “thường trú” ở đây vì chồng Bích là chủ thầu xây dựng, thường đi theo công trình, thỉnh thoảng mới về nhà.

Lẽ ra chị dâu đã nấu ăn thì Bích phải dọn rửa. Nhưng khi con gái rửa bát thì mẹ chồng xót xa: “Về nhà mẹ lại phải rửa bát sao? Thôi, ra đây ngồi chơi uống nước đi con!”. Vậy là Bích dạ thật to rồi ung dung ra ngoài, để mặc Thư với đống bát đĩa.

Khi Thư và Bích cùng mang bầu, đến bữa, mẹ chồng chọn những miếng ngon nhất gắp vào bát con gái. Còn với con dâu thì bà cười cười: “Có bầu cần gì phải tẩm bổ cho lắm! Kẻo thai to lại khó đẻ!”. Thư chỉ cúi mặt yên lặng.

Bích nghén nên thèm ăn. Cô có thể ăn không ngơi miệng, hết thứ nọ đến thứ kia. Mẹ chồng Thư cười khuyến khích: “Ăn được là tốt con ạ!”. Trong khi đó, con dâu cũng nghén, thèm ăn y chang, mẹ chồng nguýt dài: “Ăn gì mà ăn nhiều thế? Rồi lại béo quay ra đấy, con không chui ra được đâu!”.

Ngày Bích trở dạ, tuy có cả gia đình chồng lo, nhưng mẹ chồng Thư vẫn mua đủ thứ đồ ăn tới bệnh viện cho Bích. Mấy ngày sau, đến lượt Thư đi sinh, chỉ có chồng bên cạnh. Còn mẹ chồng đang bận ở nhà con gái trông cháu. Mãi đến hai hôm sau, bà mới đi tay không vào, cười giả lả: “Mẹ đi vội quá nên chẳng kịp mua gì!”. Thư quay đi, muốn ứa nước mắt vì tủi thân. Bố mẹ cô ở xa, không thể vào bệnh viện với con gái được. Chồng thì vụng về nên chẳng đỡ đần được là bao.

Từ bệnh viện, Bích về nhà mẹ đẻ vì: “Con so nhà mạ con rạ nhà chồng”. Mẹ chồng Thư lăng xăng bên con gái và cháu ngoại, làm tất cả mọi việc, từ cơm nước tã lót bỉm sữa tới đun nước cho cháu rồi con gái tắm, rồi giặt dũ, vệ sinh… Bà cấm con gái không được động tay vào việc gì. Còn Thư, sau một tuần nghỉ phép, khi chồng đi làm lại, một mình cô đánh vật với cả núi công việc của bà đẻ. Thương vợ, chồng Thư xin nghỉ không lương ở nhà giúp vợ giặt giũ cơm nước, phục vụ… Thế là mặt mẹ chồng nặng trịch: “Ngày xưa mẹ đẻ các con, phải tự làm tất cả mọi việc. Con đừng để vợ sướng quá rồi sinh ỷ lại, lười biếng quen thói đi!”

Được 3 tháng, mẹ chồng lại khoán cho con dâu mọi việc từ to tới nhỏ trong nhà. Ngày ngày, cơm nước xong, bà chạy sang nhà con gái, vừa đi thăm cháu ngoại vừa tiện thể làm giúp con gái việc nhà chồng. Tối về, bà nằm khểnh xem ti vi, trong khi Thư vừa hì hụi làm việc nhà vừa địu con trên lưng.

Khi cháu đầy năm, con gái Thư phải gởi nhà trẻ vì mẹ chồng Thư còn phải chăm cháu ngoại. Ngày Chủ nhật, Thư cũng không hi vọng rảnh rỗi để đưa con đi chơi vì cô em chồng lại “vứt” con sang nhà cho “ông, bà”. Thế là Thư phải tất bật hơn cả ngày thường vì có “khách” là thằng cu nghịch như quỷ sứ, được chiều chuộng nên cứ bày bừa ra cho Thư dọn.

Tết đến, một mình Thư lo liệu mua sắm. Thế nhưng mỗi lần Bích chạy sang nhà mẹ đẻ là thể nào mẹ chồng cũng dúi vào tay đủ thứ xách về: “Con cứ lấy về mà dùng cho đỡ tốn tiền mua! Bên này cần thì mua lại sau cũng được!”. Báo hại Thư cứ tất ba tất bật chạy ra chợ vì khi cần mới phát hiện ra thứ này thứ kia đã “không cánh mà bay!”. Đôi khi, quá bực mình, Thư than phiền thì mẹ chồng quát: “Chị dâu gì mà keo kiệt với em chồng thế? Có con cá, cân thịt mà cũng tính toán!”. Thư chỉ biết im lặng vì biết có nói lại rằng thu nhập của chồng Bích cao hơn nhiều so với lương vợ chồng cô, thì cũng bị bà mắng té tát.

Sự phân biệt đối xử của mẹ chồng khiến Thư cảm thấy không thể chịu đựng thêm được nữa. Hoặc vợ chồng cô ra ở riêng. Hoặc cô sẽ li dị rồi nuôi con một mình chứ chẳng thể nào chung một mái nhà với bà mẹ chồng thiên vị giữa con dâu và con gái như thế!

(Kiến thức gia đình số 35)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?