| Hotline: 0983.970.780

Hoài niệm Tân Cương

Thứ Hai 07/12/2015 , 06:10 (GMT+7)

Xã Tân Cương, TP Thái Nguyên, một dải đất rộng chừng 14 km2, đẹp mượt mà với những đồi chè bát úp, suối lượn vòng quanh. 

Mười năm trước, khi bắt đầu công tác tại báo, tôi đã gắn chặt với Tân Cương như một cơ duyên trời định...

Đó là niềm may mắn của tôi! Bởi lẽ, người dân ở Tân Cương hiếu khách, hiền hòa, yêu lao động, giỏi buôn bán và đặc biệt yêu thích Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Từ trải nghiệm bản thân, tôi nghĩ, đất và người ở Tân Cương có một sức hút kỳ lạ khiến ai mà đã “kết duyên" với Tân Cương thì sẽ trở thành một phần của nó.

Chẳng thế mà, đã rời khỏi Thái Nguyên tròn 8 năm, nhưng mỗi khi Tân Cương có một biến động dù lớn hay nhỏ tôi đều được thông báo tường tận. Thậm chí, có những người tôi chưa từng gặp nhưng câu chuyện xoay quanh cuộc sống của họ vẫn vẳng đến như thể họ là hàng xóm bên nhà.

Ở Tân Cương, tôi có những người bạn, trong đó có người từng là nhà giáo, người từng là nhạc công, có người cả đời là nông dân, dù nghề nghiệp khác nhau, song họ đều có một nét tính cách rất chung đó là luôn thẳng thắn và kiên định đến quật cường.

Mười năm trước, họ đã sát cánh cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam chống tiêu cực, bóc trần những đường dây “chạy” chứng nhận thương binh giả; Huân, Huy chương kháng chiến giả. Lật tẩy những quan chức thoái hóa biến chất bán đất công lấy tiền tư túi riêng.

Họ cung cấp thông tin cho báo chí nên động chạm đến lợi ích của nhiều người, động chạm đến cán bộ lãnh đạo xã nên không ít lần họ bị côn đồ chặn đường hành hung, bị ném gạch đá vào nhà đe dọa, khủng bố tinh thần. Nhưng không một ai chùn bước!

Tháng 12/2005, báo đã dũng cảm đăng tải những chuyện động trời như chuyện cán bộ xã dựng người chết sống lại để rút tiền Huân, Huy chương; chuyện bà Chủ tịch xã Nguyễn Thị Học cố tình khai man lý lịch để nhận tiền thưởng Huy chương kháng chiến chống Mỹ, chuyện nhiều bộ đội phục viên trở về lành lặn bỗng dưng trở thành thương binh.

Sau đó thì cửa hàng nhà ông Phạm Minh Tuấn liên tục bị ném gạch đá, vợ con ông thường xuyên nhận những cú điện thoại báo ông bị tai nạn. Không chỉ bị khủng bố, vào thời điểm đó ông Tuấn còn được chính quyền địa phương liệt vào danh sách phần tử gây rối, ngày 2/6/2006 Thanh tra tỉnh Thái Nguyên ra văn bản gửi Công an tỉnh đề nghị phải có biện pháp xử lý công dân Phạm Minh Tuấn.

Lý do ông thường xuyên đi lại trong xóm để kích động, xúi giục các gia đình tố cáo lãnh đạo xã gây mất trật tự tại địa phương. Cũng chỉ vì hợp tác cung cấp thông tin cho báo, ngày 4/1/2006, ông Ngô Viết Đường bị hai thanh niên lạ mặt chặn đường dùng gậy hành hung...

Sự thể là, ông Phạm Minh Tuấn, sinh năm 1942, là một nhạc công, từ TP Thái Nguyên về xã Tân Cương mua đất mở quán ngay mặt đường kế bên UBND xã từ năm 1995. Chuyển từ địa phương khác đến đây, không một chút liên quan đến lợi ích, không quan hệ ràng buộc nhưng ngày lại ngày phải nghe, phải thấy những chuyện chướng tai gai mắt, ông Tuấn thấy mình có trách nhiệm giúp bà con trong xã đấu tranh vì lẽ phải, sự công bằng.

Vậy là bỏ mặc quán hàng cho vợ trông nom, ban ngày ông vác máy ghi âm đi khắp làng xóm thu thập tin tức, đêm về lại chong đèn cặm cụi ghi chép bóc tách từng “tội danh”.

Ông liệt kê từng lô đất bị cán bộ xã bán trái phép, sưu tầm các biên lai thu tiền làm sổ đỏ nhưng quịt không cấp sổ và tổng hợp danh sách những người chạy hạng thương binh thời kỳ đổi mới...

Trong thời gian ngắn ông Tuấn đã nắm trong tay chứng cứ trên 36 “tội danh” tập trung vào một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã và bắt đầu gửi đơn đi các cấp, ngành chức năng, các cơ quan công luận.

Ông Ngô Viết Đường, sinh năm 1926, là người thẳn thắn, ưa rạch ròi. Năm 2005, anh Ngô Đại Dương là con trai ông Đường nghe bạn rủ rê làm hồ sơ “chạy" để thành thương binh, biết chuyện ông Đường ra sức ngăn cản nhưng vẫn thấy con trai thì thụt giấu giếm nên ông quyết định cùng ông Tuấn mang đơn đi tố cáo.

Việc ông Đường gửi đơn kiện đã khiến con trai ông bị loại ra khỏi danh sách “thương binh” của xã và ông đã cứu con khỏi bị “thương”, vết thương giữa thời bình nhưng sẽ mang “thương tật” suốt đời mà không bác sĩ nào có thể chữa khỏi.

Trong con mắt của những cán bộ thoái hóa, biến chất thì những người như ông Tuấn, ông Đường được liệt vào nhóm phần tử gây rối, chống phá hay "nhẹ" thì vô công rồi nghề. Còn trong con mắt của một vài kẻ hậu sinh thực dụng thì hành động của các ông là dại dột, điên khùng, là “ăn cơm nhà, lo việc tổng”.

Cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nên người đời thường lo vun vén cho gia đình. Nhưng ông Tuấn nghĩ khác. Với ông vật chất chỉ là thứ thoảng qua và giá trị cuộc sống phải được đặt ở sự toại nguyện của tinh thần.

Một ngày, chưa tìm thấy lẽ phải, chưa đòi được sự công bằng thì tâm hồn ông sẽ còn bị day dứt, vì vậy ông chăm lo cho đời sống tinh thần, chăm lo cho sự thảnh thơi của tâm trí.

Mười năm đấu tranh chống tham nhũng, số lượng đơn thư, hồ sơ chứng cứ mà ông Tuấn phải photocopy không biết tính bao nhiêu cho xuể. Rồi số lần ra tỉnh, số lần về Trung ương..., chi phí còn lớn hơn cả thu nhập từ cửa hàng nhỏ của gia đình ông đem lại.

Kinh tế gia đình cũng lâm vào cảnh khó khăn mà ông Tuấn không bỏ cuộc. Ông quyết định bán cửa hàng ở mặt đường chuyển vào trong xóm sinh sống. Số tiền dư ra, ông tiếp tục dành cho việc đấu tranh đòi lẽ phải.

Với ông Tuấn, một ông lão ngoài 70 tuổi, mọi thành tích, hư danh đều không còn ý nghĩa. Điều quan trọng là ông đã được giải thoát, cảm thấy thực sự thanh thản. Tâm tĩnh, an nhàn ông Tuấn trở lại bầu bạn với cây đàn violon sau chẵn mười năm xa cách...

Sau hơn 6 năm ròng rã đấu tranh, thế rồi cũng có ngày ông Tuấn được đền đáp. “Thắng lợi rồi nhà báo ơi!”. Lần đầu tiên ông Tuấn reo lên với tôi trong điện thoại vào khoảng tháng 9/2011, khi Sở Lao đông, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên phải ra hàng loạt Quyết định đình chỉ và buộc hoàn trả chế độ ưu đãi thương binh đối với Ngô Đại Dương, Phạm Đức Tân.

Tiếp đến, vào tháng 11/2013, ông Tuấn lại thông báo UBND xã Tân Cương đã buộc phải ra quyết định thu hồi tài sản do ông Phạm Quốc Việt, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Cương chiếm dụng mang về gia đình gồm nhiều bàn, ghế, tủ gỗ lát và máy vi tính.

Cũng trong tháng 11/2013, UBND TP Thái Nguyên ra quyết định thu hồi tiền trợ cấp hàng tháng đối với ông Dương Văn Thọ, xã Tân Cương được hưởng sai quy định trong suốt 24 năm từ 1/1/1989 đến 31/10/2013. Năm 2014, nguyên Chủ tịch xã Vương Sỹ Tạo bị tòa án tuyên phạt 2 năm tù vì hành vi bán đất công lấy tiền tư túi.

Nhờ có thành tích trong việc lật tẩy những thương binh giả nên ông Tuấn được Thanh tra Quốc phòng (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên) đề nghị Ban Thi đua khen thưởng tỉnh Thái Nguyên xem xét khen thưởng. Năm 2015, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng có văn bản giao cho Sở Nội vụ phối hợp với UBND TP Thái Nguyên làm thủ tục khen thưởng đối với ông Tuấn, vì đã có nhiều thành tích chống tiêu cực tại địa phương.

Thành công của ông Tuấn đem lại niềm vui hả hê cho toàn thể nhân dân xã Tân Cương. Lúc này, người dân ở Tân Cương đã được ông Tuấn tiếp thêm sức mạnh, họ bắt đầu tin vào lẽ phải và sự công bằng. Ông Tuấn trở thành biểu tượng của sức mạnh đấu tranh trong xã.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.